Công tơ điện là loại phương tiện đo được sử dụng rộng rãi nhất trong đời sống xã hội với nhiệm vụ đo đếm điện năng tiêu thụ làm cơ sở thanh toán giữa khách hàng dùng diện và bên bán điện.
Thị trường điện lực ở nước ta, hoạt động bán buôn và bán lẻ điện có nhiều loại hình, cách thức khác nhau nên phương thức quản lý sử dụng công tơ điện có những đặc điểm theo từng lĩnh vực; cùng với đó việc quản lý sử dụng công tơ điện được chi phối theo nhiều văn bản qui phạm pháp luật khác nhau như Luật Điện lực, Pháp lệnh Đo lường, Quy phạm trang bị điện nông thôn… nhưng chung nhất là công tơ điện treo lắp trên lưới điện quy định bắt buộc phải được kiểm định nhà nước và còn trong chu kỳ hiệu lực.
Theo Điều 13 Nghị định số 06/2002/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đo lường và Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN thì chỉ các tổ chức được Tổng cục TC-ĐL-CL công nhận khả năng kiểm định về công tơ điện (theo Luật Đo lường mới ban hành là các tổ chức kiểm định được chỉ định) mới được phép thực hiện kiểm định công tơ điện; theo Điều 12 và 22 Nghị định số 06/2002/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đo lường thì Tổng cục TC-ĐL-CL và các Chi cục TC-ĐL-CL thực hiện việc quản lý nhà nước đối với mạng lưới kiểm định và hoạt động kiểm định trong cả nước và các địa phương. Với địa bàn Hà Tĩnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động có thể phân thành 04 tổ chức thực hiện việc quản lý, kinh doanh điện như sau :
a.Công ty Điện lực Hà Tĩnh
Là đơn vị đầu mối trong thị trường mua bán điện, Công ty Điện lực bán điện theo hai hình thức :
- Bán buôn điện cho các tổ chức bán lẻ điện khác trên địa bàn
- Bán lẻ điện trực tiếp cho các tổ chức cá nhân sử dụng điện
Công ty Điện lực hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nhà nước.
b.Công ty Cổ phần điện lực các huyện
Các công ty này do một số cá nhân, tập thể tự góp vốn thành lập. Công ty CP điện tiếp nhận mạng lưới điện thuộc Dự án điện nông thôn RE-II (nguồn vốn vay WB) tại một số xã trong huyện, mua điện của Công ty Điện lực (với giá bán buôn theo quy định của nhà nước) và bán lẻ điện cho các hộ sử dụng điện (với giá bán lẻ theo quy định của nhà nước). Tổ chức này có trách nhiệm phải trả kinh phí khấu hao hàng năm để hoàn trả vốn xây dựng mạng lưới điện cho Dự án điện RE-II.
c. Các HTX điện nông thôn tham gia Dự án điện RE-II
Tại các xã đăng ký tham gia Dự án điện nông thôn RE-II, khi mạng lưới điện của dự án hoàn thành, HTX điện do một số cá nhân thành lập sẽ tổ chức bán lẻ điện cho các hộ sử dụng điện và trả kinh phí khấu hao mạng lưới điện theo hình thức giống như Công ty Cổ phần điện như đã nêu trên.
d.Các HTX điện độc lập
Các HTX điện này do một số cá nhân thành lập, HTX tự bỏ vốn xây dựng mạng lưới điện trong xã và thực hiện hạch toán độc lập trong hoạt động kinh doanh điện.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Hà Tĩnh và thống kê của Phòng Quản lý Điện năng (Sở Công thương) tính đến tháng 12/2011 tổng số công tơ các loại trên địa bàn ước tính: 340.000 cái, trong đó :
+ Công ty Điện lực Hà Tĩnh quản lý: khoảng 200.000 công tơ
+ Các mô hình Điện tham gia Dự án RE-II gốc : khoảng 85.000 công tơ
+ Các mô hình HTX điện nông thôn khác : khoảng 55.000 công tơ
Việc thực hiện kiểm định công tơ trên địa bàn tỉnh có 02 đơn vị: Trung trâm Phân tích Thử nghiệm Hiệu chuẩn (Sở KH&CN) do nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh hàng năm cho hoạt động khoa học công nghệ và Phân xưởng thí nghiệm điện (Công ty Điện lực Hà Tĩnh). Theo nhiệm vụ và yêu cầu các tổ chức kiểm định có đầy đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu kiểm định công tơ điện trên địa bàn. Thực tế tình hình kiểm định:
- Công tơ treo lắp trên lưới điện Hà Tĩnh chủ yếu là Công tơ EMIC Việt Nam sản xuất khi xuất xưởng đã được kiểm định ban đầu đầy đủ pháp lý đưa vào sử dụng. Theo quy định, chu kỳ 05 năm đối với công tơ 1 pha và 02 năm đối với công tơ 3 pha phải thực hiện kiểm định lại ;
- Các công tơ do Công ty Điện lực Hà Tĩnh quản lý, qua kiểm tra hầu như được kiểm định đầy đủ theo đúng định kỳ (trừ các xã mới tiếp nhận chưa kịp khôi phục hệ thống điện điện);
- Hà Tĩnh có Dự án nâng cấp lưới điện nông thôn RE-II, toàn bộ công tơ được thay mới và kiểm định trước khi treo lắp. Trung tâm PT-TN-HC đã kiểm định cho dự án từ cuối năm 2006 đến nay là: 111.302 cái.
- Chỉ còn công tơ của các HTX điện tham gia Dự án RE-II mở rộng và HTX điện độc lập với tổng số khoảng 55.000 cái là chưa có số liệu thống kê cụ thể về tình hình kiểm định. Hệ thống điện tại các xã này hầu hết đã xuống cấp trầm trọng, giải pháp trong thời gian tới là bàn giao cho Công ty Điện lực hoặc tham gia Dự án RE-II mở rộng.
Từ năm 2005 tỉnh ta đã thực hiện dự án điện nông thôn RE-II để nâng cấp hệ thông điện cho các xã, đến nay dự án đã hoàn thành tại một số xã và đang tiếp tục thực hiện dự án RE-II mở rộng. Các tổ chức kinh doanh điện tiếp nhận lưới điện của dự án có trách nhiệm phải trả kinh phí khấu hao hàng năm để hoàn trả vốn cho Dự án. Tuy nhiên, hiện nay do mức chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ điện thấp nên việc hoàn trả vốn gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo từ nay đến hết năm 2013 các HTX điện nói trên hoàn thành các thủ tục để bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh thực hiện việc quản lý sử dụng điện.
Từ những vấn đề trên, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đo lường trong lĩnh vực công tơ điện cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau :
- Rà soát, thống kê lại về thực trạng việc tuân thủ kiểm định công tơ trong từng loại hình quản lý dụng sử công tơ, các mô hình mua bán điện để từ đó có sự đánh giá một cách chính xác cũng như đưa ra một phương thức quản lý thích hợp;
- Sở KH&CN và Sở Công Thương phải tăng cường phối hợp để công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, sử dụng công tơ điện được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện bao gồm các vấn đề chính: công tác kiểm định, quản lý sử dụng; đọc ghi chỉ số công tơ và thanh toán tiền điện;
- Tổ chức việc đánh giá năng lực thực tế các tổ chức kiểm định trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu kiểm định để tạo ra sự phân bổ, phân công trách nhiệm một cách hợp lý;
-Tăng cường công tác thông tin tuyên truyên trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của nhà nước về các vấn đề có liên quan đến quản lý sử dụng công tơ điện cũng như các quy định về đo lường đặc biệt là trong hoạt động bán lẻ điện. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị bán lẻ điện thực hiện việc tổ chức kiểm định công tơ điện theo đúng quy định.
- Xây dựng các chương trình chuẩn bị cho việc thi hành Luật Đo lường mà trong đó có những vấn đề quan trọng liên quan đên công tơ điện như phân cấp hoạt động quản lý, công tác kiểm định đối chứng giữa các tổ chức kiểm định để có thể triển khai hiệu quả một cách kịp thời khi Luật có hiệu lực thi hành.
Trần Hải Bình