Sinh ra và lớn lên ở vùng quê La Giang, Phạm Thu Hoài, học sinh lớp 8B THCS Liên Minh sớm thấu hiểu được những mất mát, thiệt hại do mùa mưa lũ mang đến. Liên Minh là một trong 7 xã nằm ngoài đê La Giang, năm nào bà con nơi đây cũng phải gánh chịu những thiệt hại do thiên tai để lại. Mưa lũ kéo về, hàng nghìn ngôi nhà, chuồng trại, vật nuôi... của bà con nhân dân bị cuốn trôi theo dòng nước. Cuộc sống vốn đã lam lũ nay càng gian khó hơn. Đã không ít lần Hoài được tận mắt chứng kiến cảnh bà con lối xóm phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ước mơ về những ngôi nhà sống chung với lũ của em được hình thành từ đó. “Ban đầu đó chỉ là niềm mong ước để giảm thiếu những khó khăn cho bà con quê mình, nhưng được sự động viên, giúp đỡ của thầy cô trong nhà trường em đã quyết tâm xây dựng mô hình nhà sống chung với lũ ” Phạm Thu Hoài chia sẽ.
Ngôi nhà tránh lũ của Hoài được xây dựng theo cấu hình đơn giản, sử dụng chất liệu thuận tiện. Bộ khung và kết cấu của ngôi nhà được làm bằng vật liệu tôn dát mỏng, các chi tiết kết nối với nhau bởi các điểm hàn và ốc vít, bên ngoài bề mặt được phủ bởi lớp sơn chống rỉ. Ngôi nhà được chia làm hai phòng phù hợp với lối sống, tập quán của bà con vùng lũ, có đầy đủ bộ phận phụ trợ như: cửa thoát, thang trèo chạn, máng đựng nước mưa...Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, giải pháp xây dựng nhà sống chung với lũ có tính khả thi cao, nếu được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh thì mô hình sẽ phát huy hết công năng khi áp dụng vào thực tế.
Theo em Bùi Thị Cẩm Thư – Học sinh Trường Tiểu học Thạch Việt, để có được những bữa cơm ngon, người nấu cơm phải tiến hành sàng lọc gạo để loại bớt cặn bã và sõi từ gạo. Đối với các bếp ăn tập thể, việc đãi gạo mất rất nhiều thời gian, vì vậy Bùi Cẩm Thư đã nảy sinh ra ý tưởng giúp tiết kiệm thời gian đãi gạo bằng hệ thống máng lọc. Hệ thống đãi gạo nhanh, tiết kiệm thời gian dùng cho bếp ăn tập thể do em Thư sáng tạo ra hết sức đơn giản, với khuông đãi có chiều rộng 17cm, chiều dài 1,2 m, được chia bằng 21 vách ngăn, khuôn đãi được cấu tạo theo độ dốc nghiêng 30 độ, sau khi đổ gạo vào khuôn, gạo sạch sẽ trôi theo nước, còn sạn sẽ bị giữ lại. Với quy trình đãi gạo đơn giản, không mất thời gian, hệ thống đãi gạo do Bùi Cẩm Thư sáng tạo ra sẽ góp phần tạo ra những bữa cơm ngon và tiết kiệm thời gian, công sức cho người nội trợ.
Cũng như các học sinh khác, em Nguyễn Trọng Thủy quê xã An Lộc, Lộc Hà, học sinh trường THCS Bình An lại nảy sinh ý tưởng từ việc hàng ngày nhìn các bảng LED quảng cáo treo khắp nơi. Tuy nhiên, các bảng LED quảng cáo hiện nay sử dụng quá nhiều nhưng chỉ thể hiện được một số tin nhắn quảng cáo nhất định, vì thế em Thủy đã nảy sinh ý tưởng sử dụng FAN LED thể hiện tin nhắn sinh động, nhưng lại tốn rất ít LED và các tin nhắn có thể thay đổi dễ dàng bằng việc lập trình theo nguyên lý hoạt động bằng vi điều khiển, và phần mềm CSS (ngôn ngữ C) hỗ trợ lập trình và biên dịch chương trình. Ý tưởng này của Thủy đã được Ban tổ chức trao giải Nhì tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 vừa qua.
Mỗi lĩnh vực có một ý tưởng độc đáo khác nhau, nhưng chung quy lại, các đề tài, giải pháp tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên Hà Tĩnh lần 3 đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống lao động. Các mô hình, giải pháp dự thi, gồm các lĩnh vực: Đồ dùng học tập, phần mềm tin học, đồ chơi trẻ em, giải trí, dụng cụ sinh hoạt gia đình, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, tiết kiệm năng lượng. Số lượng mô hình sản phẩm dự thi tăng dần theo các năm, chất lượng sản phẩm dự thi tăng lên về độ tinh xảo, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật. Phần lớn các sản phẩm đều được lắp ráp, chế tạo từ những đồ dùng phế thải được các em tận dụng, chắt lọc và làm thành những mô hình sản phẩm hoàn chỉnh. Điều đó chứng tỏ sức sáng tạo phong phú của thế hệ trẻ, nếu được tạo điều kiện và được bồi dưỡng thêm kiến thức kỹ năng khoa học ứng dụng, một ngày không xa, những tưởng sáng tạo khoa học của tuổi trẻ Hà Tĩnh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển, đi lên.
Theo ông Nguyễn Xuân Thiều – Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo lần thứ ba được các địa phương, trường học trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức chặt chẽ, linh hoạt, động viên được hàng ngàn thanh, thiếu niên, nhi đồng tích cực hưởng ứng, tham gia. Nhiều đề tài, giải pháp sáng tạo có chất lượng tốt, được xét trao tặng giải thưởng của tỉnh và quốc gia. Cuộc thi là một sân chơi bổ ích, lý thú, thiết thực để tuổi trẻ vận dụng những tri thức đã được học, những kỹ năng đã được rèn luyện để tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, có hàm lượng trí tuệ cao, thiết thực phục vụ cho việc học tập, rèn luyện và các hoạt động xã hội.
Có thể nói, những kết quả có được từ cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn tỉnh lần thứ III đã góp phần quan trọng vào việc khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng. Hướng thanh, thiếu niên, nhi đồng vào các hoạt động thực tiễn, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.
Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn tỉnh lần thứ III với sự tham gia của hàng trăm đề tài, giải pháp xuất sắc. Sau các vòng sơ khảo. Ban Tổ chức đã lựa chọn 76 đề tài, giải pháp tham dự vòng chung khảo. Kết quả, Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 24 giải pháp xuất sắc để trao giải bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 16 giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về giải pháp Giá phơi đồ thông minh của nhóm tác giả Nguyễn Thương Bằng, Lê Thái Năng của huyện Kỳ Anh. Tại cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 8, Hà Tĩnh là một trong tốp các đơn vị dẫn đầu về thành tích tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 với 8 giải pháp đạt giải (2 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải khuyến khích).
|
Ngô Quang