Ông Nguyễn Huy Hoàng (thôn 5 xã Cẩm Phúc- Cẩm Xuyên) là cán bộ UBND xã từ năm 1993. Làm vi?c ở xã lúc bấy giờ phụ cấp chẳng được bao lăm. Anh phải chuyển qua nhiều nghề, đầu tư nhiều lĩnh vực. Bước ngoặt khởi sắc cho sự thành công như ngày hôm nay đến với gia đình ông là vào đầu năm 2002, khi xã có chủ trương cho đấu thầu những vùng đất trũng, ao hồ để các hộ khai thác, nuôi trồng thuỷ sản.
Nhận thấy đây là cơ hội mở hướng làm ăn mới, với một số vốn tích góp được từ trước gia đình ông đầu tư cải tạo ao hồ và tháng 4 – 2002, lứa tôm đầu tiên đã được thả trên diện tích 1,2ha. Vụ tôm đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên gia đình ông nuôi theo hình thức quảng canh. Tuy vậy sau khi trừ chi phí còn lãi được 30 triệu đồng. Thấy nuôi thời gian ngắn mà được lợi lớn, đến tháng 4 năm sau ông thả 18 vạn con tôm giống. Sau 4 tháng nuôi, bán được 90 triệu, trừ chi phí lãi được 45 triệu. Sang vụ thứ 3 (tháng 4/2004) ông thả 21 vạn con giống thu được 3 tấn tôm, năm ấy giá thấp nên chỉ bán được 120 triệu đồng, lãi 55 triệu. Đến năm 2006 thả 18 vạn con tôm giống, thu 2,4 tấn bán với giá 86.000đ/kg, thu được trên 200 triệu đồng, lãi 115 triệu đồng. Lợi nhuận tăng dần, đến năm 2009 ông mua thêm hồ thứ hai có diện tích 0,85 ha ở vùng Cồn Cao tiếp tục tăng diện tích nuôi tôm, thu lãi 190 triệu đồng.
“Nuôi tôm thấy lợi như vậy nhưng nuôi được nó không phải dễ đâu, tháng cuối cùng để thu hoạch, mỗi ngày cả tiền thức ăn và thuốc phòng dịch hết hơn một triệu đồng, chồng tôi phải trực và theo dõi suốt đêm"-
vợ ông tâm sự
. Mặc dù gia đình đã thuê người chăm sóc, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên họ chỉ cho tôm ăn, theo dõi ban ngày từ 23 giờ trở về trước. Ban đêm lắm lúc thời tiết thất thường, gặp trời oi bức, trong hồ thiếu ô xy mà không xử lý kịp, tôm sẽ chết hàng loạt, hàng trăm triệu đồng giữa hồ sẽ mất trắng nên đích thân ông phải theo dõi.
Muốn nuôi được tôm thì phải nắm vững khoa h?c kỹ thuật và có kinh nghiệm để biết các hiện tượng bất thường xảy ra trong ao mà xử lý. Những năm đầu nuôi tôm ông Hoàng chưa biết gì. Khi có sự cố xảy ra ông thường gọi kỹ thuật viên của các đại lý bán thức ăn về xử lý. Dần dần ông tích lũy được kinh nghiệm. Bây giờ nhìn vào màu nước của hồ, ông có thể biết ngay cần xử lý loại thuốc gì: xử lý sạch đáy hồ dùng zeolite, xử lý nước trong hồ cho sạch dùng Bromine Bean...; nhìn vào thời tiết cần chạy máy tạo khí mấy lần, mỗi lần bao nhiêu thời gian... Ông cho biết, kể từ một tháng rưỡi đầu sau lúc thả tôm giống chưa cần theo dõi nhiều, nhưng từ tháng thứ hai trở đi phải theo dõi thường xuyên, như kiểm tra thức ăn trong rớ: nếu tôm ăn hết phải tăng lên, nếu ăn không hết giảm xuống, nếu tôm không ăn hay ăn rất ít là có dấu hiệu bị bệnh cần phải xử lý ngay; ban đêm cứ sau 1-2 giờ phải dọi đèn quan sát, nếu tôm nổi hàng loạt thường là do thiếu khí, đáy ao bẩn hoặc trời oi bức. Lúc đó nếu chỉ chạy máy bơm không kịp, mà phải kết hợp đổ ngay oxyzen xuống. Chính nhờ phát hiện kịp thời mà ông đã cứu nguy được cho mình và cho mấy nhà xung quanh ở vụ tôm trước. Khi ấy vào lúc 2 giờ sáng, trời bỗng nhiên rất oi bức, tôm trong hồ nổi hàng loạt, nếu chỉ chậm sau vài chục phút nữa là tôm sẽ chết sạch.
Xử lý đáy ao trước khi thả tôm giống và chọn thời điểm thả con giống rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của ông thì thời tiết ở tỉnh ta chỉ thả được 1 vụ/năm và thả sau tiết thanh minh. Bản thân con giống thường mang sẵn mầm mống gây bệnh dịch. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật và gặp thời tiết thuận lợi, bảo đảm tôm sẽ khoẻ mạnh, mầm mống gây bệnh không phát triển được. Nếu ngược lại thì bệnh dịch về tôm sẽ phát triển. Vụ tôm mấy năm trước có người ở thôn 12 do thả giống sớm, nước trong hồ còn lạnh nên sau đó đã xuất hiện bệnh dịch phải huỷ cả vụ tôm.Trước đến giờ gia đình ông luôn thành công trong việc nuôi tôm là nhờ nắm chắc khoa học kỹ thuật.
Để có được kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi tôm như hiện nay, trước đây ông đã từng vào Nha Trang và một số nơi trong tỉnh như huyện Thạch Hà và Nghi Xuân để học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Khi ký kết hợp đồng với đại lý cung cấp thức ăn cho tôm, anh tìm hiểu cẩn thận và chỉ ký với các đại lý có kỹ sư giỏi, nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật với khách hàng.
Không chỉ biết để phục vụ cho gia đình mình, mà ông còn giúp đỡ hàng chục hộ trong xã về kỹ thuật chọn giống, xử lý nước, xử lý đáy hồ để nuôi tôm thành công theo phương pháp nuôi công nghiệp.
Ngoài ra ông còn giúp cho 8 hộ nuôi tôm nợ tiền thức ăn, đến vụ thu hoạch tôm trả lại. Năm 2007 ông là một trong 5 gương mặt SXKD giỏi của tỉnh được đi tham dự Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc. Năm 2010 ông vinh dự được chọn là một trong 5 gương mặt tiêu biểu đại diện cho cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ V. Nhờ nuôi tôm mà gia đình ông xây được nhà cao tầng cùng các tiện nghi trong nhà, nuôi con cái học hành thành đạt. Thành công từ nuôi tôm của gia đình ông không chỉ mang lại lợi ích cho gia đình mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. /.
Thạc sỹ: Dương Trí Thức