Năm 2009, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã hơn 13ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt chiếm 6,7ha. Từ những năm trước người dân Cẩm Trung còn loay hoay với việc nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Nghề nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt ở đây chủ yếu là nuôi cá truyền thống cho thu nhập không cao, bởi vì chủ yếu là tận dụng diện tích mặt nước, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, sản xuất theo hướng "lấy công làm lãi".
Chính vì vậy, chuyển đổi mô hình, đối tượng nuôi đang là một trong những giải pháp được nhiều nông dân trong vùng quan tâm thực hiện
. Năm 2006, lần đầu tiên cá lóc được đưa vào nuôi thử nghiệm ở xã Cẩm Trung, kết quả bước đầu đã đem lại khá khả quan. Năm 2008 phong trào nuôi cá lóc bắt đầu phát triển mạnh và đến nay trên địa bàn xã đã có tới 13 hộ nuôi cá lóc với quy mô vừa và nhỏ, hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong bể xi măng và nuôi trong ao đất. Nuôi cá lóc đã đem lại thu nhập khá cho các hộ gia đình, mỗi vụ nuôi sau khi trừ chi phí mỗi gia đình thu lãi từ 10 - 50 triệu đồng, mức thu nhập mà lâu nay những hộ nuôi cá nước ngọt ở đây chưa bao giờ có được.
Gia đình anh Lê Xuân Hải ở thôn 4 là một trong những hộ dân đi đầu trong phong trào nuôi cá lóc ở xã Cẩm Trung. Khởi động nghề nuôi cá lóc từ những năm 2006, đến nay anh đã có thâm niên 4 năm gắn bó với con cá lóc và thành công của anh đã được nhiều người biết đến. Với chỉ khoảng 250 m
2
diện tích đất vườn trước sân nhà anh thiết kế thành 4 bể để nuôi cá. Đầu tiên anh thử nghiệm nuôi loài cá lóc bông, tuy sản lượng đạt khá cao nhưng thị trường ít ưa chuộng vì vậy anh đã chuyển sang đầu tư nuôi cá lóc môi sề. Vụ nuôi năm nay mỗi bể anh thả 1.500 con cá lóc giống. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng cá bình quân đạt từ 0,8 - 1,2 kg/con, anh cho thu tỉa cá lớn để bán còn một số lượng cá nhỏ hơn anh để lại nuôi thử nghiệm qua đông để có thể bán vào dịp tết. Theo ước tính vụ nuôi này gia đình anh có thể thu lợi nhuận từ 4 bể cá khoảng hơn 50 triệu đồng. Theo anh Hải, nuôi cá lóc trong bể xây bằng xi măng tiết kiệm được diện tích đất, đầu tư đơn giản, quá trình chăm sóc quản lý dễ dàng nhưng phải có nguồn nước chủ động để vệ sinh bể nuôi sạch sẽ, nguồn nước nuôi bị bẩn dễ gây bệnh cho cá. Một khó khăn nữa trong quá trình nuôi cá lóc mà các hộ dân ở đây thường gặp phải đó là khi cá mắc các bệnh như bệnh lở mang, bệnh đốm đỏ thì thường rất khó xử lý.
Mô hình nuôi cá lóc trong ao đất của anh Nguyễn Trường Đạt củng là một điển hình nuôi trồng thuỷ sản của xã. Năm 2009, với diện tích gần 3 sào mặt nước ao, anh đã cải tạo, gia cố bờ ao, chuẩn bị rào chắn xung quanh rồi lấy giống về thả với 10.000 con giống, thức ăn cho cá là các loại cá tạp, sau thời gian nuôi hơn 4 tháng anh đã cho xuất bán. Sản lượng thu được hơn 1,4 tấn cá thương phẩm, với giá bán cá thời điểm đó từ 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg cá, sau khi trừ chi phí gia đình anh đã thu lãi được 25 triệu đồng. Hộ anh Vóc, anh Hiệp, ... nuôi cá lóc cũng đã cho thu nhập cao
Theo anh Đạt: "Nghề nuôi cá lóc thật sự mang lại lợi nhuận cao tuy nhiên cái khó của nuôi cá lóc ở Hà Tĩnh là chỉ nuôi được một vụ, thời gian nuôi ngắn, thường từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là phải xuất bán để tránh mùa lạnh. Thị trường cá lóc chủ yếu là thị trường nhỏ lẽ, số lượng cá thương phẩm tiêu thụ mỗi lần không lớn trong khi những hộ nuôi cá lóc đều bán cá đồng loạt tại thời điểm đó vì vậy thời gian bán cá kéo dài, có khi chỉ với khoảng 1 tấn cá bán đến gần 1 tháng mới hết".
Cá Lóc là đối tượng dễ nuôi, không kén ao nuôi, có thể tận dụng ao đất hoặc bể xi măng và thả với mật độ dày, cá thương phẩm được thị trường ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao. Đây là một nghề nuôi mới, bà con nông dân có thể tìm hiểu thêm để cải thiê4nj kinh tế gia đình./.
Bùi Thị Khuyên
Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản