Thành phố Hà Tĩnh- nhiều mô hình đạt hiệu quả cao

Với diện tích đất canh tác hàng năm biến động từ 1400-1600 ha đất lúa hai vụ, gần 600 ha đất sản xuất màu, trên 140 ha chuyên sản xuất các loại rau và cây vụ đông. Thế nhưng do quá trình đô thị hóa ngày càng tăng nên đã làm cho nhiều hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Mặt khác sản xuất nông nghiệp đô thị cần phải tạo thành hàng hóa có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận.
Từ thực trạng đó, UBND thành phố Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhiều giống mới có năng suất chất lượng vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn, đặc biệt làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, tập trung theo hướng hàng hóa sạch. UBND thành phố đã giao cho Trung tâm ứng dụng KHKT xây dựng nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Những chương trình, mô hình này bước đầu được người dân đồng tình và tạo sức lan tỏa, như: Chương trình giống lúa nhân dân đã giúp người dân chủ động nguồn giống tại chỗ cho sản xuất, chương trình sind hoá đàn bò; thâm canh lạc che phủ ni lon bằng các giống lạc mới: V79, L14, L23…, áp dụng các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích; nuôi các giống thuỷ đặc sản có giá trị hàng hoá cao, áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, ICM…. Ngoài ra, Sở KH&CN hổ trợ, chuyển giao công nghệ như mô hình trồng bí xanh số 1, trồng đậu Côve leo, trồng hoa Lyly, hoa lay ơn, ...; thông qua các chương trình, mô hình đã giúp nhiều hộ nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay số diện tích cho thu nhập đạt và vượt 50 triệu đồng/ha/năm có trên 80 ha, số hộ có thu nhập đạt và vượt giá trị 70 triệu đồng/hộ năm có hàng trăm hộ. Đặc biệt một số gia đình đã vận dụng kết hợp sản xuất với chế biến dịch vụ, nắm bắt thị trường để sản xuất, vì vậy số hộ thu nhập vượt giá trị 50 triệu đồng/năm ngày càng nhiều. Anh Trần Hữu Cúc (Thạch Bình) là một ví dụ: anh được chính quyền cấp 1,5 sào đất, trước đây chủ yếu trồng 1 vụ lúa, 1 vụ khoai, thời gian còn lại thường để trống đất. Vụ đông xuân 2008 được sự hỗ trợ Trung tâm ứng dụng KHKT thành phố anh tham gia mô hình trồng bí xanh số 1, năng suất bình quân đạt 2 tấn, thu được trên 6 triệu đồng; bí tàn anh lại trồng cải ăn lá cho thu nhập trên 1,5 triệu đồng và vụ đông tiếp tục trồng đậu Cô ve cho thu nhập trên 4,0 triệu đồng, anh cho biết: “Trước đây cứ nghe nói ở đâu đó 1 ha đạt 50 triệu đồng/năm cứ tưởng là chuyện đùa nhưng giờ đây thì quá dễ, bởi 1,5 sào của tôi cũng đã cho thu nhập từ 10-12,2 triệu đồng/năm”.
Để tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận với những tiến bộ KHCN, hàng năm UBND thành phố đã có chính sách hỗ trợ kinh phí về giống, vật tư, phân bón, thuốc... xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất. Để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững ngoài việc nâng cao về năng suất, hiệu quả kinh tế và sức lan tỏa của mô hình còn phải đảm vệ sinh môi trường. Một trong những mô hình đó phải kể đến trồng rau an toàn (Thạch Linh), mô hình lúa chất lượng cao HT1, LT2, P6, PC6… đều nâng cao về chất lượng gạo và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, đến nay các giống lúa chất lượng cao được đưa vào cơ cấu trên 15% diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn thành phố.
Trong chăn nuôi xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại Thạch Bình, nuôi thỏ trắng Newzealand ở Thạch Hưng, Thạch Trung…, nuôi lợn nái sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường ở Thạch Phú, Thạch Bình… đều mang lại kết quả tốt. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật các vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt và được người dân ứng dụng mở rộng chăn nuôi. Từ năm 2007, UBND thành phố đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng bể biogas, với giá trị 2 triệu đồng/bể. Bể biogas được áp dụng thiết kế theo kiểu KT 1 , KT 2 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay đã xây được 160 bể cho các hộ nông dân, mỗi hộ dùng bể biogas hàng năm đã tiết kiệm được từ 1,5-1,7 triệu đồng chất đốt, lại có nguồn phân hữu cơ sạch bón cho cây trồng, cải thiện môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp.
Những thành công trong việc ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng mô hình ở thành phố Hà Tĩnh không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp mà còn tạo ra những bước tăng trưởng về năng suất, sản lượng lương thực, tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và cộng đồng. Tuy nhiên để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững các cấp, các ngành ở thành phố Hà Tĩnh cần tiếp tục chú trọng đến công tác quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh; du nhập các giống cây con mới, sản xuất gắn với chế biến sau thu hoạch; khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng hàng hoá, công nghệ cao, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích phù hợp với nông nghiệp đô thị. Tập trung tuyên truyền chuyển dần nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thị trường nhằm góp phần xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao./.

Ngô Thắng