Thế giới vinh danh Thi hào Nguyễn Du

Nguyễn Du (1765-1820) tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại kinh thành Thăng Long trong một thế gia vọng tộc của xứ Nghệ - Họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, thời bấy giờ có rất nhiều người đỗ đạt cao và giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình. Cha là Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng; mẹ là Trần Thị Tần cũng sinh trưởng trong một gia đình truyền thống văn hóa ở Kinh Bắc.

Với những tác phẩm văn học kiệt xuất như "Thanh hiên thi tập", "Nam trung tập ngâm", "Bắc hành tạp lục", "Văn tế thập loại chúng sinh", "Văn tế Trường Lưu nhị nữ", "Thác lời trai phường nón" và đặc biệt nhất là Truyện Kiều - tập đại thành của nền văn học cổ điển Việt Nam, đã được Tổ chức UNESCO đánh giá cao hồ sơ về Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam, vì đã nêu bật tầm ảnh hưởng của nhà thơ: Tác phẩm Truyện Kiều của ông được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới; tư duy độc lập, sáng tạo, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc đã giúp ông dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng nghìn năm của Hán văn để viết tác phẩm bằng chữ Nôm.

Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ Thi hào Nguyễn Du tác giả của Truyện Kiều đã được Thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa Thế giới. Sự thực chưa phải như vậy. Năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm (1765-1965) năm sinh của Thi hào Nguyễn Du, Hội đồng hòa bình Thế giới ra Quyết nghị tổ chức kỷ niệm cùng với 8 nhà văn hóa của các nước khác có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như nhà thơ Horace của La Mã, nhà thơ Dante của Ý, nhà bác học Lomonoxop của Nga....

Việc vinh danh Thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới đã được Ban vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du  của Việt Nam hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, thời gian theo các quy định của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp quốc. Theo Ban vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du thì hồ sơ khoa học của ứng viên Việt Nam nêu bật được những điểm nổi trội về các giá trị, cống hiến của Nguyễn Du đối với nền văn hóa Việt, những giá trị có tính phổ cập cao, tính lan tỏa rộng trong các tác phẩm của Nguyễn Du, đó là: lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để Nguyễn Du làm một việc vĩ đại là dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn ở trong xã hội để sáng tác văn học bằng Việt văn, lần đầu tiên đưa tiếng Việt, đưa ngôn ngữ Việt, đưa tiếng nói của mẹ đẻ thành ngôn ngữ văn học chính thống của quốc gia, phá thế độc tôn của Hán văn, giành lại chủ quyền tiếng Việt trong ngôn ngữ đỉnh cao của dân tộc; là tư duy độc lập sáng tạo của Nguyễn Du, với tài năng xuất chúng của mình đã sáng tác ra một tác phẩm kinh điển là Truyện Kiều , tác phẩm kết tụ được những tinh hoa của ngôn ngữ Việt, của văn hóa Việt, tác phẩm mang tính phổ cập cao, tính lan tỏa rộng trong nhân dân, khu vực và trên thế giới; là phương pháp luận khoa học của Nguyễn Du trong diễn đạt tiếng Việt, diễn đạt ngôn ngữ thuần Việt, đưa tiếng Việt, đưa ngôn ngữ Việt lên bậc một ngôn ngữ văn học hiện đại, một ngôn ngữ trau chuốt nhưng giản dị, đài các nhưng gần gũi, sang trọng mà hồn nhiên, dân giã dễ hiểu mà tao nhã văn chương...

Năm 2013, hồ sơ khoa học của ứng viên Việt Nam được đánh giá cao và Thi hào Nguyễn Du lọt vào danh sách 107 Danh nhân văn hóa trên toàn thế giới được đề nghị vinh danh đợt 2014-2015 theo Quyết định 191EX/32 11/2013 của Ban chấp hành Đại hội đồng UNESCO họp tại Pari thủ đô nước Pháp. Thi hào Nguyễn Du, tác giả của trước tác Truyện Kiều nổi tiếng của dân tộc Việt Nam chính thức được Thế giới tôn vinh là Danh nhân văn hóa Thế giới tại Nghị quyết 37C/15 của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp quốc. Đây là niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Theo lộ trình, các hoạt động vinh danh Thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới sẽ được tổ chức trong năm 2014, 2015 ở Việt Nam và tại các nước trong khối thành viên UNESCO.

Năm 2015 là năm kỷ niệm 250 năm (1765-2015) năm sinh của Thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ Ngành liên quan triển khai chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ kỷ niệm tại Hà Tĩnh và ngày 20/12/2013, Phó Thủ tướng cũng đã ký Quyết định số 2542/QĐ-TTg  phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu di tích Nguyễn Du -  xây dựng khu di tích Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) thành trung tâm Văn hóa - Du lịch lớn của cả nước. Tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với các Bộ Ngành, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động văn hóa, chuẩn bị tốt điều kiện để tổ chức lễ vinh danh, lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh của Thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới đầy trang trọng và ý nghĩa.

Hướng tới kỷ niệm 250 năm, năm sinh (1765 - 2015) của Đại thi hào Nguyễn Du, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về giá trị văn hóa của Nguyễn Du một cách rộng rãi trong cả nước và thế giới, triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết tổng thể Khu Văn hoá - Du lịch Nguyễn Du, tổ chức các hoạt động liên quan để tôn vinh những giá trị lớn lao mà Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho nền văn hóa của dân tộc Việt nam và nhân loại.

Năm 2015, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều sự kiện văn hóa kỷ niệm, tôn vinh Thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới.

Bách Khoa