Tôm he chân trắng được “du nhập’ vào Hà Tĩnh khá lâu và bắt đầu từ một vài mô hình nuôi thử nghiệm sau thấy hiệu quả mới nhân rộng. Toàn tỉnh có 1.292 ha diện tích nuôi tôm he chân trắng, chiếm 58% diện tích nuôi tôm, trong đó nuôi thâm canh và bán thâm canh chỉ có 680 ha, còn lại nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Bởi vậy, nuôi tôm he chân trắng theo hình thức chủ yếu trên thì ít nhiều hàng năm vẫn xẩy ra dịch bệnh, không có tính bền vững. Tuy nhiên, vài năm gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình nuôi tôm he chân trắng trên cát. HTX Xuân Thành (Xuân Phổ - Nghi Xuân); Công ty TNHH Sao Đại Dương (xã Thạch Trị, Thạch Hà); tổ hợp nuôi tôm xã Xuân Đan (Nghi Xuân) và xã Cẩm Hoà (Cẩm Xuyên)… là những mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt năng suất, sản lượng từ 10 – 20 tấn/ha/vụ. Chị Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương cho biết: Sau khi tiếp nhận cơ sở hạ tầng từ dự án nuôi tôm Việt Mỹ, công ty đầu tư vào nuôi gần 40 ha tôm he chân trắng trên cát. Nhờ chú trọng về vấn đề kỹ thuật và quản lý tốt nên hàng năm đạt sản lượng bình quân 14 tấn/ha. Và sau 4 năm con tôm mang về cho công ty của chị hàng chục tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
HTX Xuân Thành (Xuân Phổ - Nghi Xuân) là mô hình “tiên phong” đưa công nghệ cao vào nuôi tôm trên cát. Mỗi năm HTX thu về hơn 10 tỷ đồng sau 3 vụ nuôi, tạo việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập từ 3-5 triệu đồng người/tháng. Anh Hồ Quang Dũng chủ nhiệm HTX cho rằng: “Nuôi tôm công nghệ cao không chỉ mang lại hiệu quả cao mà thực sự bền vững khi người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về kỹ thuật”. Với hình thức khác nuôi tôm mỗi năm chỉ có 2 vụ nhưng nuôi tôm trên cát thì quanh năm. Cứ thu hoạch xong lại tiếp tục thả nuôi. Vì vậy, năng suất, sản lượng tôm hàng năm tăng lên, mang lại thu nhập cao cho người tham gia.
Mặc dù, nuôi tôm trên cát toàn tỉnh chỉ mới 40 ha nằm rải rác tại các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh nhưng sản lượng lại chiếm gần 20% sản lượng tôm của cả tỉnh. Theo thống kê mới đây năm 2010, toàn tỉnh có 33ha nuôi tôm trên cát của 4 cơ sở và chủ hộ nuôi, đạt sản lượng 350 tấn. Đến năm 2011 phát triển lên 40 ha (bằng 1,7% tổng diện tích nuôi tôm) của 7 cơ sở và chủ hộ nuôi, đạt sản lượng 550 tấn (chiếm 19,6% sản lượng tôm nuôi của tỉnh).
Chiến lược phát triển
Nuôi tôm trên cát chính là đưa công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao trên đơn vị diện tích. Toàn tỉnh đang sở hữu một quỹ đất “khổng lồ” hơn 3.000 ha chủ yếu đất hoang hoá nằm dọc các vùng ven biển, bỏ hoang từ bao đời nay…Đó chính là tiềm năng để phát triển nuôi tôm trên cát công nghệ cao, hiệu quả và bền vững. Ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: Mới đây tỉnh cũng đã phê duyệt đề án phát triển nuôi tôm trên cát giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Có thể nói đây là một “chiến lược dài hơi” của tỉnh để chuyển dịch cơ cấu nghề theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Từ những mục tiêu cụ thể tỉnh đang tiến hành quy hoạch một số vùng nuôi tập trung, trong đó mỗi vùng khoảng từ 20 - 50 ha (toàn tỉnh 200 ha), còn lại các huyện sẽ tổ chức quy hoạch các vùng nuôi tại địa phương. Các vùng nuôi sẽ được quy hoạch bài bản nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh giữa các vùng, đảm bảo phát triển nuôi tôm bền vững. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện về mặt hành chính, thuê đất đai, vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi tôm trên cát theo quy hoạch.
Tỉnh cũng đã có giải pháp về sản xuất con giống nhằm đáp ứng phần nào chủ động nhu cầu giống trên địa bàn. Theo đó, thu hút một số doanh nghiệp sản xuất giống có thương hiệu và uy tín (Công ty CP Việt Nam, Công ty UP... ) vào đầu tư 1- 2 trại ương dưỡng và tiến tới sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại địa phương . Về “đầu ra” sẽ liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh (Công ty CP xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Hà Tĩnh và Công ty CP xuất nhập khẩu thuỷ sản Hà Tĩnh) để bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Bố trí nuôi rãi vụ để dễ tiêu thụ sản phẩm và có giá đầu ra tốt cho người nuôi. Ngoài ra, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đầu tư nuôi tôm trên cát cho các tổ chức, cá nhân tham gia..
Với những giải pháp cơ bản trên, tin rằng nuôi tôm trên cát ngày càng phát triển tạo ra sản phẩm nông nghiệp mang giá trị kinh tế cao, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội các vùng bãi ngang ven biển nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Hữu Trung