Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học phát hành thì
phản biện xã
hội
là một động từ với nội hàm: “Đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ để lấy học vị trước hội đồng chấm thi”.
“
Phản biện
là nhận xét và đánh giá về một công trình khoa học (luận án, luận văn, khóa luận hoặc kết quả nghiên cứu khoa học của một đề tài, một chương trình nghiên cứu…) Người (hay cơ quan) phản biện nhận định về tính cấp thiết và ý nghĩa của đề tài, nội dung và hình thức thể hiện của công trình khoa học, phương pháp nghiên cứu, kết luận, đóng góp, hạn chế…, cuối cùng đánh giá chung là đạt hay không đạt những yêu cầu đề ra, xếp loại v.v…”(1)
“
Phản biện xã hội
là sựphản biện nói chung
,
nhưng
có
quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan.
Phản biện xã hội
là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước…Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phản biện xã hội
là nhu cầu cấp thiết và là đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu…” (2)
Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ” (3)
“Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Các cấp ủy Đảng và cấp chính quyền có chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật”. (4)
Việc lãnh đạo các cấp đối thoại trực tiếp với nhân dân, các đại biểu dân cử tiếp xúc nghe ý kiến của cử tri; việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân; việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo văn kiện, các dự án và chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; việc trưng cầu ý dân; việc tập hợp, nắm bắt và vận dụng những mặt tích cực của dư luận xã hội…đều là những hình thức (kênh) của phản biện xã hội. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, cần có cơ chế rõ ràng để nhân dân bày tỏ ý kiến và phản biện đối với dự thảo, dự án, những quyết định lớn của Đảng và Đảng sẵn sàng nghe những ý kiến ngược chiều.
Khi thực hiện phản biện xã hội, người ta đưa ra các lập luận, nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một phương án, dự án đã được hình thành và công bố. Phản biện xã hội có thể được thực hiện với bất cứ một phương án, dự án xã hội nào đã công bố.
Lập luận phản biện bao giờ cũng khác với lập luận “chính thống” là cơ sở của phương án, dự án xã hội được xây dựng, nhằm vạch ra những thiếu sót, làm rõ những khía cạnh chưa hợp lý, bổ sung, hoặc khẳng định, hoặc bác bỏ phương án, dự án “chính thống”.
Phản biện xã hội và phản biện khoa học có những điểm giống nhau và khác nhau rất quan trọng. Phản biện khoa học về bản chất là khách quan, không có tính giai cấp. Phản biện xã hội bên cạnh thuộc tính khoa học, có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Phản biện xã hội không phải lúc nào cũng dựa trên cơ sở lập luận khoa học thuần túy và các yếu tố quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội được phản ánh thông qua chủ thể phản biện. Đây là điểm khác biệt hết sức quan trọng.
Phản biện khác với phản kháng. Phản biện xã hội nhằm mục đích lựa chọn phương án, dự án xã hội chính xác nhất. Phản kháng xã hội hướng tới sự đả kích, không dừng lại ở việc đối chọi về lập luận, mà còn dẫn tới các hành động phản kháng cụ thể…
Phản biện xã hội đa dạng và phong phú cả về nội dung, hình thức, đối tượng và chủ thể tham gia…Quá trình tổ chức phản biện xã hội phải bảo đảm tính Đảng, tính nhân dân, tính trung thực, tính khoa học, khách quan và thiết thực. Phản biện xã hội nhằm mục đích bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận cao của toàn xã hội đối với Nhà nước.
Nội dung của phản biện xã hội
rất rộng. Đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, phương án, dự án… kể cả công tác tổ chức và cán bộ… của Đảng, Nhà nước là đối tượng của phản biện xã hội.
Chủ thể của phản biện xã hội
có thể phân ra hai nhóm:
Một là, nhóm biện luận là đại diện cơ quan Nhà nước, đại diện của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, hoặc cá nhân những người đề ra chủ trương, chính sách, dự án, chương trình v.v…
Hai là, nhóm phản biện là người biện luận phủ định, có thể là các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn, hoặc Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Nhà báo và các đoàn thể nhân dân khác hoặc cá nhân v.v…
Chủ thể phản biện phải dựa trên những bức xúc vì lợi ích chân chính hợp pháp của đại đa số quần chúng nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về chất lượng phản biện của mình.
Chủ thể được phản biện cần tỏ rõ ý thức trách nhiệm vì quyền lợi đại cục để tiếp thụ, phản hồi sự phản biện trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng theo pháp luật quy định.
Phản biện là sự phân công của xã hội vì sự hưng thịnh của đất nước.
Các nhà cầm quyền trên thế giới rất khôn ngoan biết sử dụng phản biện xã hội như một kênh thông tin rất quan trọng phục vụ cho công việc của mình.
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, phản biện xã hội là cách động viên mọi người tích cực, chủ động tham gia, đóng góp sức mình vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, là hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ thúc đẩy thực hiện mục đích xã hội tốt đẹp.
Phản biện xã hội
vừa là một nhu cầu khách quan của công việc lãnh đạo xã hội, vừa là một hiện thực tất yếu luôn tồn tại trong đời sống chính trị xã hội.
Phản biện xã hội
, nếu được thực hiện đúng đắn, sẽ đem lại kết quả tích cực trực tiếp. Phản biện xã hội tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta có những phương án, dự án… hợp lý nhất, hiệu quả nhất và sẽ được sự ủng hộ rộng rãi khi đưa vào thực hiện.
Làm tốt phản biện xã hội không những sẽ mang lại nhiều lợi ích vật chất mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc; đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước ngày thêm phong phú và sinh động.
Muốn phản biện xã hội đạt được mục tiêu tích cực của nó, thì phải có định hướng phản biện, phản biện phải có nơi, có chỗ, có người nói, có người nghe, phạm vi, quy mô, nội dung phản biện phải được tính toán, cân nhắc kỹ trên cơ sở phát huy quyền dân chủ, nhưng điều quan trọng trước hết là phải xác định đúng mục đích phản biện là gì ?
Ý nghĩa và giá trị của phản biện xã hội là to lớn, nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của phản biện xã hội, cho đó là giải pháp vạn năng trong đời sống chính trị.
Phản biện xã hội
là một trong các biểu hiện của cơ chế tập trung dân chủ, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nằm trong tổng thể cơ chế tập trung dân chủ. Một Nhà nước điều hành hoạt động xã hội hằng ngày, không thể áp dụng phản biện xã hội cho mọi quyết định của mình. Phản biện xã hội thực hiện tràn lan có thể làm mất đi tính năng động và kịp thời của quá trình điều hành xã hội. Tổ chức không tốt quá trình phản biện xã hội, sẽ bị những kẻ cơ hội lợi dụng, có thể dẫn tới làm tê liệt sự điều hành của Nhà nước.
Để phản biện xã hội được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả thiết thực cao nhất, thì việc phản biện trước hết phải được bảo đảm bằng cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cần có
Luật Phản biện xã hội
quy định đối tượng phản biện, chủ thể phản biện, nội dung phản biện, hình thức và phương pháp phản biện, quy mô và phạm vi của phản biện… Dự thảo luật này nên được phản biện xã hội trước khi trình Quốc hội. Mặt khác, phát huy vai trò, tăng cường tính độc lập, chủ động của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội…, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt các nhà lãnh đạo, quản lý, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, các nhà báo… tham gia có hiệu quả cao nhất hoạt động phản biện xã hội vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá với mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Xuyến