Ngày xuân, lại chuyện phiếm về câu đối và câu đối tết

Làm câu đối, chơi câu đối là thú tao nhã của các nhà nho, rồi trở thành nhiều người, của mọi người.
Câu đối xưa viết bằng chữ Hán. Người bình dân không biết chữ Hán thì làm câu đối Nôm - tiếng Việt. Không viết được chữ Hán (Hán, Nôm) thì "xuất bản miệng" đọc cho người khác nghe. Từ khi có chữ quốc ngữ La-tinh câu đối cũng viết chữ quốc ngữ.
Câu đối - Đối liên, là một thể loại văn chương cổ Trung Hoa, Việt Nam..., một hình thức nhỏ nhẹ, ứng chiến, trong văn chương bác học. Câu đối, có thể viết về mọi đề tài, đề cập đến mọi khía cạnh của cuộc sống, biểu thị mọi thái độ, mọi loại tình cảm đối với xã hội, con người.
Về văn phong, loại câu đối ca ngợi, tôn vinh như câu đối thờ, câu đối mừng tặng, phúng điếu,... phải trang trọng, thanh nhã, mực thước. Câu đối vịnh những nơi tôn nghiêm, những người đáng kính, cũng phải như vậy. Loại này dễ sa vào cứng nhắc, công thức. Tuy nhiên người cao tay vẫn tránh được điều đó, gửi gắm được tình cảm, ý tưởng của mình vào tác phẩm bằng ngôn ngữ sáng tạo, mới mẽ.
Ví dụ câu đối của Bị thủ Nam châu Hồ Lãm ở đền Chế thắng phu nhân (Hải Khẩu - Kỳ Anh):
"Ngọc diện ninh trầm phong vũ dạ,
Băng tâm trường chiếu hải vân biên".
(Thà dìm mặt ngọc đêm mưa gió;
Soi mãi lòng băng chốn nước mây).
Hay câu đối (làm thay người) "con rễ điếu ông nhạc" của Phan Bội Châu (lúc còn là học trò):
"Nữ tắc viết vô, thiên lý khởi ưng vô thống hận;
Tử tuy vân bán, nhân tình nan khả bán ai tư" (*)
(Gái, coi như không, lẽ trời há không đau đớn;
Rể, kể là nửa, tình người đâu nửa buồn thương).
Loại câu đối trào lộng, đả kích thì ngoài ý (nội dung), người ta dùng phép tu từ - chơi chữ - để đạt mục đích hoặc đùa cợt vui vẻ, hoặc châm biếm nhẹ nhàng, hoặc phê phán, đã kích sâu cay.
Một thầy nho, học hành chẳng ra gì, nhưng hám danh, nên đến khoa hương, nài cha mẹ bàn lấy tiền lo lót, kiếm được cái Tú tài vớt. Có người làm câu đối mừng.
"Ất bảng đề danh phù mạc bất;
Song đường cập kiến cánh hà như?"
Câu ấy có nghĩa là "Bảng ất (chỉ học vị tú tài) ghi tên, chẳng phải là không đỗ đạt - Mẹ cha vừa nhìn thấy thì thế nào đây?. Nhưng lái lại hai chữ cuối các vế thì sẽ là:
"Bảng Tú đề tên, ôi "mất bạc";
Hai thân kịp thấy đã "hư nhà".
Một ông quan, tài trị dân thì mèng, nhưng tài khoét dân thì lại vào hàng cự phách, đến tuổi sáu mươi, về hưu, có người bạn gửu câu đối mừng, châm chọc:
"Thiên môn hiệp dư? Khoa hoạn khai song dực;
Nhân năng vĩ hỹ! kinh luân mãn nhất nang".
(Cửa trời hẹp ư? Khoa hoạn đôi cánh mở;
Tài ông to phĩ? Kinh luân một túi đầy!)
Trong lịch sử văn học Việt Nam, rất nhiều người nổi tiếng tài làm câu đối: Mạc Đỉnh Chi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu v.v...
"Xuất đối dị, đối đối nan". Mình ra cho mình đối đã khó, người khác ra cho mình đối càng khó, lại phải đối nhanh, đối hay thì khó gấp bội. Phải là người thông thái, tài hoa mới làm được.
Cụ Trạng Mạc đi sứ Tàu, có nhiều câu đối được truyền tụng. Ví như, Quan Tàu đọc: "Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ" (Lửa nhật khói mây, sáng sớm cháy vèo thỏ ngọc (mặt trăng). Đó là câu nói về buổi sáng, nhưng Trạng nhận ra là lời đe dọa, liền lấy cảnh buổi chiều đối, đập ngay: "Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô" (Trăng cung sao đạn, chiều hôm bắn rụng ác vàng (mặt trời).
Cụ Giải San cũng không kém. Hồi mới xuất dương sang Nhật, cụ đến yết kiến Lương Khải Siêu, nhà chính trị lưu vong Trung Hoa, để nhờ giúp đỡ. Nhưng Lương cho người đưa ra tấm thiếp, có câu: " Thiên kim tán tận Hàn nao báo" mượn chuyện Trương Lương, con Tướng quốc nước Hàn, bỏ cả gia tài thuê người giết Tần Thủy Hoàng để báo thù cho nước Hàn bị Tần diệt, nhà khánh kiệt mà việc không thành, Cụ liền ghi lên tấm thiếp thêm dòng chữ "Tam hộ do tồn Sở bất vong" (còn 3 hộ thì nước Sở vẫn không mất), là câu nói của Hạng Lương, chú Hạng Võ, đối lại câu trên. Ông lương vội vã xuống, niềm nỡ mời vào... Về sau, ông viết lại chuỵên này và kết luận: "Đáng thương thay! Đáng kính thay! Có người thế này thì nước không thể mất...".
Lớp bình dân cũng làm nhiều câu đối, phần lớn bằng tiếng Việt và chỉ được lưu truyền trong dân gian, nhưng không hiếm những câu hay:
- "Gió dựa tường ngang lưng gió thẳng;
Trăng nhòm cửa sổ mặt trăng vuông"
(câu đối tức cảnh)
- "Đất chẳng phải chồng, đem gưởi thịt xương sao lợi;
Trời mà mất vợ, thử xem gan ruột mằn răng?"
(Câu đối khóc vợ)
- "Mặt sóng chân bèo, tơ nhợ giở ra trăm mối rối;
Tình sông nghĩa bể, ái ân chất để một khoang đầy".
(Câu đối vợ người thuyền chài khóc chồng)
Và đây là câu đối (chữ Hán) của phường bát âm điếu một người trong phường qua đời:
"Bách niên hữu ước do tùng cúc;
Nhất đán vô thường oán tụ ly."
( Trăm năm có hẹn, còn tùng cúc,
Một sớm không lường oán hợp tan)
Chữ nghĩa trang trọng, tình cảm thấm thía, và dí dỏm kín đáo nếu đọc chệch "tùng cúc" thành "tùng cốc" (trống mõ), "tụ ly" thành "tọ le" (kèn ma)... Đúng là phường bát âm.
Mùa xuân - Năm mới là nguồn cảm hứng mạnh mẽ và bất tận của thi ca, của văn chương, cũng là mùa nở rộ của câu đối tết.
"Nhập thế cục bất khả vô văn tự,
Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài.
Huống chi mình đã đỗ tú tài,
Ngày tết đến vẫn phải một vài câu đối...
... Viết vào giấy, dán ngang lên cột..."
Cụ Tú Vị Xuyên dán câu đối tết lên cột, còn cụ Tam nguyên Yên Đỗ thì dán từ cổng ngoài vào nhà trong, đến tận nhà bếp.
Sáng mồng một, tất cả nho sinh đều làm thơ, làm câu đối "khai bút", chép lên tờ hoa tiên, tờ hồng điều, có người hứng lên thì nhấp rượu ngâm nga... tự thưởng thức văn chương của mình... Dân dã mua câu đối viết sẵn ở chợ, ở phố về treo, không biết chữ thì thưởng thức cái màu đỏ điều lộng lẫy.
"câu đối đỏ", "bánh chưng xanh", cọng thêm vào là "Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ" - "Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh", Bấy nhiêu sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần, bấy nhiêu hình ảnh biểu tượng cái tết xưa trong câu đối tết. Những tay đại bút trong làng câu đối biết làm cho mới mãi, không nhàm chán.
- "Đuột trời ngất một cây nêu, hết tối ba mươi ai cũng tết;
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là xuân."
- "Mua pháo đốt chơi để anh em nghe có tiếng;
Giật nêu đứng lại, cho làng nước biết không xiêu."
Đó là hai câu đối của Tổng đốc Củng (Nguyễn Công Trứ). Dưới đây là câu của Tú Xương:
"Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo;
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi."
Một tác giả khuyết danh có câu đối "Ông mù vịnh tết":
"Đêm ba mươi nghe pháo giao thừa, ờ, ờ Tết;
Sáng mồng một vấp nêu nguyên đán, à, à Xuân."
Tất nhiên câu đối tết xưa không chỉ có thế, nhưng hầu như cũng chỉ phản ánh cuộc sống chật hẹp, u buồn hay vui gượng mà thôi.
"Mừng xuân về, xuân mình có giống xuân người chăng, lăng xăng đốt pháo trồng nêu, dòng Lạc bốn nghìn thêm một tuổi;
Thương xuân quá, xuân trẻ chưa qua xuân già tới, nóng nảy lắc chuông rung trống, bóng chiều chín chục đã ba ngày."
(Nhà nho Trần Hữu Đoài)
*
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thời đại mới, cuộc đời rộng mở, nhịp sống hối hả, con người bận rộn, bao nhiêu hoạt động văn hóa tinh thần phong phú, hấp dẫn... Nhưng một bộ phận nhân dân vẫn chưa quên thú chơi câu đối. Người ta phục chế câu đối ở đền, chùa; người ta sắm câu đối thờ tổ tiên, người ta vẫn dùng câu đối đi mừng, đi điếu...; Vào dịp tết, báo chí vẫn đăng câu đối, các nhà xuất bản vẫn in câu đối, các nhà thư pháp vẫn viết câu đối...
Số người làm câu đối không đông như xưa, nhưng cũng không thật hiếm. Đề tài câu đối mở hết biên độ... Nhưng do lâu ngày không tiếp xúc với Hán học, cựu học, nên người biết làm câu đối không nhiều, người sành càng hiếm.
Câu đối và câu đối tết ngày nay, đa nhưng chưa tinh, thậm chí phần lớn là dỡ, chỉ là ghép chữ, ghép khẩu hiệu chính trị khô khan, thậm chí có khi chưa phải là câu đối vẫn đưa khắc, đưa in...
Câu đối là một loại hình sáng tác văn học, phải có tiêu chí một tác phẩm văn chương.
Câu đối vẫn là một nhu cầu xã hội (dù là một bộ phận xã hội).
Câu đối không mất, nhưng muốn sống thì phải được các thức giả quan tâm đổi mới, nâng cao.

Thái Kim Đỉnh - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian