Trong nông nghiệp giống là tư liệu sản xuất đặc biệt, một trong 4 yếu tố quan trọng "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Trong điều kiện hiện nay yếu tố nước, phân về cơ bản được chủ động, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất thâm canh của người nông dân ngày càng cao thì giống là yếu tố cơ bản tạo bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế nông thôn. Thực trạng cơ cấu bộ giống lúa ở tỉnh ta trong những năm qua: thời gian sinh trưởng dài; kém năng suất, chất lượng; nhiễm nặng sâu bệnh đang chiếm tỷ lệ khá cao ảnh hưởng lớn đến việc bố trí thời vụ, năng suất và phòng trừ dịch hại dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Từ vụ Đông Xuân 2011 – 2012 trở về trước bộ giống lúa cơ cấu trong vụ Đông Xuân gồm 3 trà: xuân sớm, xuân trung và xuân muộn trong đó trà lúa xuân sớm chiếm 30 – 50% tổng diện tích với giống dài ngày như IR1820, chiêm nếp… thời gian sinh trưởng trên 175 ngày đã bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt khả năng chống chịu sâu bệnh kém, tiêu tốn nhiều nước tưới và thời gian chăm sóc, ảnh hưởng đến sản xuất vụ Hè Thu.
Thực trạng bộ giống lúa trong vụ Xuân 2013
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất trong năm 2013 với chủ trương vụ Xuân bỏ trà Xuân sớm, hạn chế diện tích trà Xuân trung và tăng diện tích gieo cấy trà Xuân muộn, kết quả: Tổng diện tích gieo cấy đạt 55.345/54.500 ha vượt 1,55% kế hoạch. Trong đó: Xuân sớm: 858,6 ha chiếm 1,56%; Xuân trung: 12.926,8 ha chiếm 23,37%; Xuân muộn: 41.558,3 ha chiếm 75,1%. Như vậy thực tiễn sản xuất vụ Xuân 2013 đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ trong việc chuyển dịch cơ cấu các trà lúa: trà Xuân sớm giảm rõ rệt, trà Xuân muộn tăng mạnh, trà Xuân trung có xu hướng giảm dần. Cùng hệ thống chính sách kịp thời, phù hợp với thực tiễn tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất nên kết quả đạt được khá toàn diện: năng suất lúa toàn tỉnh đạt 54,7 tạ/ha cao nhất từ trước đến nay (cao hơn vụ Đông Xuân 2011-2012 là 1,1 tạ/ha) , sản lượng 30.2720 tấn; lúa cơ bản thu hoạch trước 28/5/2013, sản xuất vụ Hè thu 2013 giảm căng thẳng về thời vụ.
Việc đánh giá cụ thể, chi tiết bộ giống lúa góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ cấu giống và lịch thời vụ chính xác, phù hợp cho các mùa vụ tiếp theo. Đặc tính của các giống chủ lực trong vụ Xuân 2013 và hướng cơ cấu như sau:
Nhóm lúa thuần : Giống Xi23: Diện tích 8.351,2 ha, năng suất: 50- 55 tạ/ha, thời gian sinh trưởng: 150- 160 ngày. Ưu điểm: chống đỗ tốt, chịu úng, chịu rét khá, chịu thâm canh. Nhược điểm: khóm rậm rạp, nhiễm đạo ôn, khoe bông. Hướng cơ cấu: vùng sâu trũng.
Giống NX30: Diện tích: 1.951ha, năng suất: 50 - 60 tạ/ha, thời gian sinh trưởng: 150 - 160 ngày. Ưu điểm: Cứng cây, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy nâu, chịu chua mặn, chịu thâm canh; Nhược điểm: hạt lúa mũi dễ rụng trên ruộng; hướng cơ cấu: vùng sâu trũng, chua mặn.
Giống P6: Diện tích: 1.478 ha, năng suất: 50- 55 tạ/ha, thời gian sinh trưởng: 140 - 145 ngày; ưu điểm: gạo ngon, cứng cây, khóm gọn, sạch sâu bệnh; hướng cơ cấu: đất vàn, vàn thấp, vùng thâm canh.
Giống RVT: Diện tích: gần 1.147 ha, năng suất: 50- 55 tạ/ha, thời gian sinh trưởng: gieo thẳng 122- 125 ngày, cấy 128- 130 ngày; Ưu điểm: chất lượng gạo ngon, thơm, dẻo, trỗ tập trung; Nhược điểm: phiến lá mỏng, mềm, nên nhiễm ruồi đục nõn, bọ trĩ, nhiễm trung bình bệnh đốm nâu, khô vằn, nhiễm nặng rầy không thích hợp trên các chân đất nghèo dinh dưỡng; hướng cơ cấu: đất thịt nhẹ, thịt, vùng thâm canh.
Giống Vật tư Nghệ An 2 (VTNA2): Diện tích: 5.863,7 ha, năng suất: 55 - 63 tạ/ha, thời gian sinh trưởng: gieo thẳng: 117 - 120 ngày, cấy: 122 – 125 ngày; ưu điểm: cơm dẻo, thấp cây, chống đỗ tốt; nhược điểm: Đẻ nhánh lai lai, thời gian trỗ kéo dài, bông ngắn, nhiễm bọ trĩ, sâu cuốn lá; hướng cơ cấu: đất thịt nhẹ, thịt, đất có độ phì khá đến tốt, vùng thâm canh.
Giống HT1: Diện tích: 4.852,7 ha, năng suất 45 - 50 tạ/ha, thời gian sinh trưởng: 115 - 120 ngày; ưu điểm: khóm gọn, sạch sâu bệnh; nhược điểm: gạo bạc bụng, gãy gạo, tỷ lệ lép khá cao; hướng cơ cấu: đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất bạc màu. Giống Nếp 98: Diện tích: 1.146,9 ha, năng suất: 55 - 65 tạ/ha, thích hợp trên chân đất: thịt, thịt nhẹ, vùng sâu trũng, chịu thâm canh, khả năng thích ứng rộng hơn nếp 97, chịu rét cao; thời gian sinh trưởng: 125 - 130 ngày; ưu điểm: đẻ nhánh khỏe, cứng cây, khả năng thích ứng rộng, chịu rét, chịu thâm canh, bông dài, tỷ lệ lép thấp, khá sạch sâu bệnh; nhược điểm: độ dẻo kém.
Nhóm lúa lai: Giống TH3-3: Diện tích: 2.947,6 ha, năng suất: 60 - 65 tạ/ha, thời gian sinh trưởng: lúa gieo 112 ngày, lúa cấy 115- 117 ngày; Ưu điểm: thích ứng tương đối rộng trên nhiều chân đất, đẻ nhánh khỏe, bông dài, hạt xếp sít, trỗ chịu rét khá, chất lượng gạo khá, kháng tốt đối với bệnh đạo ôn; Nhược điểm: bộ lá lướt, rậm rạp, nhiễm sâu cuốn lá, bệnh khô vằn; Hướng cơ cấu: đất thịt nhẹ, đất thịt, vùng sâu trũng, chua phèn, vùng thâm canh.
Giống Nhị ưu 838 : Diện tích: hơn 4.379 ha, năng suất: 70-80 tạ, thời gian sinh trưởng: 117-122 ngày. Ưu điểm: đẻ nhánh khỏe, thân cứng, chống đỗ khá, bông dài, hạt to, xếp sít, năng suất ổn định, khá sạch sâu bệnh, chịu thâm canh. Nhược điểm: bộ lá rậm rạp, chất lượng gạo trung bình. Hướng cơ cấu: chân đất thịt, thịt nặng, vùng sâu trũng, thâm canh.
Giống Syn 6: Diện tích 1.198,6 ha, năng suất: 55 - 65 tạ/ha, thời gian sinh trưởng 115 - 120 ngày; Ưu điểm: Đẻ nhánh khỏe, thân cứng, chống đỗ tốt, bông dài, hạt to, trỗ nhanh, chất lượng gạo khá; Nhược điểm: nhiễm nặng bệnh đạo ôn; Hướng cơ cấu: đất thịt, vùng sâu trũng, thâm canh,
Ngoài ra còn có một số giống nằm ngoài cơ cấu: Giống IR1820, KD18, KD ĐB, Xuân Mai 12, Nếp 97 và nhóm giống sản xuất thử: P376, Hoa ưu 109, DT 68, Gia Lộc 102, PD 211, Nam Định 5, BG 6 , TBR 45 , BTE1, CNR 02, ĐD8, C.ưu đa hệ số 1, PHB 71
Định hướng cơ cấu trong những năm tiếp theo.
Mục tiêu của sản xuất lúa hiện nay cũng như thời gian tới là: đạt hiệu quả kinh tế cao một cách bền vững, đảm bảo chất lượng nông sản và môi trường. Vì vậy, đối với vụ Xuân bố trí các giống có thời vụ né tránh thời tiết rét đậm, rét hại, rút ngắn thời gian tích lũy của dịch hại, khung thời vụ trổ an toàn, thu hoạch sớm không ảnh hưởng đến thời vụ Hè Thu, năng suất đạt cao, chất lượng tốt..; đối với sản xuất vụ Hè Thu phải thu hoạch sớm trước mùa mưa bão nhưng vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng. Như vậy, xu thế tất yếu trong cơ cấu giống phải là bộ giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, trong đó lúa lai là nhân tố quan trọng không thể thiếu góp phần làm tăng năng suất, sản lượng lương thực. Trước thực tiễn đó, định hướng cơ cấu bộ giống lúa vụ Xuân và Hè thu tại Hà Tĩnh như sau:
Vụ Xuân bỏ trà xuân sớm, giảm trà xuân trung, tăng trà xuân muộn (những giống có thời gian sinh trưởng dưới 140 ngày) tùy vào điều kiện của từng vùng, từng địa phương để lựa chọn các giống cơ cấu phù hợp.
Đối với vụ Hè thu qua theo dõi đánh giá nhiều năm, định hướng cơ cấu các giống chủ lực PC6, TH3 - 3, VTNA2 có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày bố trí vùng thâm canh chân đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, vùng vàn, vàn cao, kể cả vùng hè thu sớm chạy lụt; nhóm giống đặc thù XM12, KD 18 có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày bố trí vùng cát ven biển, ven đồi ở một số huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn,...; nhóm giống chất lượng HT1, Nếp 98, RVT và nhóm giống năng suất nhị ưu 838, syn 6 có thời gian sinh trưởng dưới 115 ngày bố trí các vùng thâm canh có diện tích lúa xuân thu hoạch trước 25/5.
Kỹ sư: Nguyễn Trí Hà- Chi cục Bảo vệ thực vật