Tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích tự nhiên 6.056km
2
, trong đó đồi núi chiếm gần 70%, đường biên giới dài 145km thuộc 3 huyện: Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang. Đây là một trong những địa bàn được xác định là hướng phòng thủ quan trọng của chiến lược giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Hiện nay việc lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng khu kinh tế- quốc phòng (KT- QP) trên địa bàn miền núi càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Khai thác tối đa tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất, từng bước chuyển sang kinh tế hàng hoá với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; bố trí lại dân cư theo quy hoạch; bảo vệ môi trường sinh thái và sử dụng bền vững, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng- an ninh (QP-AN), hình thành các cụm làng xã tạo nên vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày nay đòi hỏi xây dựng khu KT-QP không chỉ kế thừa từ kinh nghiệm thế hệ trước để lại mà còn phải phát triển, nâng cao toàn diện phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung khai thác mọi nguồn lực hiện có, nhất là đất đai tại những địa bàn khó khăn phức tạp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước góp phần đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Lợi ích, hiệu quả từ khu KT-QP đưa lại là rất lớn, nhất là đối với những tỉnh có diện tích đồi núi lớn như Hà Tĩnh.
Mục tiêu hàng đầu của khu KT-QP là góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đồng thời tạo thế, lực hậu cần tại chổ trên các địa bàn chiến lược. Với đặc điểm địa hình hiểm trở, núi cao, rừng rậm, lắm khe suối, xa trung tâm hành chính của tỉnh, huyện, nơi kinh tế chậm phát triển, dân cư thưa, đây còn có nhiều tiềm năng đất đai chưa được khai thác (qua khảo sát cho thấy dưới chân dãy Trường Sơn thuộc địa phận Hương Khê có khoảng 33.200 ha; Hương Sơn có trên 145.000 ha), vì vậy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo mới tạo sức hút dân cư đến sinh sống và yên tâm làm ăn lâu dài, khai thác tiềm năng lợi thế. Biến những vùng khó khăn nhất trở thành khu kinh tế và ổn định về QP-AN. Hiện tỉnh ta đang đẩy mạnh chương trình, tiến độ thực hiện các dự án kinh tế trên địa bàn miền núi cho phép bổ sung cơ cấu kinh tế, khai thác tài nguyên để phát triển bền vững. Khai thác nguồn tài nguyên đất đai để trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp vừa mang tính cấp thiết vừa có ý nghĩa lâu dài. Theo các nhà địa chất, các loại cây cao su, gió trầm, bạch đàn cũng như cây ăn quả: cam, bưởi, cây công nghiệp rất thích hợp với loại đất ở sườn đông Trường Sơn. Các lâm trường Chúc A, Trại Trụ, Nông trường 20-4 ở Hương Khê đã từng một thời cung cấp sản phẩm rừng phục vụ nhiệm vụ KT-QP. .
Địa bàn miền núi khó khăn nhiều mặt nhưng lại là nơi có tiềm năng lợi thế, nhất là diện tích đất đai- tư liệu lao động đặc biệt. Việc xây dựng khu KT-QP sẽ góp phần phân bố lại dân cư, hình thành các cụm và khu dân cư mới trên các địa bàn chiến lược. Di dân từ đồng bằng, đô thị lên vùng sâu, vùng xa thực chất là điều chỉnh mật độ hợp lý, hình thành những cộng đồng dân cư mới. Nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn đã bao đời còn hoang hoá nay nhờ sức lao động con người đã biến thành vườn cây, ao cá, trang trại chăn nuôi, đồi cây có giá trị. Đây không chỉ là nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh mà còn góp phần cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Trong việc duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lực lượng tại chổ cơ động kịp thời nhất, có khả năng xử lý linh hoạt mọi diễn biến.
Các khu KT-QP xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, đồng thời là cơ sở thiết yếu của hậu cần tại chổ. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và chi tiết, với nguồn vốn cho phép các khu KT-QP đầu tư có trọng tâm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm không những đáp ứng kịp thời, trực tiếp cho cộng đồng dân cư lập nghiệp sinh sống, cho đơn vị đóng quân trên địa bàn mà còn là sự chuẩn bị làm cơ sở thiết yếu của các căn cứ hậu phương, hậu cần địa phương khi chiến tranh xẩy ra.
Vùng sâu, vùng xa, nơi địa bàn cách trở hiểm yếu luôn là nơi các thế lực thù địch ẩn náu, lợi dụng các hoạt động chống phá, hoạt động khủng bố. Xây dựng khu KT-QP sẽ góp phần ổn định và giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài nhiệm vụ tổ chức sản xuất kinh doanh, các đơn vị khu KT-QP còn tham gia giải quyết các vấn đề tôn giáo, dân tộc, ổn định và giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội; tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, củng cố thế trận lòng dân, thế trận QP-AN ở những địa bàn chiến lược, có nhiều khó khăn phức tạp, những nơi đã từng diễn ra “điểm nóng” về chính trị, xã hội: các đơn vị đã tổ chức các tổ đội công tác, cán bộ dân vận gắn bó, thường xuyên quan hệ với các già làng, trưởng bản và nhân dân để tuyên truyền, giác ngộ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc, tôn giáo. Vận động nhân dân đấu tranh với các phần tử phản động truyền đạo trái pháp luật, với các tệ nạn xã hội như: buôn bán, sử dụng chất ma tuý, tái trồng cây thuốc phiện; giúp đồng bào các dân tộc xoá bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng thôn bản văn hoá. Các đơn vị KT-QP sẽ kết hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa phương, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng tổ chức thực hiện của cấp uỷ, chính quyền cơ sở ở các vùng dự án. Phối hợp với các cấp, các ngành vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống sốt rét, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, kết hợp tuyên truyền thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Các địa phương có khu KT-QP trên địa bàn Quân khu 4 đã thành lập được trung đội dân quân cơ động, bước đầu cho thấy lực lượng này hoạt động có hiệu quả thiết thực góp phần tích cực trong công tác giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới.
Hoạt động của các khu KT-QP sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp cả về chính trị- xã hội, KT-QP, là chổ dựa tin cậy của nhân dân; đồng thời tạo thế và lực hậu cần tại chổ cho lực lượng vũ trang hoạt động tác chiến trong mọi tình huống. Việc xây dựng khu KT-QP (lực lượng các đơn vị quân đội làm nòng cốt) không những góp phần phát triển KT-XH của tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, QP-AN của các tỉnh duyên hải miền Trung mà đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh thứ 5 của Quân khu 4 có khu KT-QP. Đây là công việc không đơn giản, đòi hỏi đầu tư bước đầu về kinh phí, nhân lực, các thiết chế đồng bộ. Vì lợi ích lâu dài, để có một cơ cấu kinh tế cân đối cần phải đa dạng phương thức mô hình, trong đó tận dụng khai thác tối đa các nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ miền núi có ý nghĩa hết sức quan trọng./.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - UVBTV Tỉnh ủy- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh