Trong những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 11,7%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp xây dựng 32,21%, Nông - lâm - ngư nghiệp 35,86%, Thương mại- dịch vụ 31,93%. GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 16 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp nhiều năm được mùa, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 5,64%, giá trị trên đơn vị diện tích đạt 50 triệu đồng/ha/năm. Hà Tĩnh đang triển khai quyết liệt và tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực gắn liền với hoạt động khoa học công nghệ, trong đó có công tác truyền thông khoa học và công nghệ.
Là một bộ phận trong chuổi hoạt động khoa học và công nghệ, trong thời gian qua, hoạt động thông tin KHCN Hà Tĩnh đã có những đóng góp tích cực trong việc chuyển tải, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng nguồn lực thông tin về KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thực tế, thông tin KHCN đã góp một phần quan trọng trong việc triển khai thành công các đề tài nghiên cứu, các dự án ứng dụng, sản xuất thử nghiệm trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhiều ngành như: Liên hiệp các Hội khoa học kỷ thuật, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Báo, Đài phát thanh truyền hình... đã và đang tiến hành những hoạt động thông tin KH&CN với các hình thức thông tin khá đa dạng và linh hoạt. Hệ thống truyền thông KH&CN đã và đang ngày càng hoạt động có hiệu quả, phục vụ đắc lực nhu cầu thông tin cho các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu, thực nghiệm và sản xuất, đời sống. Các tổ chức hoạt động truyền thông KH&CN không hoạt động đơn lẻ mà luôn có sự phối hợp, trao đổi thông tin tạo tính liên kết phong phú, đa dạng, thuận lợi cho nhu cầu khai thác và sử dụng thông tin.
Hình thức truyền thông
và sản phẩm thông tin KH&CN ngày càng được phát triển đa dạng, hiện đại, trực tiếp và kịp thời, được thực hiện trên các loại hình: Thông tin KH&CN bằng ấn phẩm, bao gồm: Tập san thông tin KH&CN định kỳ, Bản tin chuyên đề khoa học và công nghệ với nông nghiệp nông thôn, hướng dẫn kỹ thuật... Nội dung thông tin của các ấn phẩm phong phú, cụ thể hơn, nhiều chuyên mục gắn với thực tiễn sản xuất, đời sống của các địa phương trong tỉnh; Thông tin KH&CN qua phương tiện thông tin đại chúng: đã phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình tại địa phương nhằm chuyển tải những những thông tin về sáng tạo khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế gia đình, trang trại, các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, về các kỹ thuật nuôi - trồng - chế biến nông lâm thuỷ sản. Thông tin qua hình thức hội thảo, tập huấn kỹ thuật, trình diễn thực tế tại mô hình. Các phương thức truyền thông đã được sáng tạo dựa vào tập quán, lối sống của người dân địa phương để đem lại hiệu quả cao nhất phù hợp với từng văn hóa vùng miền.
Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong công tác truyền thông KH&CN của tỉnh đã được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng viễn thông cơ bản được đáp ứng, đến nay đường truyền tốc độ cao được kéo đến 100% điểm bưu điện văn hóa xã. Về trang tin điện tử, hầu hết các Sở, ngành, huyện, thị đều đã có, các trang thông tin phản ảnh nhanh chóng, kịp thời các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Tuy đã đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua nhưng công tác truyền thông KH&CN tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế:
- Tiềm lực thông tin KH&CN vẫn còn nhỏ bé, thiếu sự tập trung, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá phục vụ cho nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Về trang thiết bị, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về KH&CN còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về chất lượng. Đầu tư cho lĩnh vực KH&CN nói chung và thông tin KH&CN nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu.
- Thói quen và nhu cầu khai thác thông tin KH&CN của các tổ chức và cá nhân còn hạn chế, trình độ dân trí, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển chậm, thị trường KH&CN chưa hình thành, nên chưa tạo ra thế cạnh tranh trong nhân dân.
- Đội ngũ cán bộ thông tin KH&CN chuyên trách và cộng tác viên còn mỏng, thường xuyên biến động, chưa thực sự gắn bó với nghề. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác thông tin KH&CN chưa được chú trọng đúng mức.
- Các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về KH&CN còn thiếu sản phẩm hàm lượng chất xám cao. Nhiều thông tin KH&CN thiết thực phục vụ cho nhân dân, tuy có giá trị khoa học nhưng lại khó có khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất, các doanh nghiệp của tỉnh, chưa có nhiều tổ chức sản xuất bền vững, đặc biệt doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việc cập nhật, khai thác và sử dụng các trang thông tin điện tử hiệu quả chưa cao. Việc khai thác và tìm hiểu công nghệ trước khi triển khai dự án, chủ trương, ý định còn hạn chế.
Để công tác truyền thông KH&CN tỉnh Hà Tĩnh hoạt động có hiệu quả hơn, phục vụ đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tăng cường sự chỉ đạo, trao đổi, phối hợp, giúp đỡ về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất cũng như chuyên môn nghiệp vụ của Bộ KHCN, Cục Thông tin Quốc gia, Trung tâm nghiên cứu, phát triển Truyền thông KHCN và các đơn vị có liên quan về công tác này.
- Tập trung đầu tư xây dựng, chuyển giao CSDL toàn văn như:
CSDL về kinh tế - xã hội, CSDL về kết quả nghiên cứu đề tài - dự án, CSDL về tài liệu điều tra cơ bản, CSDL về công nghệ nông thôn, CSDL về báo cáo - thống kê KHCN trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường năng lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, các ngành liên quan như: Liên hiệp các Hội khoa học kỷ thuật, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Báo, Đài phát thanh truyền hình... cần nắm bắt nhu cầu thông tin kịp thời, có sản phẩm thường xuyên; kết hợp, lồng ghép hoạt động thông tin KHCN vào trong các chương trình, đề tài, dự án của ngành.
- Xây dựng mô hình điểm truy cập thông tin KH&CN ở các xã đỡ đầu xây dựng nông thôn mới,
phát triển mạng lưới thông tin KH&CN hoạt động trên quy mô toàn tỉnh.
Thường xuyên liên kết với đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị làm công tác truyền thông KH&CN xây dựng các chương trình truyền thông KHCN với nội dung và hình thức đổi mới.
- Bám sát vào các chương trình trọng điểm của tỉnh, tăng cường nội dung cũng như hình thức thông tin KH&CN phục vụ các chương trình lớn của tỉnh, nhất là chương trình xây dựng Nông thôn mới, các khu công nghiệp, khu tái định cư, khuyến nông - khuyến ngư…
Xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về thông tin KH&CN
. Trong đó, chú trọng các đề tài, dự án có tính chất mô hình, tổng kết thực tiễn, nhân rộng trên từng địa bàn, từng vùng sinh thái phù hợp. Phổ biến, phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.
- Hình thành và phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KHCN; Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và dữ liệu thông tin kết nối đơn vị, doanh nghiệp có cung, cầu về công nghệ và thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại trước khi quyết định đầu tư…
- Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý tài nguyên thông tin trong các cơ quan nhà nước; tiếp tục xây dựng và mở rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành chung của các cơ quan nhà nước.
- Tăng cường sự phối hợp, học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin truyền thông KHCN với vùng Bắc Trung bộ, các viện, trường, Bộ KHCN, các nước trong khu vực Lào, Thái Lan...
Nguyễn Đức Quang
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh