Biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Hà Tĩnh khá phong phú, có nhiều loại thực động vật thuỷ sinh có giá trị kinh tế cao, tập trung phần lớn ở khu vực các cửa sông lớn như Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu. Tuy nhiên nằm trong bối cảnh chung của toàn cầu, dưới tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) và các điều kiện thời tiết cực đoan, Hệ sinh thái rừng ngập mặn (HST RNM) Hà Tĩnh hiện nay cũng đang bị suy giảm về diện tích.
Theo kịch bản phát thải trung bình (B2), đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm của Hà Tĩnh tăng 3,1
0
C (2,5- 3,4
0
C), giai đoạn từ 2020-2050 nhiệt độ trung bình năm tăng từ 0,6- 1,7
0
C. Mùa xuân (tháng 3-5) quá trình tăng nhiệt độ ở các năm lớn nhất từ 0,7-3,4 (năm 2020-2100).
Mức thay đổi (%) lượng mưa trung bình năm theo kịch bản phát thải trung bình (B2) dao động từ 0,7-3,6%, đến cuối thế kỷ 21 lượng mưa trên toàn tỉnh tăng 3,6%. Theo kịch bản này, lượng mưa mùa xuân trên toàn lãnh thổ Hà Tĩnh có xu hướng giảm, lượng mưa trong các mùa còn lại có xu hướng tăng.
Đến năm 2050 mực nước biển dâng khu vực tỉnh Hà Tĩnh từ 20-24 cm, đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng khu vực tỉnh Hà Tĩnh từ 49-65cm.
Theo báo cáo của tổ chức hành động cứu trợ ActionAid và Trung tâm phát triển Nông thôn (RUDEC) cho biết mực nước biến dâng triều cường hiện nay cao hơn từ 10- 20cm so với hơn 10 năm trước đây (Lộc Hà), nước mặn lấn vào sông thêm 10km. Tình trạng này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là sự xâm mặn ngày càng mở rộng. 100% giếng khơi mới đào 2 năm trở lại nay ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà đã bị nhiễm mặn không sử dụng được. Còn ở cống Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh thì độ mặn đo được hồi tháng 6/2010 ở mức 4,5- 5,5‰, có khi lên mức 7- 8‰.
Hiện tượng gió mùa Tây Nam khô nóng xuất hiện với tần suất dày hơn và thời gian xuất hiện dài hơn như là một hệ quả của BĐKH cũng đã gây nhiều thiệt hại về nguồn lợi và nghề cá trong RNM ven sông nước lợ ở khu vực Bắc Trung bộ, nhất là vào thời kỳ có nước triều kém trong các tháng 6- 8 hàng năm.
Tác động của BĐKH đến HST RNM Hà Tĩnh
Dưới tác động của BĐKH, những năm gần đây, tại Hà Tĩnh đã nhiều lần ghi nhận các đợt lạnh bất thường. Ví dụ như đợt lạnh lịch sử mùa đông năm 2007. Các đợt lạnh cực đoan này đã gây ra hiện tượng sương muối nhiều hơn và chính là nhân tố hạn chế sự sinh trưởng cây ngập mặn, thể hiện rõ ở triệu chứng là lá cây bị khô cháy.
RNM phòng hộ ở xã Hộ Độ được trồng vào năm 1994, đến nay đã phát huy được hiệu quả trong việc phòng chống, chắn sóng, lũ, thiên tai và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng chục ha RNM chắn sóng dọc sông Hộ Độ bị chết hàng loạt.
Ngược lại, vào thời điểm vào đầu và giữa mùa hè (tháng 4-7), do tác động của gió Tây Nam khô nóng với cường độ và thời gian kéo dài hơn do tác động của BĐKH nên làm cho đất ngập mặn bị bốc hơi rất mạnh, nồng độ muối trong đất tăng lên rất cao (40-60%), cây thoát hơi nước nhiều, lượng nước hút vào không đủ nên khó giữ được cân bằng nước trong cơ thể dẫn đến nhiều cây bị chết khô. Hiện tượng này đã được quan sát thấy với những đám cây sú và đước bị chết khô vào tháng 7/1982 ở gần cửa sông Rào và sông Nghèn (Hà Tĩnh) khi có gió Lào thổi mạnh nhất [8].
Cùng với nhiệt độ, sự biến đổi của lượng mưa cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phân bố và phân vùng của các loài cây ngập mặn ở Hà Tĩnh. Do ảnh hưởng của BĐKH nên các hiện tượng mưa, lũ lớn thường xuyên xảy ra hơn cả về cường độ và thời gian. Khi mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn và nhiều tháng còn lại trong năm bị khô hạn sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho sự sinh trưởng và phân bố của cây ngập mặn. Trong hoàn cảnh đó, mưa lớn sẽ lọc rửa hết muối trong đất, ngược lại về mùa khô lượng muối trong đất lại quá cao.
Ảnh hưởng của mưa lớn do BĐKH đã được quan sát thấy ở khu vực TP. Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh. Đây là những nơi thường có mưa lớn bất thường và xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, có ngày mưa tới 400- 500 mm và thường tập trung vào 2 tháng 9 và 10, trùng với mùa mưa bão (cũng có tần xuất xuất hiện thường xuyên hơn do ảnh hưởng của BĐKH) nên lượng mưa càng lớn hơn và làm đất ngập mặn bị lọc hết muối, nhất là khi con nước kém. Chính vì vậy, cây ngập mặn tại những khu vực này thường bị ngừng sinh trưởng hoặc chết cây con. Một số nơi, mưa lớn đã cuốn theo cát, sỏi, đá cuội ra các bãi lầy, lấp rễ hô hấp và phá huỷ cây con đang tái sinh. Hiện tượng này đã được quan sát thấy ở vùng cửa sông Hộ Độ, huyện Lộc Hà, bởi vậy, sự phân bố cây ngập mặn ở đây ngày càng thưa và không đồng đều.
Do tác động của BĐKH, bão lũ ngày càng xuất hiện với tần xuất và cường độ mạnh hơn đã gây ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các khu rừng ngập mặn trong các bãi bồi phù sa. Nhìn chung, RNM thường không thể phát triển được ở những nơi chịu tác động trực tiếp theo chu kỳ năm của bão. Những cơn bão lớn xuất hiện hàng năm với tần xuất và cường độ ngày càng khốc liệt hơn do tác động của BĐKH đã làm vỡ đê biển, phá huỷ các RNM tự nhiên hoặc rừng trồng để bảo vệ đê, phá huỷ môi trường sống của nhiều loài tôm cá biển cũng như chim nước. Nước biển dâng cao nhất trong những ngày có mưa bão kết hợp triều cường, có khi lên tới 5- 8m gây ra thiệt hại to lớn về tài sản của cộng đồng ven biển, làm cho bờ biển bị xói lở, kể cả những vùng có các dải RNM phòng hộ. Sóng to, mưa lớn làm cho cây bị gãy cành, rụng hoa quả và cuốn trôi nhiều cây con ra biển. Ví dụ cơn bão số 6 ngày 17/8/1991 đã cuốn trôi hơn 70% số cây ngập mặn mới trồng ở một số xã của huyện Thạch Hà.
Hiện tượng gió mùa Tây Nam khô nóng xuất hiện với tần suất dày hơn và thời gian xuất hiện dài hơn như là một hệ quả của BĐKH cũng đã gây nhiều thiệt hại về nguồn lợi và nghề cá trong RNM ven sông nước lợ ở khu vực Bắc Trung bộ, nhất là vào thời kỳ có nước triều kém trong các tháng 6- 8 hàng năm. Ở thời điểm này, độ mặn trong đất RNM lên rất cao (4- 4,5%), ảnh hưởng đến cả thực vật và các sinh vật đáy như thân mềm, giun nhiều tơ. Các đối tượng này bị chết hoặc phải di cư, gây ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn tự nhiên cho các đối tượng hải sản tôm, cua, ghẹ, cá nước lợ trong RNM, gây suy giảm năng xuất sinh học và năng suất khai thác của các cộng đồng dân cư địa phương sống phụ thuộc vào nguồn lợi thuỷ sản trong RNM.
Theo Nguyễn Văn Hải (1995)
quan sát nhiều đầm nuôi tôm ở Hồng Hà (Hà Tĩnh) vào tháng 7/1991, sau 3 ngày có gió Lào (gió mùa Tây Nam), mặt nước trong đầm còn 0,3m, nhiệt độ nước buổi trưa lên đến 37,5
o
C, độ mặn 3,7‰. Vào những ngày này, tôm trong đầm hầu như không ăn và hoạt động rất ít, một số không lột xác được, một số ít tôm bị chết lấp trong bùn ao.
Các giải pháp bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái RNM Hà Tĩnh
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ cập kiến thức cho các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư vùng ven biển về BĐKH, về vai trò và giá trị của RNM và HST RNM; quản lý, sử dụng bền vững RNM vì lợi ích trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh và phát triển các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng.
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về HST RNM, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phối hợp giữa nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong việc trồng và chăm sóc rừng ngập mặn;
- Củng cố và hoàn thiện hệ thống Ban quản lý khu rừng phòng hộ và đảm bảo hoạt động có hiệu quả;
- Đẩy mạnh bảo vệ HST RNM dựa trên các quy hoạch có tính pháp lý và khoa học; cương quyết ngăn chặn các hoạt động phá RNM để nuôi trồng thuỷ sản hoặc sử dụng vào các mục đích khác;
- Lập kế hoạch phục hồi và trồng mới RNM theo từng giai đoạn 5 năm, xác định rõ địa điểm và phương thức phục hồi phù hợp, hiệu quả;
- Giao cho các hợp tác xã nông nghiệp nhận khoán trồng và chăm sóc RNM ở các bãi bồi và trong các đầm nuôi tôm bị thoái hoá. Sau 3 năm, rừng trồng được nghiệm thu và bàn giao cho UBND các xã quản lý theo quy chế rừng cộng đồng; không nên giao rừng phòng hộ cho cá nhân quản lý;
- Cần chọn một số RNM điển hình đại diện cho từng vùng sinh thái làm khu bảo tồn để bảo vệ các nguồn gen thực vật và động vật vùng triều;
- Thực hiện nhà nước và nhân dân cùng làm; xây dựng điện, đường, trường, trạm giúp người dân nhanh chóng ổn định và cải thiện cuộc sống trên các vùng ven biển.
Lời kết
Dưới ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, hệ sinh thái rừng ngập mặn Hà Tĩnh đã và đang chịu nhiều tác động to lớn. Rừng ngập mặn đang bị suy giảm đáng kể về diện tích và thành phần loài. Việc phân tích và đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đến HST RNM là cần thiết, nhằm phục vụ cho việc đề ra các giải pháp và hành động khắc phục thích hợp để bảo vệ và quản lý tốt diện tích RNM hiện có ở Hà Tĩnh.
Nguyễn Hữu Đồng, Đặng Hữu Bình
- Sở TN&MT Hà Tĩnh