Cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 4km về phía Tây, không mấy khó khăn, để chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Phong (Thạch Đài - Thạch Hà- Hà Tĩnh) - chủ cơ sở sản xuất kẹo Cu Đơ Phong Nga. Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm nghề nông, ngay khi hết tuổi cắp sách tới trường Nguyễn Văn Phong đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 05 năm được rèn luyện và học tập trong môi trường quân đội đã giúp cho anh có thêm ý chí và nghị lực, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Xuất ngũ khi tuổi đời còn khá trẻ, nhiều dự định về tương lai còn ở phía trước, một lần nữa Nguyễn Văn Phong tiếp tục quyết chọn hướng đi riêng cho mình, Nam Bộ chính là mảnh đất hứa mà anh lựa chọn. Song, cuộc đời luôn không theo những gì ta mong muốn, sau hai năm sống trên mảnh đất xứ người. Anh quyết định về lại quê hương, hành trang tiếp bước của chàng thanh niên Nguyễn Văn Phong chỉ có đôi bàn tay trắng. Năm 1994 anh lập gia đình, và cũng từ lúc đó ý tưởng lập nghiệp bằng nghề nấu kẹo Cu đơ truyền thống đã nhen nhóm trong anh. Những ngày tháng mở xưởng kẹo anh đã gặp không ít khó khăn do chưa biết hết kỹ thuật, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng bằng ý chí nghị lực, tinh thần nghiên cứu và ham học hỏi, sau một thời gian anh bắt đầu có những thành công đầu tiên, nhiều khách hàng tìm đến cửa hàng của gia đình anh.
Sau khi đã tạo dựng được thương hiệu có tên tuổi trong tỉnh, anh tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và hiện nay
kẹo Cu đơ Phong Nga
đã có mặt tại Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và một số tỉnh khác …
Khi thương hiệu
kẹo Cu đơ Phong Nga
đã được người dân trong và ngoài tỉnh biết tới, thì sản phẩm của anh làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Chính điều này đã thôi thúc anh phải tìm ra phương thức sản xuất mới thay thế cho lối sản xuất thủ công truyền thống, nhằm nâng cao năng suất cung ứng đủ cho thị trường. Với sự sáng tạo của mình cùng sự giúp đỡ của các Nhà khoa học trong tỉnh, anh đã chế tạo ra các loại máy thủ công phục vụ cho sản xuất kẹo. Đầu tiên phải kể đến việc chế tạo thành công Bàn cắt kẹo vào năm 1997, với công suất một giờ có thể cắt được 5.000 cái bánh, gấp hàng trăm lần so với cắt bánh thủ công. Sau đó nhiều phát minh liên tiếp ra đời, trong đó phải kể đến: máy rửa gừng, máy khuấy kẹo, hệ thống lọc mật, máy dán hộp kẹo.... Tất cả các phát minh của anh đều được làm từ những nguyên liệu đơn giản và ít tốn kém. Chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy hệ thống dây chuyền sản xuất tương đối đồng bộ, cho ra những sản phẩm chất lượng. Anh Phong cho biết trong hệ thống dây chuyền sản xuất có tới 90% là do anh tự nghiên cứu tìm tòi phát minh ra. Tiếng lành đồn xa, hiện nay nhiều chủ cơ sở sản xuất kẹo Cu Đơ trong tỉnh cũng đã tìm đến anh học hỏi, mua các thiết bị sản xuất do anh chế tạo. Mặc dù chưa được đào tạo bài bản qua một trường lớp kỹ thuật nào, nhưng qua thực tế và khả năng sáng tạo anh đã cho ra đời nhiều phát minh làm lợi cho sản xuất hàng trăm triệu đồng. Anh nói: "Động lực để tôi tìm tòi, phát minh ra được những chiếc máy này là từ sản xuất thủ công tiến dần sản xuất công nghiệp, nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động cho con người, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm". Một trong số những sáng kiến của anh đã đạt giải tại các hội thi sáng tạo khoa học kỷ thuật trong tỉnh phải kể đến: Giải ba với giải pháp máy khuấy lạc, giải khuyến khích máy rửa gừng.... Khi được hỏi về những dự định sắp tới, anh cho biết thêm: Không dừng lại với những thành quả thực tại, sắp tới tôi tiếp tục nghiên cứu để cho ra nhiều loại máy móc hiện đại và đồng bộ hơn nữa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giải phóng sức lao động trong những công đoạn lâu nay vẫn phải làm thủ công.
Chính nhờ biết cách áp dụng Khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mẫu mã đa dạng gắn với chất lượng sản phẩm, cùng đó vẫn giữ được hương vị truyền thống của sản phẩm Cu đơ Hà Tĩnh, đã làm "say" những ai mỗi khi thưởng thức thứ kẹo rất đặc trưng
"Chè xanh với lát gừng cay, Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người"
. Chia tay anh, một người vào nghề từ con số không với hai bàn tay trắng nhưng bằng suy nghĩ, tìm tòi có những thành công bước đầu. Chúng tôi luôn dành cho anh sự khâm phục về ý chí sáng tạo, thể hiện tinh thần phẩm chất của một người lính./.
Chí Dũng