Khu vực
nông thôn Hà Tĩnh có 235 xã, chiếm 89,7% số xã, phường với 80% dân số của cả tỉnh, do đó việc phát triển công nghiệp nông thôn phục vụ tiến trình xây dựng nông thôn mới đang là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần giúp cho nền kinh tế Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, tạo nền tảng để “
đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển”
như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã xác định.
Trong những năm qua ngành công nghiệp tỉnh nhà đã có bước phát triển nhanh, công nghiệp nông thôn đã đạt được một số kết quả góp phần xây dựng nông thôn mới:
- Về quy hoạch, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp: Đến nay toàn tỉnh có 13 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 410,57 ha, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 765,57 tỷ đồng; đồng thời đã đồng ý về chủ trương thành lập 4 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Thạch Vĩnh, cụm công nghiệp làng nghề Thạch Kim, Cụm công nghiệp Phù Việt và cụm công nghiệp - làng nghề Gia phố. Đã có 69 dự án đăng ký vào các cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư khoảng 1.263,34 tỷ đồng, trong đó có 54 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư là 278,24 tỷ đồng, 5 dự án đang trong quá trình san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng với tổng vốn đăng ký hơn 478 tỷ đồng, qua đó có thể nhận thấy việc quy hoạch, đầu tư và phát triển cụm công nghiệp là yếu tố quan trọng để sắp xếp lại sản xuất, ngành nghề ở khu vực nông thôn, khắc phục được các yếu tố về môi trường, thị trường nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ.
- Công tác quản lý điện nông thôn được tăng cường: Hệ thống lưới điện nông thôn đã và đang được củng cố, nâng cấp nhằm hạn chế tổn thất điện năng bằng các dự án đầu tư, nâng cấp của ngành điện cũng dự án năng lượng nông thôn II đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đưa số hộ dụng điện ở khu vực nông thôn lên 99,28%.
- Du nhập nghề mới và củng cố các nghề: T
rong những năm gần đây, sự phối hợp của chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã du nhập một số ngành nghề vào khu vực nông thôn như: mây tre đan, đan móc sợi, may bóng xuất khẩu, sản xuất bánh, bún ,…
- Để phát triển công nghiệp nông thôn, UBND tỉnh ban hành quỹ khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm hỗ trợ sau đầu tư đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương thông qua quỹ khuyến công quốc gia. Năm 2010 đã có 186/279 (chiếm 66,67%) dự án được hỗ trợ với tổng mức gần 9,5 tỷ đồng, trong đó từ quỹ khuyến công địa phương là 154 dự án với gần 4,3 tỷ đồng. Các dự án được hỗ trợ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, đào tạo nghề, phát triển cơ khí phục vụ nông thôn…
Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu:
“Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ”.
Để phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới thiết nghĩ cần phải có một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất,
xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề:
Trong thời gian tới, cần phải từng bước tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Muốn vậy, công tác quy hoạch nông thôn mới cần phải căn cứ vào quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt nhất là quy hoạch các cụm công nghiệp, làng nghề để đảm bảo chất lượng quy hoạch cũng như việc triển khai trong thực tế, tránh trường hợp nơi nào cũng có cụm công nghiệp, làng nghề…
Song song với đó là hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết như chính sách về thuê đất, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, quy định trách nhiệm của các ngành, địa phương trong quản lý, đầu tư phát triển để đảm bảo việc đầu tư trở thành động lực phát triển công nghiệp nông thôn.
Thứ hai,
việc đầu tư sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn thường gặp nhiều rủi ro, do vậy, cần có chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng tập trung ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ công nghiệp. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp với yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tập trung vào các ngành công nghiệp như cơ khí, hóa chất, điện nông thôn, các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, và phát triển nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến,…
Thứ ba,
tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa vào sản xuất, trước mặt là thực hiện tốt công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2. Song song với đó là tổ chức quản lý theo tư duy mới: chuyên môn hóa, tập trung hóa cao kết hợp với đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và ngành nghề ở nông thôn, huy động tối đa mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội theo chính sách phát triển nhiều thành phần. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 24/8/2006 của Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, kinh tế hộ nông thôn, kinh tế hợp tác, hợp tác xã hội…. theo phương châm “li nông bất ly hương”.
Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung trên cơ sở thực hiện phân công hóa lao động và chuyên môn hóa sản xuất, đồng thời phải tiêu thụ các loại nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm trong sản xuất. Tạo mối liên hệ giữa nông dân và các cơ sở sản xuất, giữa trồng trọt và chế biến trong các tổ chức hợp tác nhằm điều hòa lợi ích hợp lý giữa các phía, ưu đãi phát triển ở các vùng có điều kiện thuận lợi. Khuyến khích người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc cổ phần) với cơ sở sản xuất để phát triển bền vững.
Thứ tư,
phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp nông thôn.
Sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn có sự đóng góp của nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành nhưng người trực tiếp thực hiện và quyết định thành công chính là nông dân. Vì vậy cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm cho nông dân, nhất là đối với nông dân trong vùng dự án hoặc có đất chuyển đổi mục đích, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch để tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, cụ thể:
- Về tạo nguồn nhân lực tại chổ để phát triển công nghiệp nông thôn: Các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn cần phải cam kết và thực hiện tuyển dụng lao động tại chổ. Muốn vậy, lực lượng lao động cần phải phải đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, có khả năng tiếp thu có hiệu quả việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến; có thể lực, tác phong và nếp sông văn hóa công nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương.
Về đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn: Liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất ở nông thôn với các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn. Ưu tiên hỗ trợ các chương trình kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu, sát với thực tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực kỷ thuật theo đặt hàng, theo địa chỉ các cơ sở sản xuất ở nông thôn. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của công việc các cơ sở sản xuất có thể đào tạo nghề và truyền nghề ngay tại đơn vị, cơ sở sản xuất.
Thứ năm,
việc tiêu thụ hàng hóa nông sản là một trong những vấn đề hết sức quan trọng vì vậy căn cứ nhu cầu thị trường để xây dựng và phát triển các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như phải đảm bảo tính bền vững trên cơ sở nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản. Muốn vậy các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn cần quan tâm hơn đến vấn đề quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu các mặt hàng có lợi thế ở mỗi địa phương .
Thứ sáu,
ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào các ngành kinh tế nhằm làm tăng năng suất lao động, sản lượng, chất lượng và khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường. Vì vậy, khoa học, công nghệ là yếu tố không thể thiếu đối với quá trình sản xuất trong các cơ sở. Trong thời gian tới cần ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ vật liệu, công nghệ cơ khí…. phục vụ nông thôn và góp phần phát triển kinh tế.
Thứ bảy,
bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn: Đây là một trong những vấn đề bức xúc của người dân, nhất là ở các khu vực có các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề. Vì vậy, cần có cơ chế ưu tiên giảm thiểu môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn như hỗ trợ, di dời khỏi khu vực dân cư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, đầu tư các cụm công nghiệp, chuyển giao công nghệ, … đồng thời, sản xuất từng bước áp dụng công nghệ sạch hơn; ưu tiên vốn cho những ngành nghề sử dụng nguyên liệu tái chế, những ngành nghề dùng nguyên liệu tại chỗ, ít gây độc hại. Hỗ trợ các công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải. Nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời./.
Nguyễn Đức Hà - Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương