Tỉnh Hà Tĩnh có bờ biển dài 137km với 4 cửa sông như: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu và nhiều bãi triều. Gió và cát di động mạnh hình thành các cồn cát, đụn cát cao 4-5m, có nơi cao 15-20m đang lấn dần về phía nội đồng, làm tăng nhanh diện tích hoang mạc hóa.
1. Riêng vùng ven biển chạy dài từ Cửa Hội đến Đèo Ngang rộng 78.281ha bằng 11,9% diện tích cả tỉnh. Trong đó đất nông nghiệp chỉ có 43.425ha, đất phi nông nghiệp và đất khác 14.527ha, đất cồn cát hoang hóa 20.329ha bằng gần 26% diện tích của vùng. Tuy vùng ven biển Hà Tĩnh đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng và ít có khả năng sinh lợi nhưng như thế ở đây không phải không có tiềm năng và lợi thế, trước hết là sự đa dạng sinh học ở vùng bãi ngang và các cửa sông. Sự phong phú này tạo nên quần thể sinh thái tự nhiên có thể khai thác để phát triển ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Thủy sản là một lĩnh vực đầy tiềm năng, đã, đang và sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn cho vùng ven biển của tỉnh Hà Tĩnh. Ở đây trữ lượng cá khoảng 85,5 ngàn tấn bằng 3% trữ lượng cá của Vịnh Bắc Bộ, hàng năm khai thác khoảng 34 ngàn tấn. Trữ lượng tôm khoảng 500-600 ngàn tấn. Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá 1994) của năm 2006 đã đạt 570 tỷ đồng. Ngoài ra vùng này còn có 280 ha đồng muối với sản lượng hàng năm khoảng 20.000-22.000 tấn, thu hút 8.000 lao động diêm nghiệp. Sản xuất trồng trọt và chăn nuôi của các xã ven biển và bãi ngang còn nhiều khó khăn nên năng suất thấp, lúa mới đạt 35-40 tạ/ha, lạc đạt 19 tạ/ha, đậu đỗ đạt 7,3 tạ/ha. Chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ theo hộ chưa có tính sản xuất hàng hóa. Nhưng chính trong giới hạn thấp của trồng trọt và chăn nuôi lại ẩn chứa tiềm năng có thể khai thác chiều sâu thuộc lĩnh vực này nếu được đầu tư và có giải pháp tốt về cải tạo đất và thủy lợi. Về công nghiệp tiềm năng lớn nhất là năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Công nghiệp khai khoáng có quặng Titan dọc theo các bãi cát ven biển. Nhưng bài toán đặt ra là cần cân nhắc về hiệu quả kinh tế gắn với môi trường và hậu quả của biến đổi khí hậu để xem xét lợi hại của việc khai thác Titan.
2. Nói chung vùng ven biển của Hà Tĩnh có những thời cơ nhưng cũng đầy thách thức, trong đó với 35,3% hộ đói nghèo là thách thức lớn nhất, chi phối tất cả các hạn chế về năng lực đầu tư, nâng cao năng lực cho người sản xuất và phát triển kinh tế. Thành phần cơ giới của đất cát là rất nhẹ, hàm lượng limon cao nên muốn đẩy năng suất cây trồng lên thì phải lựa chọn được các cây trồng thích hợp cho vùng đất cát ven biển, đi đôi với cải tạo đất và giải quyết vấn đề thủy lợi bao gồm cả tưới và tiêu.
Hoang mạc hóa đang là hiểm họa và nỗi bức xúc của người dân vùng ven biển Hà Tĩnh, với diện tích 20.329 ha (trong khi diện tích này ở Quảng Bình là 13.000 ha, Quảng trị là 10.000 ha). Những năm gần đây, quá trình hoang mạc hóa có xu hướng mạnh lên về cường độ, tăng nhanh về diện tích do các hoạt động của con người như áp lực tăng dân số, tình trạng đói nghèo, nhưng tác động mạnh nhất đến quá trình hoang mạc hóa là việc phá bỏ thảm thực vật, canh tác không bền vững, việc khai thác quặng titan và nuôi tôm trên cát nhưng không chú ý bảo vệ môi trường. Hiện tượng cát bay, cát chảy do gió và mưa gây ra đã bồi lấp ruộng đồng nhiều khu vực.
Đai rừng phòng hộ của Hà Tĩnh có 13.116 ha, trong đó: Đai rừng vùng đất đồi: 4.400 ha, rừng phòng hộ ven biển 1.526 ha, đai rừng ngập mặn 3.800 ha, đai rừng chắn cát 1.800 ha. Tuy vậy, rừng không có chủ, quản lý lỏng lẻo nên bị chặt phá và bị cát di động vùi lấp.
3. Những thách thức trên đang đặt ra cần phải có chiến lược khai thác và sử dụng hợp lý dải đất đai ven biển Bắc Trung Bộ trong đó có tỉnh Hà Tĩnh. Việc khai thác này phải dựa trên các quan điểm:
- Gắn quy hoạch tổng thể với quy hoạch cụ thể dải đất ven biển và lập bản đồ đất ven biển.
- Gắn phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển với các giải pháp đồng bộ để tạo được sự phát triển bền vững, giảm hộ đói nghèo và di dân tự do.
- Cần phải coi trọng việc phát triển rừng phòng hộ, coi đó là giải pháp trung tâm và có tác dụng hiệu quả nhất để ngăn chặn cát bay, cát chảy, kìm hãm để đi đến chấm dứt quá trình hoang mạc hóa vùng cát ven biển miền Trung, trong đó có dải đất ven biển Hà Tĩnh.
Trên quan điểm này, cần có các giải pháp khoa học khả thi để khai thác tốt hơn tiềm năng vùng ven biển Hà Tĩnh với các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 như sau:
- Trồng mới 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển, chắn cát, chắn sóng. Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%
- Trên cơ sở giải quyết nước tưới đi đôi với thâm canh, đưa năng suất lúa bình quân ở vùng đất ven biển đạt 45 tạ/ha, tốc độ tăng bình quân 2,9%- Năng suất lạc đạt 25tạ/ ha, tốc độ tăng bình quân 5,7%.
- Đẩy mạnh khai thác đánh bắt thủy hải sản, đưa sản lượng đánh bắt đạt khoảng 40 ngàn tấn/năm tốc độ tăng bình quân là 4,1%.
- Khai thác những bãi biển đẹp như Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải, Chân Tiên, Đèo Con, Thạch Bằng kết hợp xây dựng làng sinh thái theo tiêu chí nông thôn mới để phát triển mạnh du lịch biển.
4. Để thực hiện các mục tiêu này- Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện quyết liệt những giải pháp chủ yếu sau đây:
- Trước hết cần lập bản đồ đất quy hoạch cụ thể dải ven biển Hà Tĩnh. Để làm tốt việc này cần có cách nhìn và đánh giá đúng đắn về vùng đất ven biển. Căn cứ vào quy hoạch về cơ bản có thể lựa chọn cây trồng, bố trí hệ thống nông nghiệp như sau:
+ Vùng cát trồng rừng: Trong đó cồn cát cao trồng phi lao, trong đê biển ảnh hưởng úng thì trồng keo lá tràm, keo lai, để tạo sự bền vững cần quy hoạch khu dân cư, xây dựng đường xóm, giải quyết nước sạch và đưa dân ra định cư ở vùng đất cát ven biển thành lập các làng sinh thái trồng cây công nghiệp ngắn ngày làm kinh tế VAC.
+ Đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng phòng hộ, coi đó là giải pháp chiến lược có tính sống còn với vùng đất ven biển. Không nên xác định rừng phòng hộ một cách đơn thuần mà nên kết hợp rừng phòng hộ với rừng kinh tế để người trồng rừng có thu nhập. Vấn đề có tính quyết định đến sự phát triển và tồn tại của rừng phòng hộ ven biển là phải có chủ rừng. Theo quy hoạch có thể giao rừng cho hộ quản lý khoảng 2-3ha/hộ. Chỉ có như vậy rừng mới được chăm sóc bảo vệ và khai thác hợp lý. Cần chuyển đổi cách quản lý từ lâm nghiệp xã hội sang lâm nghiệp cộng đồng. Làm được như vậy, rừng phòng hộ ven biển sẽ không bị chặt phá, có rừng sẽ thành công trong việc phòng chống cát bay, cát chảy và hoang mạc hóa: Phải quản lý chặt chẽ việc khai thác và lấn chiếm rừng phòng hộ.
+ Thâm canh sản xuất nông nghiệp phải lo cải tạo đất đi đôi với giải quyết nước tưới. Việc cải tạo đất bao gồm cải tạo thành phần cơ giới đất để tăng khả năng hấp phụ của đất.
Song song với cải tạo thành phần cơ giới của đất, phải tăng cường bón phân hữu cơ, phân xanh trồng các cây họ đậu từ 2-3 vụ, không thu hoạch quả mà để thu chất xanh, sau khi trồng 2 đến 3 tháng rồi cày vùi cải tạo đất. Trồng cây phân xanh để phủ xanh đất và cung cấp chất hữu cơ cho đất như: Đậu mèo, muồng, các loại đậu, lạc, vừng.
- Đối với các khu công nghiệp phát triển theo quy hoạch nhưng phải đưa vấn đề đảm bảo môi trường, môi sinh trở thành điều kiện tiên quyết cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Mỗi xí nghiệp, doanh nghiệp phải dành 40% diện tích mặt bằng để trồng rừng phòng hộ. Việc khai thác quặng Ti tan được tiến hành theo quy hoạch với kế hoạch khai thác chặt chẽ đúng quy trình và phải có sự cam kết hoàn thổ, trồng lại cây rừng trả lại màu xanh cho đai rừng phòng hộ.
- Những giải pháp nêu trên là giải pháp đồng bộ nếu thực hiện đơn lẻ thì hiệu quả sẽ rất hạn chế. Nhưng bao trùm tất cả là nhận thức của người dân vùng ven biển đối với hậu quả của biến đổi khí hậu, trước hết là hiểm họa của việc hoang mạc hóa. Đo đó phải đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và kết quả sản xuất phòng chống thiên tai để từ đó từng bước nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh của người dân.
- Cuối cùng trên cơ sở của những chính sách đã có, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích người dân cũng như các xí nghiệp, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng tham gia trồng rừng phòng hộ vùng ven biển Hà Tĩnh. Có cơ chế thu hút đầu tư cho vùng đất ven biển, nâng cao chất lượng và hiệu quả kết hợp “4 nhà” đối với sản xuất nông lâm thủy sản ở đây.
Tóm lại, vùng đất ven biển đầy tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức nhất là sự xâm thực của cát di động, hiểm họa hoang mạc hóa và những hậu quả của biến đổi khí hậu. Do đó, cần có sự đánh giá đầy đủ và khách quan của vùng đất này để có chiến lược khai thác sử dụng hợp lý dải đất ven biển một cách bền vững. Muốn vậy phải thực hiện các giải pháp đồng bộ: Trong đó vai trò khoa học và công nghệ đối với từng biện pháp dù thuộc về khoa học công nghệ hay khoa học xã hội đều rất quan trọng. Cần xây dựng mô hình khai thác hợp lý nguồn tài nguyên và chuyển giao công nghệ cho người dân vùng ven biển giúp họ đẩy mạnh sản xuất thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
PGS.TS Lê Tất Khương
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng -
Bộ Khoa học và Công nghệ