Thiên tai trên biển và một số biện pháp phòng chống, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai

Thiệt hại do thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), lũ lụt không chỉ về KT-XH mà cả tính mạng con người và đặc biệt đối với ngư dân và hoạt động kinh tế trên biển, ven biển ngày một trầm trọng hơn. Đơn cử cơn bão số 8 (CECIL) đổ bộ vào Quảng Trị ngày 15/10/1985 làm chết 900 người, bị thương 215 người chủ yếu là ngư dân tàu thuyền bị chìm 1.772 cái, hư hỏng 1.800 cái. Tháng 11/1997, bão số 5 (LINDA) một cơn bão mạnh hiếm thấy trong vòng 100 năm qua đối với Nam bộ đã cướp đi sinh mạng của 788 người, bị thương 1.142 người chủ yếu là ngư dân, đánh chìm 2.789 tàu thuyền và thiệt hại ước tính 7.200 tỷ đồng. Không chỉ bão mạnh mà ngay cả ATND ngày 14/8/1996 ở Hậu Lộc - Thanh hoá đã làm chết 249 ngư dân thiệt mạng 45 người bị thương và thiệt hại ước tính lên tới 65 triệu Đô la Mỹ.
Rõ ràng thiên tai bão, ATNĐ đã gây ra những thiệt hại to lớn về con người và tài sản đặc biệt là ngư dân và hoạt động trên biển, ven biển nước ta. Qua đánh giá của Uỷ ban phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Châu Á thì khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nơi thiên tai xẩy ra nặng nề nhất so với các khu vực khác trên thế giới trong đó thiên tai bão, ATNĐ là loại thiên tai đứng thứ hai sau lũ lụt. Việt nam là một nước nằm trong một trong năm “ ổ bão” thế giới nên hiểm hoạ do bão, ATNĐ luôn luôn rình rập. Vì vậy, việc phòng chống, phòng tránh có một ý nghĩa to lớn trong qua trình phát triển KT- XH đặc biệt đối với ngư dân và hoạt động trên biển và ven biển.
Bão và ATNĐ thường được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ). XTNĐ là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm km, hình thành trên vùng biển nhiệt đới. Ở Bắc Bán Cầu, gió thổi vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Tuỳ theo tốc độ gió mạnh nhất trong vùng gần tâm mà XTNĐ được nhân chia thành ATNĐ hay bão: Khi gió mạnh nhất vùng gần tâm XTNĐ đạt từ cấp 6 đến 7 ( tức là từ 39 - 61 km/giờ) gọi là ATNĐ; khi gió mạnh nhất vùng gần tâm XTNĐ đạt từ cấp 8 trở lên (tức là từ 62 km/giờ trở lên) thì gọi là bão. Về cơ bản bão, được cấu trúc bởi mắt bão, truờng mây mắt bão, các giải mây xoắn, bề rộng, chiều cao bão….
Mắt bão là vùng tương đối lặng gió, quang mây ở chính giữa tâm của xoáy, có đường kính thường khoảng 30 - 60 km. Khi ở trong khu vực mắt bão người ta thường nhìn thấy gió và mưa đang rất dữ dội bỗng đột nhiên ngừng hẳn, trời quang, mây tạnh, ngay sau đó gió và mưa lại xuất hiện đột ngột nhưng với hướng ngược lại. Chúng ta phải hết sức chú ý đến hiện tượng này trong việc phòng, tránh bão. Trường mây mắt bão là trường mây dày xung quanh mắt bão là vùng gió mạnh và mưa to nhất. Các giải mây xoắn ở rìa ngoài bão có thể trải rộng hàng trăm km, chuyển động xoắn chậm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, thường gây ra gió mạnh, mưa to thành từng đợt. Chiều rộng của bão thường có đường kính trung bình vào khoảng 300 km, có cơn bão có đường kính rộng khoảng 500 km. Bão thường di chuyển với tốc độ 10 - 25km/giờ. Tuy nhiên, có cơn di chuyển chậm hoặc có những cơn di chuyển rất nhanh, đường đi của bão, ATNĐ thường rất phức tạp. Ngoài sự tàn phá do gió mạnh, mưa lớn, bão còn gây sóng cao có khi lên tới hàng chục mét và nước dâng, do kết hợp với thuỷ triều có khi lên tới 5 m. Đồng thời bão có thể gây ra dông, tố, lốc làm tăng thêm độ tàn phá của bão.
Thông thường, vùng bao quanh tâm bão trong phạm vi gió mạnh từ cấp 6, cấp7 trở lên là nguy hiểm đối với tàu thuyền. Tuy nhiên, ở các vùng khác nhau của một cơn bão, mức độ nguy hiểm khác nhau. Hầu hết các cơn bão hoạt động trên Biển Đông có hướng di chuyển về phía Tây (từ Tây Nam đến Tây Bắc). Với hướng di chuyển như vậy, ở nửa bên phải hướng di chuyển của bão (nửa phía Bắc của bão), phạm vi gió mạnh rộng hơn, tốc độ gió, cường độ mưa và sóng biển lớn hơn, hướng gió thổi gần như thuận chiều với hướng di chuyển của bão nên tàu thuyền rất dễ cuốn vào trung tâm bão. Vì vậy, nửa bên phải thường là nửa nguy hiểm hơn. Nửa bên trái (nửa phía Nam của cơn bão), bán kính gió mạnh hẹp hơn, tốc độ gió, cường độ mưa và sóng biển nhỏ hơn, hướng di chuyển của bão gần như ngược với hướng gió thổi nên tàu thuyền có thể lợi dụng sức gió để thoát ra khỏi vùng gió mạnh. Vì vậy, nửa bên trái hướng di chyuển của bão thường là nửa vòng ít nguy hiểm hơn.
Đối với những người có kinh nghiệm đi biển, thông thạo địa bàn thì có thể dễ dàng xác định vị trí tàu, thuyền so với tâm bão qua quan sát hướng và tốc độ gió. Khi bão đang tiến tới bờ biển nước ta, nếu quan sát thấy có gió hướng Đông Nam, Đông - Đông Bắc hoặc các hướng nằm giữa chúng là dấu hiệu cho thấy tàu, thuyền đang nằm ở nửa bên phải bão. Khi thấy gió hướng Tây Bắc, Tây - Tây Nam hoặc các hướng nằm giữa chúng là dấu hiệu cho thấy tàu thuyền đang nằm ở nửa bên trái bão. Nếu quan sát thấy hướng gió Tây Bắc gần như không đổi, tốc độ gió tăng dần thì đó là dấu hiệu cho thấy tàu, thuyền đang nằm trên đường đi tới của bão - tức bão đang tiến thẳng tới khu vực tàu, thuyền hoạt động.
Đối với những người không thông thạo địa bàn nên không xác định được hướng gió thì có thể xác định vị trí tàu thuyền trong vùng bão bằng sự thay đổi trong một khoảng thời gian khoảng từ vài chục phút đến một vài giờ. Nếu hướng gió thay đổi chiều từ trái sang phải, tức theo hướng thuận chiều kim đồng hồ là dấu hiệu cho thấy tàu, thuyền đang nằm ở nửa bên phải bão, tức ở nửa nguy hiểm. Nếu hướng gió đổi chiều từ phải sang trái tức theo hướng ngược chiều kim đồng hồ là dấu hiệu cho thấy tàu, thuyền đang nằm ở nửa bên trái bão, tức ở nửa ít nguy hiểm hơn. Nếu qua nhiều lần quan sát mà thấy hướng gió gần như không thay đổi, tốc độ gió tăng dần, độ bao phủ của mây ngày càng dày đặc là dấu hiệu cho thấy tàu, thuyền đang nằm trên đường đi tới của bão - tức bão đang tiến thẳng tới khu vực tàu, thuyền hoạt động.
Để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, tốt nhất là tránh bão từ xa. Muốn thế, người đi biển phải thường xuyên theo dõi thời tiết, thu nhận thông tin tín hiệu báo bão. Nếu tàu thuyền ở bên phải hướng di chuyển của bão thì phải cho tàu, thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch tuỳ thuộc vào sức đẩy tàu thuyền. Nếu tàu thuyền ở bên trái hoặc ở ngay trên đường đi tới của bão thì phải cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu. Đặc biệt phải luôn giữ cho tàu thuyền ở cách xa tâm bão khoảng tối thiểu 200 hải lý.
Trong trường hợp phải đối mặt với bão, tức nằm trong vùng gió mạnh của bão, thì phải cố gắng tìm mọi cách đưa tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Khi tàu, thuyền nằm ở nửa bão bên phải, nửa bão nguy hiểm, lúc này phải suy xét kỹ càng để xác định tâm bão để đối phó kịp thời và tốt nhất là cho tàu, thuyền chạy ngược gió, sao cho gió thổi vào mũi tàu lệch mạn phải một góc khoảng 30 - 45 0 cho tới khi nào thấy khí áp tăng, tốc độ gió, độ bao phủ của mây, cường độ mưa giảm là dấu hiệu cho thấy tàu xa dần tâm bão, sự nguy hiểm phần nào được giảm bớt. Khi tàu, thuyền nằm ở nửa bão bên trái, cần nhanh chóng cho tàu rời xa tâm bão băng cách cho tàu chạy xuôi theo gió sao cho gió thổi vào đuôi tàu lệch mạn phải một góc khoảng 30 - 45 0 .
Trên đây mới chỉ đề cập đến một số phương pháp cơ bản phòng, tránh bão, ATNĐ trên biển. Ngoài bão, ATNĐ trên biển còn xuất hiện các hiện tượng KTTV nguy hiểm khác như dông sét, tố lốc, vòi rồng nhất là thời kỳ chuyển tiếp từ mùa hè sang mùa thu đông hay mùa đông xuân sang mùa hè. Những hiện tượng này thường xẩy ra bất ngờ, thời gian ngắn, phạm vi hẹp, thông tin dự báo, cảnh báo có độ chính xác thấp nên thiệt hại thường lớn nên đòi hỏi người đi biển phải thường xuyên quan sát và nhận biết thông tin dự báo thời tiết để kịp thời phòng tránh hiệu quả
Việc phòng chống, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai trên biển là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và quân ta. Nó phải đặt ra bằng các biện pháp, phương pháp có tính Quốc gia, vừa có tính thường xuyên cũng như chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển KT - XH, an ninh chủ quyền đất nước. Từ đó phải được thông hiểu sâu sắc từ những nhà hoạch định chính sách các nhà lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp và toàn dân trong đó có ngư dân. Muốn nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai không chỉ nâng cao năng lực dự báo phục vụ, tăng cường công tác chỉ huy chỉ đạo và các biện pháp phòng chống hiệu quả mà còn phải nâng cao nhận thức cộng động, phổ thông hoá các kiến thức về thiên tai và biện pháp chủ động phòng chống, phòng tránh hiệu quả. Phổ biến kiến thức thiên tai cộng đồng phải được xúc tiến thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, internet, sách báo và ngay trong các trường học phổ thông và đại học cũng như trong dân chúng để thành nếp thường xuyên và sâu rộng. Vì thực tế chứng minh rằng nơi nào khi thiên tai xẩy ra nếu công tác dự báo chính xác, chỉ huy chỉ đạo phòng chống thích hợp cộng với nhận thức sâu sắc của cộng đồng về thiên tai thì công tác phòng chống bao giờ cũng hiệu quả hơn và đã giảm được tổn thất đáng kể.
Muốn phòng chống thiên tai đối với ngư dân hiệu quả, ngoài việc nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng chiến lược phòng chống hợp lý, nâng cao năng lực dự báo chính xác thiên tai phục vụ của các cơ quan dự báo và truyền thông thông tin dự báo cần thiết xây dựng biện pháp phòng chống sát thực tế, phù hợp điều kiện của từng vùng miền bao gồm nhiều công đoạn từ công tác chuẩn bị đến công tác phòng chống, phòng tránh và khắc phục hậu quả của thiên tai. Đồng thời cần thiết phải kết hợp nhiều mặt tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh tế tăng cường công tác kiển tra, xây dựng các văn bản pháp quy, pháp luật nhằm giảm nhẹ sự cố rủi ro. Ngoài ra trong chiến lược phát triển lâu dài cần thiết quan tâm đến sự bền vững và phải phối hợp nhiều vấn đề liên quan mang tính chiến lược và tính chiến thuật.
Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nhiều biện pháp hữu hiệu phòng chống lụt bão và đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, đã có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão, ATNĐ kể cả trang thiết bị thông tin cũng như bố trí chổ cho tàu thuyền neo đậu tránh bão. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu với hệ quả là làm gia tăng mức độ ác liệt và tàn khốc của thiên tai; Hơn nữa, một khi chúng ta đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển, trong đó có cảng nước sâu Vũng Áng, khu kinh tế Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê, các bãi tắm du lịch; lượng tàu thuyền ngày một nhiều, ngư trường mở rộng, việc nuôi trồng thủy sản được tăng cường... thì việc chủ động phòng chống, phòng tránh bão, ATNĐ và các hiện tượng KTTV nguy hiểm khác trên biển và ven biển càng phải được các cấp đảng và chính quyền tỉnh nhà thực sự quan tâm hơn bao giờ hết. Đó cũng là một trong những biện pháp quan trọng xoá đói giảm nghèo và phát triển KT - XH bền vững./.
Kỹ sư: Trần Xuân Quý
Giám đốc TT Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh