Những năm qua, việc áp dụng thành công các tiến bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tăng năng suất cây trồng - vật nuôi, đảm bảo an ninh lương thực, tăng xuất khẩu và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh thì các hoạt động ứng dựng tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế.
Hà Tĩnh nằm trong khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích đất tự nhiên hơn 600.000 ha, trong đó đất giành cho nông nghiệp gần 485.000ha, chiếm 80,4 % diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Dân số toàn tỉnh 1.280.549 người, trong đó có hơn 1.120.000 người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 87,8 % tổng dân số.
Nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của Hà Tĩnh, là môi trường sống của đa phần người dân, nơi bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 2,56%/ năm, sản lượng từ 42 vạn tấn lên 51 vạn tấn, giá trị sản xuất nông nghiệp từ 16,6 triệu đồng tăng lên gần 40 triệu đồng/ ha, giá trị xuất khẩu nông lâm, hải sản đạt 32,4 triệu USD. Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, gắn với các cụm công nghiệp, ngành nghề nông thôn.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì các tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp đã tạo ra giá trị tăng trưởng trong nông nghiệp lên tới 30%.
Theo ông Nguyễn Huy Lâm - Giám đốc Sở KH-CN Hà Tĩnh, từ năm 2001-2010 công tác nghiên cứu và chuyển giao KH-CN trên địa bàn đã được thực hiện đồng bộ và đạt được hiệu quả cao, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện trên 180 đề tài, dự án cấp tỉnh, 17 đề tài dự án thuộc chương trình cấp nhà nước, dự án hợp tác quốc tế và 30 chuyên đề hỗ trợ khác.
Đặc biệt, trong thời gian này KH-CN đã có bước phát triển đột phá trên lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, tạo được phong trào thi đua áp dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất lao động, xóa đói, giảm nghèo. Đã du nhập và xác định được bộ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất như lúa Xi 23, NX30, HT1, HT9, XT27, X26, QR1; lạc L12, L14, L23; sắn
chất lượng cao, giống gà hướng trứng; các giống cây ăn quả bưởi Phúc Trạch, cam Bù, ...; giống lợn siêu nạc, bò lai sind, ngan Pháp, gà vịt siêu trứng…được ứng dựng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhiều mô hình ứng dựng tiến bộ KHKT ở Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên đạt hiệu quả cao, đem lại sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng, miền. Qúa trình nghiên cứu, lai tạo giống tốt đã giúp đàn lợn tăng 6%/ năm, đàn bò tăng 5,6%/ năm. Thành công trong công tác nghiên cứu các công thức lai giữa bò nội và bò ngoại đã tạo ra con lai F1 có năng suất thịt cao hơn đàn bò vàng Việt Nam 20-50%...
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Huy Lâm, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các hoạt động ứng dụng KH-CN vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn tồn tại nhiều hạn chế, khuyết điểm. Vì vậy đã đến lúc cần có chiến lược, hoạch định cụ thể, rõ ràng nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách thông thoáng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KH-CN phát triển vững chắc, toàn diện trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Mặt khác, để góp phần đưa Nghị quyết 08 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh sớm đi vào cuộc sống, hoạt động KH-CN phải thực sự trở thành mấu chốt, là đòn bẩy để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, trước hết, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá lại các chủ trương chính sách đã ban hành trong thời gian qua để xác định tính phù hợp, hiệu quả, từ đó bổ sung, đề xuất các chính sách mới phù hợp với hiện nay. Tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, đạt hiệu quả kinh tế cao bổ sung vào cơ cấu giống. Khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp nước sạch cho người dân theo hướng bền vững, ứng dụng KHCN vào việc ứng phó với các biến đổi của khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên nhiên gây ra, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của KH-CN trong sự nghiệp CNH-HĐH, kiên quyết loại bỏ tư tưởng bao cấp, bảo thủ, trì trệ trong tiếp thu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN.
Ngoài ra việc đầu tư, tăng cường tiềm lực cho hoạt động KHCN cũng như việc nghiên cứu, triển khai các chương trình khoa học là yếu tố quan trọng, thúc đẩy và tạo lập thể chế gắn kết giữa hoạt động KHCN với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở phát huy thành tựu KHKT, đẩy nhanh các kết quả nghiên cứu triển khai vào thực tiễn sản xuất và đời sống, không ngừng nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao..., từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh.
Ngô Anh Tuấn