Sắt Thạch Khê - tiềm năng và triển vọng

Năm 1964 Liên đoàn địa chất 4 được giao nhiệm vụ tổ chức khoan thăm dò và kết quả đã phát hiện có quặng sắt.
Cũng vào thời điểm này được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (từ năm 1964 đến năm 1987) ngành địa chất đã khoan 65.736,43 mét khoan; lấy 15.619 mẫu đất, đá và quặng sắt nghiên cứu (lỗ khoan sâu nhất đạt 1.007m).
Quá trình thăm dò, khảo sát, nghiên cứu đã xác định: Mỏ quặng sắt Thạch Khê nằm trong địa phận 3 xã Thạch Khê, Thạch Đỉnh và Thạch Hải thuộc huyện Thạch Hà, cách thành phố Hà Tĩnh 8km về phía Đông; trung tâm của mỏ cách bờ biển Đông khoảng 1,6 km; chiều dài thân quặng hơn 3000m, chiều rộng từ 200 đến 600 m; điểm nông nhất nằm ở phía Bắc mỏ, cách mặt đất 14m, điểm sâu nhất 750m so với mặt nước biển. Hàm lượng sắt (Fe) 61,39%; trữ lượng quặng 544 triệu tấn.
Từ năm 1985 đến 1997, có 6 tổ chức và cơ quan tư vấn một số nước lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê. Tất cả các báo cáo đều lựa chọn công nghệ khai thác mỏ lộ thiên.
Do năng lực tài chính – kỹ thuật của các doanh nghiệp nước ta lúc đó chưa có điều kiện triển khai, mặt khác giá quặng sắt thời kỳ này rất thấp làm cho dự án khó huy động vốn đầu tư.
Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2010 có xét đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 134/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001, việc nghiên cứu khai thác quặng sắt Thạch Khê gắn với đầu tư xây dựng Nhà máy liên hợp luyện cán thép có công suất 4,5 triệu tấn/năm tại Hà Tĩnh đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Năm 2002, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã ký hợp đồng lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khai thác, tuyển và xử lý quặng mỏ sắt Thạch Khê với Viện các vấn đề quản lý mang tên V.A.Trapeznikov thuộc Viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hòa Liên bang Nga. Năm 2004, Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; năm 2006, Tổng Công ty Thép Việt Nam ký hợp đồng với Viện Thiết kế mỏ Giproruda – Cộng hòa Liên bang Nga chủ trì, phối hợp với các nhà tư vấn Việt Nam lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh. Tháng 10/2007, Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cơ quan tư vấn hoàn thành và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Mỏ sắt Thạch Khê thuộc loại lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đây là dự án trọng điểm Quốc gia, đã thông qua một lộ trình dài hơn 45 năm điều tra, thăm dò hết sức cẩn trọng để có một tài liệu địa chất đáng tin cậy.
Gần nữa thế kỷ qua không riêng gì người Hà Tĩnh mà cả Quốc gia chắt chiu ấp ủ khát vọng từ lòng đất Thạch Khê – Nơi có trữ lượng quặng sắt, thép khổng lồ sẽ góp phần làm giàu cho Tổ quốc.
Có thể khẳng định rằng thời điểm vận hành dự án đã đến độ chín. Tỉnh Hà Tĩnh và Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã tổ chức lễ khởi công vào 9h ngày 08 tháng 9 năm 2009. Sự kiện này sẽ mở ra một trang mới cho nền kinh tế địa phương và tạo bước khẳng định vị thế cho ngành thép nước nhà.
Khai thác mỏ sắt Thạch Khê là dự án lớn, với trữ lượng 544 triệu tấn và hàm lượng 61% thép. Đây là dự án trọng điểm của Quốc gia do Công ty CP sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư với nguồn vốn gần 600 triệu USD. Giai đoạn một khi khai thác độ sâu 500 m sẽ thu được 370 triệu tấn quặng. Giai đoạn 2 khai thác ở độ sâu 750m sẽ thu được 544 triệu tấn quặng.
Khi dự án đi vào quỹ đạo, công suất khai thác đạt 10 triệu tấn/năm. Cũng vào thời điểm này nhà máy luyện phôi của công ty đặt tại khu công nghiệp Vũng Áng sẽ đạt năng suất 2 triệu tấn/năm tiến tới 4 triệu tân/năm trong tương lai.
Sản lượng khai thác quặng sắt Thạch Khê đến giai đoạn cao trào sẽ đạt doanh thu 10 ngàn tỷ đồng/năm. Hơn thế là sự khẳng định thành công của khu luyện thép Quốc gia tại Vũng Áng có sản lượng 23,5 triệu tân/năm.
Thành công của việc khai thác, tuyển quặng và luyện phôi thép không chỉ dừng lại ở con số lợi nhuận mà theo đó là giải quyết được nguồn lực lao động trên 10 ngàn người, chủ yếu là con em tại địa phương.
Hệ thống hoạt động phụ trợ, các dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ du lich, thương mại từng bước được hình thành trên toàn địa bàn và các tỉnh lân cận.
Ở phạm vi rộng hơn là ngành thép Việt nam khẳng định được vị thế trên trường Quốc tế; cân đối được sản lượng thép nhằm giảm thiểu nhập siêu đén mức tối thiểu.
Khát vọng từ lòng đất giàu tiềm năng này được đánh thức và biến thành hiện thực sống động.
Từ sự kiện Thạch Khê đã góp phần khai thông, mở lối cho Hà Tĩnh đẩy nhanh lộ trình phát triển công nghiệp và dịch vụ trong những năm tiếp theo./.
Thanh Tùng