Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản phát triển vượt bậc, sản lượng thủy sản liên tục tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước những áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt của cơ chế thị trường, đã phần nào làm ảnh hưởng tiêu cực đến thủy sản nuôi.
Một số nguyên do được các nhà chuyên trách nhìn nhận, đánh giá là một phần do chạy theo lợi nhuận, một phần nhận thức của người nuôi chưa đầy đủ, do đó đã lạm dụng nhiều loại thuốc, hóa chất… làm ảnh hưởng nặng nề đến thủy sản nuôi, như: Khả năng đề kháng dịch bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn của tôm, cá nuôi… làm giảm tốc độ tăng trưởng. Mặt khác, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, quá trình đô thị hóa ngày càng tăng làm cho môi trường nuôi thủy sản có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Nguồn nước, không khí và hệ sinh thái bị ô nhiễm, làm cho hệ động thực vật ngày càng trở nên nghèo nàn hơn, đây cũng là lúc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức; luôn phải đối mặt với mối nguy: dịch bệnh, ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống, manh mún nhỏ lẻ; đầu tư cho hạ tầng cơ sở vật chất, khoa học - kỹ thuật và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Trong khi sự đòi hỏi khắt khe của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu khó tính như: Nhật, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU)… Yêu cầu thực phẩm thủy sản đưa ra thị trường phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trước những khó khăn thách thức và những yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) là giải pháp và hướng đi tất yếu. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ban hành Quy phạm thực hành Nuôi trồng thuỷ sản tốt tại Việt Nam gọi tắt là VietGAP (dịch sang tiếng Anh là Vietnamese Good Aquaculture Practices) và Quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS về việc Ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá Tra, tôm Sú và tôm thẻ chân trắng.
Ở Hà Tĩnh có diện tích nuôi tôm trên 2.000 ha, tình hình nuôi tôm trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần giải quyết nhiều việc làm và thu nhập cao cho nhiều lao động ở các cộng đồng dân cư ven biển. Tuy vậy cũng như nhiều địa phương khác, nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh cũng đã đang và sẽ gặp những khó khăn đó là sự biến đổi bất lợi của khí hậu, dịch dệnh, ô nhiễm môi trường gia tăng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Để từng bước tiếp cận và áp dụng các quy trình quy phạm nói trên xin lưu ý các hộ, cơ sở nuôi trong tỉnh một số nội dung cơ bản về áp dụng VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú:
1. Yêu cầu chung:
1.1. Yêu cầu về khung pháp lý:
- Người nuôi phải có các giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất; có báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải đăng ký hoạt động sản xuất với cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định.
- Phải có hồ sơ về tọa độ địa lý và sơ đồ vị trí từng ao nuôi.
- Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản và được tham chiếu theo tọa độ VN2000 hoặc có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về khu vực nuôi đó là hợp pháp hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
1.2. Hồ sơ ghi chép:
Hồ sơ ghi chép phải đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất đến khi thu hoạch tại tất cả các ao nuôi và các hoạt động khác liên quan của cơ sở nuôi bao gồm:
- Hồ sơ mua hàng: bao gồm hợp đồng, hóa đơn mua hàng, ghi chú về từng sản phẩm nhập vào và biên bản kiểm tra hàng nhập.
- Hồ sơ lưu kho các vật tư liên quan đến hoạt động sản xuất và lưu kho hàng năm.
- Hồ sơ sản xuất từ khâu cải tạo ao nuôi đến khâu thu hoạch (bao gồm nhật ký từng ao nuôi). Hồ sơ này phải đảm bảo cung cấp đủ thông tin mà VietGAP yêu cầu.
1.3. Truy xuất nguồn gốc:
- Trong trường hợp cơ sở nuôi chỉ xin đăng ký cấp chứng nhận VietGAP cho một phần của sản phẩm thì phải có hệ thống phân biệt chứng minh được các sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP và không được chứng nhận VietGAP.
- Việc di chuyển động vật thuỷ sản nuôi bên trong cơ sở nuôi, từ ngoài vào hoặc từ trong ra phải lưu vào hồ sơ và truy xuất được.
2. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm:
Nguyên tắc: Nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định của Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
3. Quản lý sức khỏe động vật thủy sản:
Nguyên tắc: Nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo sức khỏe và điều kiện sống cho động vật thủy sản nuôi bằng cách tạo điều kiện tối ưu về sức khỏe, giảm stress, hạn chế các rủi ro về dịch bệnh và duy trì môi trường nuôi tốt ở tất cả các khâu của chu trình sản xuất.
4. Bảo vệ môi trường:
Nguyên tắc: Hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện một cách có kế hoạch và có trách nhiệm đối với môi trường, theo các quy định của Nhà nước và các cam kết Quốc tế. Phải có đánh giá các tác động đối với môi trường của việc lập kế hoạch, phát triển và thực hiện nuôi trồng thủy sản.
Sỹ Công - Chi cục Nuôi trồng thủy sản