Nghề trồng nấm Hà Tĩnh - Cơ hội và thách thức

Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao: Hàm lượng protein chỉ sau thịt, cá, rất giàu các chất khoáng và các axit amin không thay thế, các loại vitamin A, B, C, D, E,... Ngoài các giá trị về mặt dinh dưỡng, một số loại nấm còn có giá trị làm thuốc chữa bệnh: nấm hương có tác dụng bổ huyết, trừ phong, chữa bệnh đậu mùa cho trẻ em, chữa bệnh sùi da, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chữa bệnh huyết áp cao, giảm cholesterol; Nhiều loại nấm chứa polysacharit nâng cao khả năng ức chế u bướu, một số loại còn có khả năng phòng chống bệnh ung thư. Bên cạnh đó phát triển sản xuất nấm ăn góp phần tận dụng nguồn phế phẩm của nông nghiệp và sử dụng được nguồn lao động dồi dào trong nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân ,góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới , bảo vệ môi trường .
Với những ý nghĩa to lớn đó, ngày 12/11/2013 nấm ăn và nấm dược liệu được đưa vào danh mục sản phẩm Quốc gia theo Quyết định số 2690/QĐ-BNN-BKHCN. Tại tỉnh Hà Tĩnh, sớm xác định đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển mạnh trên địa bàn; từ những năm 2002 đến nay, Sở KH&CN và Bộ KH&CN đã đầu tư thực hiện thành công nhiều dự án KH&CN, đã tiếp nhận và làm chủ nhiều quy trình từ khâu sản xuất giống đến sản xuất thương phẩm đối với nhiều loại nấm. Đặc biệt, đầu năm 2013 Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nghề trồng nấm và đưa nấm ăn, nấm dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương như công văn số 197/UBND-NL1 ngày 17/01/2013 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo thực hiện nhân rộng mô hình nấm; Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 về việc phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND về quy định tạm thời về hỗ trợ vay vốn các tổ chức tín dụng phát triển sản xuất; Quyết định 26/2014/QĐ-UBND về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Đây là những cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng thúc đẩy nghề nấm phát triển trong tương lai.
Với sự nổ lực, vào cuộc tích cực của cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến địa phương, quyết tâm của bà con nông dân; định hướng đúng đắn, hỗ trợ có hiệu quả của Sở KH&CN tỉnh và Bộ KH&CN, nghề sản xuất nấm Hà Tĩnh ngày một phát triển: Thành lập Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu, đến nay Trung tâm đã được đầu tư xây dựng được một hệ thống đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh; đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất 11 loại giống nấm từ công đoạn nuôi cấy giống gốc, cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến sản xuất phôi, bịch giống chất lượng cung cấp cho nhu cầu sản xuất, đặc biệt là các loại nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm, đùi gà, kim châm, ngọc châm và nấm linh chi,... Qua số liệu của khảo sát năm 2013 của Chi đoàn Thanh niên Cộng sản HCM (Sở KH&CN) cho thấy, việc xây dựng mô hình trồng nấm ở Hà Tĩnh đã có những bước phát triển khá nhanh về số lượng, qui mô: Nếu năm 2010 toàn tỉnh có 37 cơ sở trồng nấm thì đến năm 2011 có 48 cơ sở, năm 2012 có 100 cơ sở và năm 2013 tăng lên 169 cơ sở (với sự tham gia của 287 hộ). Diện tích trồng nấm tăng nhanh qua các năm: nếu như năm 2010 diện tích lán trại trồng nấm toàn tỉnh là 3.580m 2 thì năm 2013 là 21.515m 2 tăng gấp 6 lần bình quân mỗi năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tỷ lệ lán trồng nấm kiên cố và bán kiên cố trên 70%, tỷ lệ số hộ có diện tích trên 50 m 2 chiếm trên 75 %. Người dân bắt đầu có niềm tin vào nghề trồng nấm và đang chuyển hướng mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa với qui mô ngày càng lớn. Sản lượng nấm các loại năm 2013 đạt khoảng 300 tấn trong đó nấm sò, mộc nhĩ và nấm rơm chiếm khoảng 80% còn lại là nấm dược liệu.
Thị trường tiêu thụ nấm ngày càng được mở rộng trong và ngoài tỉnh, là điều kiện quyết định cho phát triển sản xuất ở Hà Tĩnh. Thị trường trong nước đang trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng, các khách sạn, nhà hàng đã trở nên quen thuộc đối với món ăn từ nấm. Mặt khác Hà Tĩnh đang trong thời kỳ kinh tế phát triển nhanh, nhiều dự án được triển khai thu hút lực lượng lớn lao động, chắc chắn thị trường tiêu thụ nấm ăn trong thời gian tới sẽ tăng nhanh.
Tuy số lượng các tác nhân tham gia ngành hàng nấm của Hà Tĩnh khá đa dạng, nhưng sản phẩm chính trong các kênh phân phối vẫn là nấm tươi (nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ tươi, kim châm, đùi gà) và mộc nhĩ khô, linh chi, nấm hương. Riêng đối với nấm mộc nhĩ và linh chi là sản phẩm đặc thù chủ yếu được tiêu thụ ở dạng khô (qua phơi nắng hoặc sấy), số lượng sản phẩm nấm còn ít và đang yếu trong vấn đề bảo quản, chế biến. Đây là hạn chế lớn nhất làm cho chuỗi giá trị tham gia thị trường không phong phú. Hiện nay ngành hàng nấm Hà Tĩnh có 3 kênh tiêu thụ, qua phân tích số liệu điều tra cho thấy: Đối với từng đối tượng nấm khi kênh tiêu thụ khi càng qua nhiều tác nhân của chuỗi giá trị thì giá trị càng tăng lên, ví dụ đối với nấm sò: Kênh tiêu thụ 1 (Cơ sở sản xuất -> Người tiêu dùng): Giá trị lợi nhuận đạt 41,06 % so với chi phí sản xuất; Kênh tiêu thụ 2 (Cơ sở sản xuất -> Cơ sở thu gom, phân phối -> Người tiêu dùng): Giá trị lợi nhuận đạt 52,67 % so với chi phí bỏ ra (sản xuất và thu gom, phân phối), tăng 11,61 % lợi nhuận so với kênh tiêu thụ 1; Kênh tiêu thụ 3 (Cơ sở sản xuất -> Cơ sở thu gom, phân phối -> Bán lẻ -> người tiêu dùng): Giá trị lợi nhuận đạt 62,52 % so với chi phí bỏ ra (sản xuất, thu gom, phân phối và bán lẻ), tăng 11,61 % lợi nhuận so với kênh tiêu thụ 2 và 21,46 % so với kênh tiêu thụ 1. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nấm ở Hà Tĩnh đang chủ yếu thuộc Kênh tiêu thụ 1 đối với tất cả các sản phẩm nấm (trung bình trên 60 % dòng hàng chu chuyển qua kênh này), đây chính là nguyên nhân làm cho thị trường ngành hàng nấm Hà Tĩnh chưa thực sự phát triển.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, Sở KH&CN đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng qua nhiều kênh thông tin. Qua 2 năm 2013, 2014 đã có 7 chuyên đề truyền hình; 6 số Báo Hà Tĩnh; 5 lớp tập huấn tại các xã với gần 1000 học viên và thông tin qua bản tin KHCN với nông thôn và tập san khoa học công nghệ, đài phát thanh, các báo ở địa phương và TW,…truyền thông về sản xuất, giá trị dinh dưỡng, thị trường nấm. Xây dựng và đưa vào sử dụng Website “Namhatinh.com.vn” là trang web chia sẻ kiến thức tổng hợp về kỹ thuật sản xuất nấm (trồng, chế biến, bảo quản…), các thông tin thị trường, thông tin về chính sách hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nấm,... và các thông tin cần thiết khác với mục đích hướng dẫn, giúp đỡ người sản xuất nấm nắm rõ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ của nhà nước, từng bước tiếp cận thị trường tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nấm. Ngoài ra, Sở còn triển khai thử nghiệm gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và đầu mối kinh doanh các sản phẩm từ nấm tại Thành phố Hà Tĩnh. Gian hàng đã được đầu tư trang bị một số thiết bị bảo quản nấm tươi, có diện tích tương đối rộng rãi, nằm ở vị trí trung tâm của Thành phố nên khá thuận lợi trong việc giới thiệu, giao dịch mua bán nấm.
Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp tổng thể giải quyết đầu ra cho sản phẩm nấm, như: sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, sự tác động của công nghệ khoa học kỹ thuật để tổ chức sản xuất tốt hơn; xây dựng mối liên kết giữa hộ sản xuất với người tiêu dùng, người thu gom phân phối, các đại lý bán buôn,…; tăng cường thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nấm; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu; hình thành và phát triển các cơ sở chế biến nấm tham gia vào chuỗi tiêu thụ sản phẩm,… Hợp tác trong trồng nấm là một xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường vì nó tạo ra sức mạnh cho những người trực tiếp sản xuất. Các hoạt động liên kết trong chuỗi có thể là (i) Mua chung giống, (ii) Phòng trừ sâu bệnh, (iii) Tiêu thụ sản phẩm, (iv) Thông tin thị trường. Liên kết trong trồng nấm không những tạo ra thị trường cung cấp hàng hoá với số lượng lớn để đáp ứng những khách hàng lớn mà còn chống được rủi ro, hỗ trợ, tương trợ nhau về giống, vốn và kỹ thuật. Ở Hà Tĩnh vấn đề này còn rất manh mún, có một vài nơi làm thí điểm nhưng chưa được nhân rộng và thành công như mong đợi. Nếu làm tốt chức năng dịch vụ đầu vào, đầu ra trong nghề nấm đó là một hướng đi phù hợp với những vùng có tiềm năng trồng nấm lớn. Thực hiện được điều này sẽ góp phần giảm được chi phí đầu vào, có thể ký kết những hợp đồng tiêu thụ với khối lượng lớn.
Để nghề trồng nấm ở Hà Tĩnh ngày càng có những bước tiến vững chắc hơn cần tiếp tục có sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành liên quan, cấp ủy chính quyền các địa phương và nỗ lực, quyết tâm của bà con nông dân. Sản xuất nấm chỉ có thể tạo bước đột phá khi sản phẩm làm ra được công chúng đón nhận và tự bản thân nó phải đâm chồi, bén rễ ngay trong môi trường cạnh tranh./.

Nguyễn Duy Hưng - Phó phòng Kế hoạch Tài chính