Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2008 đạt: 7.360 tấn (KH 2009: 8.750tấn)
Thủy sản ở Tỉnh ta có thể phát triển ở tất cả các loại hình mặt nước và trên các vùng tự nhiên sinh thái khác nhau từ miền biển, đồng bằng đến miền núi.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng đã và đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế tỉnh nhà, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Vì vậy Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn ở tỉnh ta. Nhưng thực tế sản xuất thủy sản cũng là một nghề truyền thống lâu đời, xuất phát điểm vốn là nghề cá quy mô nhỏ với các phương thức canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Những năm gần đây NTTS đã được nâng dần phương thức canh tác (từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, nuôi quảng canh dần chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh...).
Tuy nhiên trong những năm gần đây đang phải đối mặt với áp lực môi trường, tình hình dịch bệnh xảy ra ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng diễn biến phức tạp trên các đầm nuôi tôm, cá...
Việc phát triển NTTS một cách ồ ạt, quản lý không phù hợp đã làm hiệu quả nghề nuôi tôm giảm sút do môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan. Đồng thời việc sử dụng một lượng lớn hoá chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh tôm dễ dẫn tới suy thoái môi trường và làm cho sản phẩm nuôi bị mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vấn đề đặt ra là làm sao phải phát triển nhanh nhưng bền vững và bảo đảm về môi trường.
Phát triển bền vững là gì? Đây là một vấn đề mới mà không mới, vì khái niệm này đã được nêu ra cách đây gần 30 năm cũng từ do vấn nạn môi trường (thuật ngữ "phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm
1980
trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) nhưng đến nay cũng chưa có một định nghĩa thật hoàn chỉnh. Chúng ta có thể hiểu: Phát triển bền vững là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế - xã hội, các tổ chức xã hội... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực:
kinh tế
-
xã hội
-
môi trường
.
“Phát triển bền vững” đã trở thành mục tiêu, động lực vươn tới của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản thì “phát triển bền vững” càng hết sức quan trọng; bởi vì nuôi trồng thuỷ sản đưa lại lợi nhuận rất lớn nhưng sự rủi ro cũng lại rất cao và môi trường rất dễ bị ô nhiễm bởi nuôi trồng thuỷ sản do phải sử dụng lượng hoá chất khá lớn, chất thải và nhất là sản phẩm hỏng, phế phụ phẩm trong chế biến rất dễ gây ô nhiễm môi trường…
Một số
giải pháp cần quan tâm thực hiện:
- Quy hoạch nuôi trồng thủy sản hợp lý tổng thể theo hướng không phá vỡ hệ sinh thái và đảm bảo tính bền vững; hạn chế sản xuất nhỏ lẻ.
- Hình thành hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đảm bảo hệ thống kênh cấp nước sạch và có hệ thống tiêu thoát nước thải cho các khu vực nuôi tập trung đã được xử lý đạt tiêu chuẩn.
- Xây dựng và triển khai hiệu quả hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh thủy sản.
- Xây dựng quy chế cho các vùng nuôi tập trung, tăng cường mở rộng hình thức quản lý cộng đồng và hình thành các tổ chức Hợp tác xã, tổ hợp trong nuôi trồng thuỷ sản.
- Đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.
- Hoàn thiện và tăng cường hiệu lực của các hệ thống văn bản pháp quy và hiệu lực quản lý nhà nước trong quản lý nuôi trông thuỷ sản nhất là trong quản lý chất lượng con giống, công tác kiểm dịch và quản lý nghề cá có trách nhiệm và bền vững.
Hoài Thúy