Nuôi Chồn lông nhung, giúp người nông dân Quang Lộc xoá đói giảm nghèo

Qua các phương tiện thông tin đại chúng và phổ biến của cán bộ địa phương gia đình anh Trần Chí Dũng xóm Yên Bình, xã Quang Lộc hiểu được rằng để xây dựng NTM thì trước hết phải tăng cường phát triển kinh tế gia đình, vì vậy ngoài việc chăn nuôi các vật nuôi truyền thống, anh đã du nhập đối tượng chồn lông nhung vào nuôi thử nghiệm. Đầu năm 2012 anh đi ra tận Hoà Bình “tầm sư, học đạo” kỹ thuật nuôi chồn nhung, anh Dũng mạnh dạn đầu tư trên 70 triệu đồng để mua về 16 cặp chồn lông nhung nuôi trong 3 chuồng tại gia đình, (mỗi cặp trị giá 4 triệu đồng), cùng với chi phí 2,5 triệu đồng/chuồng. Mặc dù là đối tượng mới nuôi lần đầu, song nhờ được học hỏi về kỹ thuật nên đàn chồn nhung đã thể hiện sự thích nghi trên vùng quê mới. Anh Dũng cho biết: “Nuôi Chồn nhung chỉ đầu tư ban đầu để mua giống, còn thức ăn rất phong phú có thể là thức ăn xanh, củ quả, phế phụ phẩm nông nghiệp”.
Theo kinh nghiệm của anh Dũng, chồn nhung là động vật hoang dã nên nuôi rất dễ, hàng ngày cần phải dọn vệ sinh chuồng sạch sẽ, đảm bảo chuồng luôn khô, thoáng, thì chồn rất ít khi bị bệnh, chỉ có bị bệnh tiêu chảy trị được bằng thuốc đi ngoài dạng viên của người. Khi chồn cái có biểu hiện kêu, phá chuồng, bỏ ăn phải bắt chồn ra ô khác để cho giao phối, giai đoạn mang bầu bắt trở lại vào chuồng ban đầu. Chồn nhung đen có khả năng sinh sản khá cao, mỗi năm đẻ khoảng 4 lứa; mỗi lứa trung bình từ 3-4 con. Thời gian mang thai của chồn là 65 ngày, thời gian cai sữa cho chồn con là 20-21 ngày. Thường sau khi cai sữa xong từ 1-3 ngày, chồn cái lại động dục, đây là thời điểm người chăn nuôi có thể cho giao phối lần tiếp theo. Đối với chồn hậu bị chuẩn bị bước sang giai đoạn sinh sản, vào khoảng 50-60 ngày chúng có những biểu hiện động dục đầu tiên. Tuy nhiên, không nên để chồn tự do ghép đôi giao phối ở thời điểm này mà nên để chồn khoảng 70-80 ngày tuổi đối với con cái, 90-100 ngày tuổi đối với con đực mới cho giao phối vì thời điểm đó chồn mới phát triển thành thục các cơ quan sinh dục. Tỷ lệ ghép phối, đối với chồn được nuôi theo nhóm quần thể có thể ghép phối theo tỷ lệ 1 đực 4 cái.
Hiện nay, trên địa bàn xã Quang Lộc không riêng gia đình anh Dũng mà còn nhiều hộ đã tham gia mô hình này. Toàn bộ đầu ra của sản phẩm các gia đình đều được Công ty Hoà Bình đến tận nơi thu mua chồn giống và chồn thịt, với giá từ 800-1 triệu đồng/con (0,8 - 1kg), sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận từ 500 - 600 ngàn đồng/con. Từ những kết quả bước đầu đó có thể nói nuôi Chồn lông nhung, hướng đi mới giúp người nông dân Quang Lộc xoá đói giảm nghèo, hướng tới làm giàu.
Mạnh dạn với một hướng đi mới như nuôi chồn nhung của những hộ gia đình ở xã Quang Lộc không chỉ thể hiện khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương mình còn thể hiện quyết tâm cao góp sức mình trong bước đường đi đến thành công xây dựng NTM tại địa phương./.

Đức Thắng