Asen (Thạch tín) và kim loại nặng là các nguyên tố vi lượng tồn tại tự nhiên trong môi trường, có thể thâm nhập vào môi trường bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó các hoạt động của con người đóng vai trò rất quan trọng. Khi thâm nhập vào môi trường chúng có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất trồng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu sử dụng nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm Asen trong thời gian dài có thể mắc các chứng bệnh nguy hiểm như: dạ dày, rối loạn chức năng gan, hội chứng đen da, ung thư da, .v.v..., thậm chí tử vong.
Ô nhiễm Asen trong đất và nước đã từng được phát hiện và nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới như ở châu thổ Bengal (Bangladesh và Tây Ấn Độ), Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Mêhicô, Inđônêxia... đặc biệt là vụ ô nhiễm Asen trong nước ngầm ở Bangladesh được coi là vụ ngộ độc Asen lớn nhất trong lịch sử loài người.
Ở nước ta, việc điều tra nghiên cứu Asen cũng được tiến hành thực hiện thăm dò trong một số đề tài nghiên cứu khoa học. Việc điều tra, nghiên cứu chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, …
Năm 2006, Hà Tĩnh là một trong 57 tỉnh, thành phố triển khai đề án “Giảm thiểu tác hại của Asen trong nguồn nước sinh hoạt tại Việt Nam” do Bộ TN-MT chủ trì. Giai đoạn 1 thực hiện từ tháng 1/2007 đến tháng 9/2007 trên 164 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố, thị xã; trong đó có 55 xã miền núi và 109 xã đồng bằng. Đoàn điều tra đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu phân tích tại hiện trường bằng bộ dụng cụ Asen Test Kit và phân tích trong phòng thí nghiệm trên mấy quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS với 3.535 mẫu nước của 3.220 nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt và ăn uống.
Giai đoạn 2 của đề án thực hiện từ tháng 12/2007 đến tháng 3/2008 trên 27 xã của 7 huyện. Đây là các xã có nguồn nước bị ô nhiễm Asen cao trong giai đoạn 1. Kết quả đã lấy mẫu phân tích 3.723 mẫu, trong đó có 2530 mẫu nước giếng khoan, 1.193 mẫu nước giếng đào. Kết quả phân tích cho thấy: có 3.048 mẫu nước có hàm lượng Asen< 0,01mg/l, chiếm 81,87%; 195 mẫu nước có hàm lượng Asen ≥ 0,01mg/l đến ≤ 0,025mg/l, chiếm 5,24%; 96 mẫu nước có hàm lượng Asen > 0,025mg/l đến < 0, 05 mg/l, chiếm 2,58%; 384 mẫu nước có hàm lượng Asen ≥ 0,05mg/l, chiếm 10,31%. So sánh với quy định của Bộ Y Tế cho thấy 10,31% mẫu nước được kiểm tra có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch; 18,13% mẫu nước được kiểm tra có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống. Các mẫu nước có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống chủ yếu là nguồn nước giếng khoan. Trong 1.783 giếng khoan được kiểm tra có 566 giếng hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống, chiếm 31,74%; 1.101 giếng đào được kiểm tra có 35 giếng có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống chiếm 3,18%. Tại các xã điều tra giai đoạn 2 tại 7 huyện của đề án đều có mẫu vượt tiêu chuẩn về hàm lượng Asen trong sinh hoạt và ăn uống theo quy định của Bộ Y Tế. Đức Thọ là huyện có nguồn nước giếng khoan chứa hàm lượng Asen cao và bị ô nhiễm nặng nhất. Đoàn điều tra đã tiến hành lấy 752 mẫu nước thô từ giếng khoan của 8 xã, kết quả phân tích có 249 mẫu nước hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống, chiếm 49,07%, đặc biệt tập trung vào các xã vùng ven sông La như : Đức Châu, Đức Quang, Đức Tùng, Đức La. Các xã có mức độ ô nhiễm Asen tương đối cao tại các huyện như Thạch Bằng (Lộc Hà), Sơn Bình, Sơn Mỹ (Hương Sơn), Xuân Thành (Nghi Xuân), Thạch Hải (Thạch Hà)...
Các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, nguồn nước giếng khoan và giếng đào có mức độ nhiễm Asen thấp. Tỷ lệ các mẫu nước thô có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống là 5,38% đối với Cẩm Xuyên và 6,57% đối với Kỳ Anh.
Kết quả Đề án “ Giảm thiểu tác hại của Asen trong nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam” đã thực hiện điều tra và đánh giá mức độ ô nhiễm Asen của 164 xã, phường thị trấn. Để tiếp tục đánh giá mức độ ô nhiễm Asen trên địa bàn toàn tỉnh một cách đầy đủ và toàn diện, năm 2009, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh đã thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm Asen và xây dựng mô hình xử lý Asen trong nguồn nước sinh hoạt”. Để thực hiện đề tài này, nhóm tác giá đã điều tra, khảo sát và lấy mẫu nước của 98 xã còn lại phân tích hàm lượng Asen.
Nhóm tác giả đã tiến hành lấy và phân tích hàm lượng Asen 3006 mẫu của 2808 nguồn nước, trong đó có 796 nguồn nước giếng khoan, 1970 giếng đào và 42 nguồn nước mạch lộ. Hiện trạng ô nhiễm Asen đối với từng loại nguồn nước được đánh giá như sau:
- Đối với giếng khoan: Kết quả phân tích cho thấy số giếng khoan có hàm lượng Asen vượt giá trị giới hạn không lớn. Trong số 796 mẫu được phân tích có 714 mẫu hàm lượng Asen < 0,01mg/l. chiếm 89,7%; 66 mẫu có hàm lượng Asen ≥ 0,01mg/l đến ≤ 0,025mg/l, chiếm 8,3%; 14 mẫu hàm lượng Asen > 0,025mg/l đến < 0,05mg/l, chiếm 1,7%; 2 mẫu hàm lượng Asen ≥ 0,05mg/l, chiếm 0,2%.
Như vậy, so với QCVN 01:2009/BYT- Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống ban hành theo Thông tư số 04/2009/TT- BYT ngày 17/6/2009, có 10,2% nguồn nước giếng khoan không đảm bảo về hàm lượng Asen trong ăn uống (≥ 0,01mg/l); 0,2% không đảm bảo về hàm lượng Asen trong sinh hoạt (≥ 0,05mg/l: QCVN 02:2009/BYT- Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt ban hành theo thông tư 05/2009/TT- BYT ngày 17/6/2009).
- Giếng đào: Trong 1970 mẫu của 1970 giếng đào được kiểm tra, có 1888 mẫu hàm lượng Asen < 0,01mg/l, chiếm 95,84%; 72 mẫu hàm lượng Asen ≥ 0,01mg/l đến ≤ 0,025mg/l, chiếm 3,65%; 9 mẫu hàm lượng Asen > 0,025mg/l đến < 0,05mg/l, chiếm 0,45%; 1 mẫu hàm lượng Asen ≥ 0,05mg/l, chiếm 0,06%.
Căn cứ vào QCVN 01: 2009/BYT và 02: 2009/BYT thì có 4,2 % nguồn nước giếng đào có hàm lượng Asen vượt giá trị giới hạn cho phép của nước ăn uống và 0,05% vượt giá trị cho phép của nước sinh hoạt.
- Đối với nước mạch mà mạch lộ: Phân tích 42 mẫu, có 41 mẫu hàm lượng Asen < 0,01mg/l, đảm bảo cho ăn uống; 1 mẫu hàm lượng Asen nằm trong khoảng 0,01mg/l- 0,025mg/l, không đảm bảo cho ăn uống nhưng vẫn đảm bảo cho sinh hoạt.
Qua thực hiện các chương trình điều tra, khảo sát hàm lượng Asen trong nguồn nước sinh hoạt, đánh giá hiện trạng ô nhiễm Asen tại Hà Tĩnh có kết luận như sau:
Nguồn nước giêng khoan bị nhiễm Asen cao hơn rất nhiều so với nguồn nước giếng đào; nguồn nước mặt, mạch lộ, hàm lượng Asen trong giới hạn cho phép, đảm bảo cho ăn uống và sinh hoạt.
Mức độ ô nhiễm Asen trong nguồn nước tại các khu vực như sau:
- 133 xã có nguồn nước với hàm lượng Asen nằm trong giới hạn cho phép, 102 xã phát hiện ít nhất 01 nguồn nước có hàm lượng Asen có nguy cơ ô nhiễm và 27 xã phát hiện có ít nhất 01 nguồn nước với hàm lượng Asen bị ô nhiễm. Trong đó các xã ven Sông La (Đức Thọ), một số xã ven sông Ngàn Phố (Hương Sơn) và các xã gần cửa sông của huyện Nghi Xuân có nguy cơ ô nhiễm Asen tương đối cao như Đức Vĩnh, Đức La, Đức Châu (Đức Thọ); Son Mỹ, Sơn Tân (Hương Sơn); Thạch Bằng (Lộc Hà); Xuân Thanh, Xuân Hội (Nghi Xuân); các xã thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang và các xã phía tây Hương Sơn có mức độ ô nhiễm rất thấp; các xã còn lại hàm lượng Asen trong nước ở mức độ thấp đến trung bình.
Rõ ràng, những nguồn nước bị ô nhiễm Asen hoặc có nguy cơ cao ô nhiễm Asen phải được xử lý để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt được an toàn. Xử lý nguồn nước sinh hoạt, ăn uống đảm bảo không bị ô nhiễm Asen có nhiều phương pháp, ở đây tác giả đã sử dụng kỹ thuật lọc hấp phụ dựa trên vật liệu lọc Fe(OH)
3
. Đây là vật liệu lọc hấp phụ mang tính truyền thống, được sử dụng nhiều trong xử lý nước sinh hoạt. Trên cơ sở vật liệu truyền thống Fe(OH)
3
, tác giả đã đưa thêm phụ gia, vật liệu lọc, nhằm tăng cường độ bền và kéo dài tuổi thọ của vật liệu. Vật liệu được sử dụng là: Sỏi, cát thô, gạch xốp, FeOOH, sắt dây, cát mịn, 2 bể chứa, (bể phản ứng và bể lọc tinh) hệ thống giàn phun mưa.
Với các loại vật liệu đơn giản, dễ kiếm, rẻ tiền, nhóm tác giả đã xây dựng 02 mô hình xử lý nước bị nhiễm Asen tại Đức Thọ và Hương Sơn. Để đánh giá hiệu quả của mô hình, tác giả đã lấy mẫu nước phân tích chất lượng trước và sau xử lý. Kết quả, nước sau khi xử lý, hàm lượng Asen và Sắt đều nằm trong giới hạn cho phép tại QCVN 01: 2009/BYT. Như vậy, mô hình xử lý nước nhiễm Asen đảm bảo cho ăn uống quy mô hộ gia đình đạt hiệu quả xử lý rất cao.
Kết quả nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm Asen và xây dựng mô hình xử lý Asen trong nguồn nước sinh hoạt” đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan hổ trợ kinh phí nhân rộng mô hình xử lý tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm Asen để hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của nhân dân ./.
Mỹ Hiền