Sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển nền kinh tế và phát triển doanh nghiệp của Hà Tĩnh

Bảo hộ quyền SHTT là việc nhà nước thông qua hệ thống pháp luật xác lập quyền của các chủ thể (có thể là tổ chức hay cá nhân) đối với đối tượng SHTT tương ứng và bảo hộ quyền đó chống lại bất kỳ sự xâm hại nào của phía thứ 3. Với mục đích thúc đẩy sáng tạo của con người, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, khuyến khích đầu tư, tạo ra một nền thương mại phát triển đúng đắn.
Có thể nói SHTT và bảo hộ tài sản trí tuệ có vai trò ý nghĩa hết sức quan trọng và trở thành vấn đề mấu chốt trong quan hệ kinh tế - xã hội và thương mại quốc tế. Được khẳng định mạnh mẽ nhất bằng sự xuất hiện của quy định về vấn đề này trong Hiệp định tổng quan về thương mại và thuế quan (GATT) được 117 nước ký kết ngày 25/12/1994, được coi là thỏa thuận về khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPs) quy định tiêu chuẩn tối thiểu về bảo hộ quyên SHTT mà bất kỳ thành viên nào của GATT cũng phải đạt được. Theo đó việc bảo hộ tài sản trí tuệ đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với các quốc gia muốn tham gia hoạt động thương mại quốc tế (quy định của tổ chức thương mại thế giới WTO). Điều này đã khẳng định nhận thức chung của thế giới về vai trò của SHTT và ý chí thống nhất thiết lập cơ cấu trật tự cạnh tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu. Do vậy các doanh nghiệp dù chỉ hoạt động trong nước cũng không thể không quan tâm đến SHTT.
Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp của các nước có nền kinh tế phát triển đã sử dụng SHTT như một công cụ đắc lực để khẳng định sức mạnh, vị thế trên thương trường thúc đẩy sự phát triển. Theo nghiên cứu của tổ chức SHTT thế giới (WIPO) giá trị tài sản trí tuệ của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới chiếm một tỷ lệ rất cao so với tổng tài sản sở hữu (Yahoo: tài sản trí tuệ chiếm 98,9%; Microsoft: tài sản trí tuệ chiếm 97,8%; Johnson & Johnson: tài sản trí tuệ chiếm 97,9%; Walt Disney: tài sản trí tuệ chiếm 70,9%...).
Ngày nay, các nước phát triển và đang phát triển rất chú trọng xây dựng các chiến lược phát triển hoạt động SHTT nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng SHTT như một công cụ để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước , nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế bằng các thương hiệu quốc gia có uy tín, các sáng chế có vai trò quyết định đến công nghệ, sức khỏe, như: made in USA, made in Japan, made in China, sáng chế vắc xin chữa bệnh….. Việc sử dụng các công cụ SHTT với mục đích trên đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia.
Cùng với sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), luật SHTT ra đời và có hiệu lực; vai trò của SHTT đối với sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta ngày càng được thể hiện rõ nét. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển của mình, đã tích cực, chủ động tạo lập và đăng ký bảo hộ quyền và đăng ký quyền bảo hộ quyền SHTT và từng bước khẳng định thương hiệu, như: Trung nguyên, Bia Hà nội, bánh kẹo Kinh đô, may Việt Tiến… Đây là những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực SHTT đã đưa thương hiệu hàng hóa xâm nhập vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về vấn đề tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ, bỏ mất cơ hội để phát triển, tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp nước ta nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
Theo số liệu thống kê của Cục SHTT: Bình quân hàng năm có khoảng trên 15.000 đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong số đó số đơn có nguồn gốc từ doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 20%  còn lại là của các công ty nước ngoài.
Mặt khác, cần phải nhìn nhận từ một thực tế nữa là, quyền SHTT ở Việt Nam đang bị xâm phạm ngày càng một diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng lậu…đang được bán công khai trên thị trường và sự cố tình vi phạm của các công ty về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa hay sản phẩm bán chạy cùng loại. Chúng ta có thể kể đến nhiều trường hợp vi phạm như Công ty HOADA Việt nam, công ty UNILEVER hay công ty bia Hà nội… có nguy cơ gia tăng tình trạng này khi mà chúng ta mỡ của rộng rãi hơn.
Trong việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng còn nhiều kẽ hở pháp luật để một số tài sản trí tuệ của nhà nước đã không được định giá hoặc định giá không đúng với giá trị khi tiến hành hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây các Doanh nghiệp Hà Tĩnh đã từng bước nhận thức được vai trò quan trong của SHTT đối với tiến trình hội nhập và phát triển. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp ngày càng tăng ( hiện trên địa bàn Hà Tĩnh đến tháng 7/2009 có 183 đơn đăng ký xác lập quyền được nộp tạo Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó nổi bật là Công ty CP Dược và thiết bị Y tế với hàng chục đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho các dược phẩm). Tuy vậy nhìn chung các doanh nghiệp về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, tiềm lực KH&CN còn hạn chế, nên phần đa các doanh nghiệp tỉnh ta chưa có khả năng và điều kiên để xây dựng, đăng ký xác lập quyền về sở hữu công nghiệp, vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc và cần có động thái tích cực trong thời gian tới.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, trong đó có lĩnh vực SHTT, những năm qua Sở KH&CN đã chủ trì , phối hợp với nhiều cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt đông sở hữu trí tuệ như: Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND ngày 12/7/2007, Điều 12 về hỗ trợ hoạt động KHCN, Chỉ thị số 14/2009/CT-UBND ngày 21/5/2009 về việc tăng cường khuyến khích hoạt động SHTT trên địa bàn Hà Tĩnh, Chương trình hành động số 148/CTHT/KHCN-VHTT-TMDL-CA-NN&PTNT-TC về phòng chống xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn giai đoạn 2007-2010; tổ chức được nhiều lớp tập huấn, hội thảo về phổ biến kiến thức SHTT; Nâng cao công tác hướng dẫn đăng ký xác lập quyền SHCN tại Cục SHTT: Triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tài sản phát triển trí tuệ doanh nghiệp, trong đó có các dự án: Sở hữu trí tuệ và cuộc sống; Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận chứng nhận cho sản phẩm Cam Bù Hương Sơn; chỉ dẫn địa lý cho Bưởi Phúc Trạch, nhãn hiệu tập thể cho Hươu Sao Hương Sơn….; Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường, đẩy mạnh công tác thực thi quyền SHTT trên địa bàn… nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích nhà nước, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về SHTT và hỗ trợ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở KH&CN tham mưu cho UBND thỉnh về chủ trương và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ  sau đây:
- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách, biện pháp quản lý sở hữu công nghiệp;
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý về SHTT theo hướng đẩy mạnh chuyên môn hóa về tổ chức và cán bộ;
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền và phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên môn của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn tỉnh;
- Tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về SHTT dưới hình thức chia sẽ thông tin, khảo sát thực tế…
- Cải cách thủ tục hành chính trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động SHTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp;
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT thông qua việc phân công trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Đảng và nhà nước ta thừa nhận quyền SHTT, coi trọng hệ thống chính sách, pháp luật bảo hộ quyền SHTT; coi đây là một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững lâu dài. Tham gia các điều ước quốc tế và thỏa thuận khu vực về bảo hộ quyền SHTT là điều kiện cần thiết để chủ động hội nhập vào nền kinh tế chung của thế giới và khu vực, tăng cường giao lưu thương mại quốc tế, thực hiện đường lối kinh tế mở cửa trong tiến trình đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước.
Nhận thức đầy đủ chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và sự phát triển của từng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh. Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm và tích cực hơn nữa trong việc tạo lập, đăng ký bảo hộ quyền SHTT và khai thác phát huy hiệu quả tài sản này để góp phần thúc đẩy sáng tạo, nâng cao chất lượng hàng hóa, khuyếch trương hình ảnh, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thương trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ./.

Nguyễn Huy Lâm - TUV, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh