Thực trạng công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh sau phân cấp

Năm 2007, Việt nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đó là cơ hội để chúng ta mở rộng thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ sâu rộng sang các nước khu vực và thế giới. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế trong thế giới toàn cầu hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước tăng lên. Sự biến động thị trường các nước sẽ tác động mạnh đến thị trường trong nước, tình trạng gian lận về thương mại trong đó gian lận về chất lượng hàng hóa diễn biến ngày càng phức tạp.
Đứng trước cơ hội thuận lợi nhưng cũng muôn vàn khó khăn đó, năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa trong đó quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các ngành, các cấp.
Tại Hà Tĩnh, hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa được cụ thể hóa tại quyết định số 13/2010/QĐ-UBND về quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các ngành các cấp trong quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đến nay, sau hơn 2 năm kể từ khi có quy định phân công phân cấp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa đã có những chuyển biến tích cực.
Trước hết phải nói đến là nhờ sự phân công, phân cấp quản lý rõ ràng nên công tác tham mưu ban hành văn bản, các biện pháp quản lý, các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh được các ngành xác định và chú trọng. Bên cạnh đó cơ quan đầu mối theo dõi công tác quản lý chất lượng trên địa bàn tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp tại Chi cục TCĐLCL) đã được định rõ; đầu mối quản lý chất lượng tại 12/12 huyện, thị xã, thành phố được giao cho phòng Kinh tế, phòng Kinh tế Hạ tầng; Tại một số Sở, ngành, đầu mối quản lý chất lượng cũng đã được phân công cụ thể nên việc theo dõi tình hình chất lượng trên địa bàn tỉnh để tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch về chất lượng sản phẩm hàng hóa có nhiều thuận lợi. Tiếp đó việc tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng được chú trọng và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Thông qua đó đã tổ chức xây dựng một số phong trào trong doanh nghiệp như: xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; áp dụng mã số mã vạch cho sản phẩm hàng hóa, đăng ký nhãn hiệu, công bố chất lượng …
Công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng được Lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp chú trọng. Hàng năm, tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra, phối hợp thanh kiểm tra. Thông qua hoạt động kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng gian lận về chất lượng đặc biệt không để xẩy ra tình trạng vi phạm chất lượng nghiệm trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, để đáp ứng với yêu cầu hội nhập công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa theo phân công phân cấp trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại bất cập như: Công tác quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập đòi hỏi tiềm lực rất lớn đặc biệt là về con người, tuy vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng hiện nay còn thiếu, cán bộ quản lý cấp huyện đang còn tình trạng kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực; một số đơn vị ở cấp Sở, ngành chưa nắm rõ việc phân công phân cấp quản lý, chưa phân công đầu mối theo dõi công tác quản lý thuộc ngành, lĩnh vực, việc theo dõi thực hiện công tác quản lý về chất lượng theo phân cấp chưa sâu sát; hệ thống văn bản quy chế phối hợp, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý chất lượng theo phân cấp tại một số bộ, ngành, chưa được xây dựng và ban hành kịp thời, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác quản lý chất lượng theo phân cấp cũng như công tác phối kết hợp quản lý. Một số lĩnh vực quản lý mặc dù đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng tại một số sở, ngành cấp tỉnh việc triển khai còn chậm, chưa đồng bộ. Tình trạng gian lận về chất lượng ngày càng tinh vi trong khi hệ thống trang thiết bị phục vụ quản lý còn thiếu trầm trọng. Con người thực hiện công tác quản lý tại một số lĩnh vực chưa được đào tạo chuyên sâu; công tác báo cáo định kỳ về chất lượng SPHH chưa đáp ứng yêu cầu, đang mang tính hình thức, đối phó, thậm chí có đơn vị không thực hiện báo cáo theo quy định, đã ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành cũng như xây dựng kế hoạch chung về công tác quản lý chất lượng.
Với những kết quả đạt được trong những năm qua song cũng không ít những tồn tại bất cập. Thiết nghĩ, việc phân công phân cấp quản lý nói riêng và công tác quản lý CLSPHH nói chung cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc. Trước mắt cần quan tâm bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý về CLSPHH tại các huyện; đầu tư kinh phí, nâng cấp các trang thiết bị; đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm để phục vụ công tác quản lý nhà nước, ...  và đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định của pháp luật về Chất lượng sản phẩm hàng hóa, đó là tự bảo vệ mình và bảo vệ người tiêu dùng./.

Trương Văn Dương - Chi cục TC-ĐL-CL