Phát triển bền vững - nội dung và giải pháp

Năm 1987, Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, đã định nghĩa Phát triển bền vững là “sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.
Năm 2002, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững (họp ở Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi) đã nêu rõ: Phát triển bền vững là “quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế); phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên)”.
Ở nước ta, quan điểm phát triển bền vững đã được thể hiện rất sớm và đậm nét trong nhiều nghị quyết của Đảng.
Đại hội III (1960) và Đại hội IV (1976) đã nêu rõ mục tiêu “ Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
Đại hội VII (1991) thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, khẳng định: “ Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường ”.
Đại hội VIII (1996) nhấn mạnh: “ Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Đại hội IX (2001) đã xác định: “ Phát triển nhanh, hiệu quả bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường…Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”.
Đại hội X (2006) quyết tâm : “ Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh , chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người...Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”.
Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ tốt môi trường; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; bảo đảm dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển toàn diện con người.
Phát triển bền vững về kinh tế là đạt được sự tăng trưởng nhanh, có chất lượng, đời sống nhân dân được nâng cao, khắc phục được sự suy thoái trong tương lai, không để lại gánh nặng nợ nần quá khả năng thanh toán cho các thế hệ con cháu mai sau.
Phát triển bền vững về xã hội là đạt được kết quả cao trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giảm tệ nạn xã hội; xóa đói giảm nghèo và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp, nhóm xã hội; phát huy tính đa dạng và bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước nâng cao trình độ văn minh về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Phát triển bền vững về môi trường là sử dụng, khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, xử lý có hiệu quả ô nhiễm môi trường; bảo vệ tốt môi trường sống; khắc phục sự suy thoái và cải thiện tốt nhất chất lượng môi trường.
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 -2010, nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành còn thiên về tốc độ tăng trưởng (GDP) mà chưa coi trọng đúng mức chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của sự phát triển, chưa tạo được những chuyển biến mạnh trong việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc.
Từ tình hình trên, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “ Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược” với các nội dung chủ yếu: “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế…chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế trí thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường …”
Phát triển bền vững phải nhằm đạt cho được mục tiêu cao cả là : “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, và phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng phát triển như thế nào ? Đó là bài toán khó? Nếu cứ phát triển bằng bất cứ giá nào mà không tính đến các mặt tiêu cực, các hậu quả xấu mà sự phát triển đó đem lại thì đó là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Cái gương nhãn tiền là có một số nước vì quá thiên về tăng trưởng kinh tế (GDP), đã để lại những hậu quả rất nặng nề về văn hóa và môi trường ô nhiễm mà không dễ gì trong một thời gian ngắn có thể khắc phục được.
Phát triển bền vững đòi hỏi phải có giải pháp đột phá chiến lược. Đó là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân.
Trong điều kiện toàn cầu hóa và kinh tế thế giới đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt thì nguồn lực con người chất lượng cao là lợi thế cạnh tranh dài hạn, là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Cần phải tập trung sức phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu hợp lý nhằm đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và phát triển kinh tế trí thức.
Cơ chế giáo dục đại học và trên đại học cần thiết phải tạo ra cho mỗi chủ thể sinh viên một môi trường học tập, nghiên cứu mà họ có thể tự đào tạo, tự vươn lên phù hợp với những biến đổi nhanh chóng của xã hội trong thế kỷ 21.
Nhiều năm qua, nguồn nhân lực của nước ta thực tế không đáp ứng được yêu cầu của những ngành kinh tế kỹ thuật mới, đã cảnh báo chúng ta một vấn đề về những bất cập của hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục ở bậc đại học và dạy nghề. Giáo dục và đào tạo đã không đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 trên thang điểm 10, xếp hạng thứ 11 trong 12 quốc gia được khảo sát tại khu vực châu Á. (1)
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn, đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề.
Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Chỉ có thông qua việc hợp tác này mới có thể tạo ra nguồn nhân lực được đào tạo với nghề nghiệp thích ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, gắn kết được nhu cầu của thực tiễn với đào tạo của các cơ sở dạy nghề.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) (tháng 7-2008), chương trình đào tạo nghề cho nhân lực ở nông thôn đang được triển khai với mục tiêu mỗi năm đào tạo một triệu nhân công nông thôn bao gồm cả viên chức làm việc ở khu vực này.
Nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo nghề ngày càng trở nên cấp thiết, song công tác dạy nghề lại chưa đáp ứng cả về số lượng và kỹ năng nghề nghiệp. Hạn chế chính của đào tạo nghề ở nước ta trong thời gian qua là thiếu một đội ngũ giáo viên giỏi, chất lượng dạy, sự quản lý công tác dạy nghề và cơ sở vật chất dành cho giảng dạy còn yếu kém…cần được khẩn trương đầu tư chấn chỉnh.
Có chính sách kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tích cực, có chiến lược đúng đắn về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường mạnh mẽ năng lực tổ chức quản lý, mở rộng hiệu quả hợp tác quốc tế và toàn Đảng, toàn dân đồng thuận cùng tham gia thực hiện, nhất định đất nước sẽ bước vào một thời kỳ phát triển nhanh và bền vững.
(1) Báo Nhân Dân cuối tuần, số 34, ngày 22-8-2010.

Nguyễn Xuyến