Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, và gần đây là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo thời cơ, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển. Kinh tế ở nông thôn từng bước được chuyển đổi, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, đưa công nghiệp về nông thôn gắn với phát triển làng nghề, ngành nghề tạo công ăn việc làm, đời sống của nông dân tiếp tục đựơc cải thiện, cơ sở hạ tầng được chú trọng. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm, hiện còn 23,91% theo tiêu chí mới, cơ bản xoá hộ đói. Các điều kiện về ăn, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh của nông dân đã được đáp ứng tốt hơn, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất tinh thần, trình độ dân trí được nâng lên ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sản xuất, là chủ nhân của nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông thôn mới văn minh tiến bộ.
Trong những năm qua Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên nhiều lĩnh vực ở nông thôn, cuốn hút hàng nghìn hộ nông dân tham gia và đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 118.468 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình SXKD giỏi các cấp. Nhiều hộ có thu nhập cao từ 200 triệu trở lên. Có trên 1.000 hộ nông dân trở thành chủ trang trại, gia trại trên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, dịch vụ, ngành nghề thu hút hàng chục nghìn lao động ở nông thôn. Hội đã gắn mục tiêu của chương trình với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể hoá bằng các đề án, dự án. Thực hiện các dịch vụ: cung ứng vốn, giống, vật tư, phân bón, máy nông nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho bà con nông dân nhằm ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Về dịch vụ vốn, tổng dư nợ các nguồn vốn do Hội phối hợp xấp xỉ 2.000 tỷ đồng của 2 ngân hàng NN&PTNT và CSXH, với 1.611 tổ vay vốn và 63.067 lượt hộ vay, tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức cho phép. Thông qua các hoạt động đối ngoại Hội Nông dân tỉnh đã hợp tác với các tổ chức Phi chính phủ, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư tài trợ của các dự án trên 11 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Để công tác đào tạo nghề thật sự mang lại hiệu quả thiết thực cho lao động nông thôn, gắn đào tạo với tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân. Hội đã chủ động khảo sát, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, huy động nguồn từ các sở, ngành, dự án (Sở LĐTB và XH; IMPP).
Hàng năm, có trên 1.200 lao động nông thôn được dạy nghề, trên 2.000 hội viên được tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt.
Vai trò của Hội Nông dân ngày được nâng cao, thực sự đóng vai trò là trung tâm và nòng cốt trong các hoạt động ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hoạt động của hội đã hướng về cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, đối thoại với nông dân tìm các giải pháp, khắc phục tình trạng sản xuất trì trệ, lạc hậu, nâng cao lòng tin, ý chí tự lực tự cường, tinh thần cần cù sáng tạo và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Tổ chức Hội với vai trò cầu nối giữa nông dân với các cơ quan KHKT, các doanh nghiệp và Nhà nước được phát huy. Đội ngũ cán bộ Hội đã có bước trưởng thành, có trình độ hiểu biết về chính sách pháp luật, kiến thức KHKT, công nghệ sản xuất, năng lực quản lý và phương pháp vận động nông dân. Vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào nông dân đã được phát huy, trở thành chổ dựa người dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong những năm qua, nông dân tỉnh ta còn có những khó khăn đó là: Tư tưởng của nông dân còn dựa vào truyền thống canh tác cũ; cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Đảng và Nhà nước tuy đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức, nhất là hỗ trợ cây- con giống, sản phẩm mới, hoặc khi nông dân bị thiên tai, rũi ro chưa kịp thời, mức huy động nông dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các loại quỹ, phí, lệ phí còn lớn, việc liên kết 4 nhà chưa thực sự gắn kết. Tình hình dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi vẫn chưa được khắc phục triệt để; giá cả luôn bất lợi cho người sản xuất nông nghiệp nhất là vật tư phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm…
Để giải quyết những khó khăn trên, trong những năm tới cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:
-
Rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Chú trọng đào tạo nghề, chuyển giao KHKT công nghệ để nông dân tìm kiếm việc làm, chủ động ứng phó với công việc mới, giúp cho nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất là kiến thức KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, công tác giống, quản lý sử dụng các nguồn vốn. Tạo việc làm cho lao động nông thôn nhất là những vùng bị thu hồi đất. Bên cạnh cần hỗ trợ vốn vay để chuyển đổi nghề và xuất khẩu lao động
.
-
Đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện sản xuất kinh doanh: giao thông, kiên cố hoá kênh mương, xây dựng thêm các hồ chứa nước để bảo đảm tưới tiêu. Tăng cường đầu tư cơ giới hoá nông nghiệp tất cả các khâu sản xuất, Nhà nước nên hỗ trợ một phần lãi suất ưu đãi để nông dân mua các loại máy móc để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá có chất lượng cao.
-
Nhà nước phải đứng ra tổ chức chỉ đạo việc thực hiện tiêu thụ sản phẩm, không để nông dân bị thả nỗi trong cơ chế thị trường: Các nhà khoa học phải có trách nhiệm trước nông dân, bảo đảm cây, con giống mới có chất lượng hiệu quả, nghiên cứu xác định cây con nào phù hợp với điều kiện của tỉnh, các doanh nghiệp nên có chính sách ưu đãi trong việc cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo công bằng với người dân.
- Về an ninh nông thôn: Hiện nay an ninh trật tự và an toàn xã hội ở nông thôn cơ bản ổn định. Tuy nhiên một số tiêu cực và tệ nạn xã hội phổ biến như: trộm cắp tài sản, đánh bạc, tai nạn giao thông, trật tự xã hội, rượu chè… chính quyền nên có biện pháp cứng rắn và hiệu quả hơn. Môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm nặng trên nhiều lĩnh vực như: Chất thải công nghiệp, rác thải, nước thải, thuốc bảo vệ thực vật... rất cần được kiểm tra và giải quyết kịp thời
.
-
Hội Nông dân các cấp cần phải đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững về chính trị tư tưởng, tổ chức và hành động làm tốt vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nông dân. Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh Công- Nông- Trí thức. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".
Văn Hùng - Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh