Sở hữu trí tuệ - công cụ phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập

Trong những năm gần đây, thuật ngữ sở hữu trí tuệ trở thành quen thuộc với các doanh nghiệp, nhà quản lý kinh tế và công chúng. Vai trò của sở hữu trí tuệ ngày càng được khẳng định trong sự phát triển kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích hoạt động sáng tạo. Nó là một tài sản kinh doanh thiết yếu gắn liền với uy tín của doanh nghiệp thông qua các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường, qua việc bảo hộ các đối tượng cụ thể như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại... giúp cho người sản xuất và người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm, dịch vụ của các công ty khác nhau.
Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng như một công cụ cạnh tranh và phát triển của một quốc gia hay một doanh nghiệp trở thành xu hướng tất yếu hiện nay. Điển hình là Nhật bản với chiến lược "bắt kịp" dựa vào du nhập công nghệ nước ngoài để cải tiến các sáng chế thành của mình. Gần đây hơn (từ năm 1990 đến nay) Trung Quốc cũng rất thành công trong việc bắt chước công nghệ nước ngoài qua mô phỏng và công nghệ ngược (tách tháo máy móc thiết bị, hoặc phân tích các hóa phẩm, để học hỏi các bí quyết công nghệ...).
Đối với doanh nghiệp, tài sản trí tuệ đang thành công là tài sản quan trọng nhất, quyết định khả năng tồn tại và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu, năm 1982, khoảng 62% tài sản doanh nghiệp ở Hoa Kỳ là tài sản vật chất, nhưng đến năm 2000, con số này đã giảm xuống chỉ còn 30%. Một cuộc khảo sát được tiến hành năm 1993, tại 284 công ty của Nhật Bản, đã phát hiện rằng tài sản thuộc sở hữu trí tuệ chiến 45,2%. Ở một số tập đoàn nổi tiếng thế giới như: Cocacola, Google, Microsoft, Walt Disney... thì tỷ lệ giá trị tài sản trí tuệ chiếm trên 80% giá trị của công ty. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của một doanh nghiệp thể hiện ở giá trị tài sản trí tuệ mà họ nắm giữ. Với việc ngày càng nhận ra giá trị tiềm ẩn của sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp đang tăng cường quản lý và sử dụng các tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất. Không chỉ để bảo hộ, phòng ngừa chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn để làm một công cụ nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của mình, tăng sức ảnh hưởng của công ty và nâng cao uy tín với người tiêu dùng.
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Với việc gia nhập sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi cũng như thách thức của quá trình hội nhập. Khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất năng động trong việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nhận rõ được vai trò, giá trị của tài sản trí tuệ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHCN đều tăng qua các năm (năm 2006: 31.178 đơn; năm 2007: 37.023 đơn; năm 2008 là 40.356 đơn), cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu ý thức được vai trò của tài sản trí tuệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ giúp các doanh nghiệp độc quyền khai thác thị trường về một sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định. Nhờ được độc quyền khai thác đối tượng sáng tạo của mình, chủ sở hữu quyền có khả năng lập chiến lược phân phối và kiểm soát thị trường cho sản phẩm của mình một cách hợp lý.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở khâu đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ; còn vấn đề khai thác, sử dụng các tài sản trí tuệ như thế nào để trở thành lợi thế cạnh tranh và phát triển thì hầu như còn rất hạn chế. Nghiêm trọng hơn trong quá trình hội nhập, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam còn để bị mất tài sản trí tuệ ở các thị trường nước ngoài như: Trung Nguyên, Vinataba... Đây cũng là một thực trạng chung của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Vậy làm thế nào để sử dụng, khai thác giá trị các tài sản trí tuệ? khai thác giá trị đó ra sao? ... Đây là câu hỏi mà các doanh nghiệp cần học tập phương thức xây dựng và phát triển thương hiệu của các Doanh nghiệp nước ngoài cũng như các Doanh nghiệp trong nước đã thành công để xây dựng Doanh nghiệp của mình phát triển bền vững và có thương hiệu ngày càng nổi tiếng./.
Trần Mạnh Hùng - Phòng QLCN - SHTT