Theo Luật khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2000:
Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm
. Từ đó có thể thấy nội hàm của từ
công nghệ
rất rộng, bao quát tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp... đến dịch vụ. Trong mỗi lĩnh vực đó lại đi kèm với từng sản phẩm, ví dụ nông nghiệp thì có lúa, ngô, đậu, rau, củ, quả,... Trong mỗi sản phẩm thì có các nhóm công nghệ khác nhau, ví dụ với sản phẩm là lúa thì phải có công nghệ tạo giống, công nghệ chăm sóc, công nghệ thu hoạch, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến,... Cùng một nhóm công nghệ lại có thể có nhiều công nghệ, ví dụ chăm sóc lúa cũng có thể có nhiều công nghệ khác nhau. Vậy thì quản lý công nghệ (QLCN) là quản lý cái gì? quản lý như thế nào?
Ở đây có hai khái niệm hoàn toàn khác nhau là
QLCN
và
QLNNVCN
, có thể hiểu một cách đơn giản
QLCN
là quản lý để bản thân công nghệ ý sinh lợi nhuận (có thể về mặt kinh tế hoặc mặt xã hội) còn
QLNNVCN
là cơ quan quản lý nhà nước tổ chức các hoạt động, các chế tài nhằm phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; Ngăn chặn việc phổ biến các công nghệ gây hại cho sức khoẻ, phương hại đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng,... Phạm vi bài viết chỉ đề cập đến QLNNVCN.
Sự ra đời của Luật chuyển giao công nghệ (2006) và các văn bản hướng dẫn là công cụ, là “cái gậy” cho hoạt động QLNNVCN. Nhưng việc triển khai ở địa phương đang gặp rất nhiều lúng túng, tại các lớp Tập huấn về
Quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ và ứng dụng KH&CN ở địa phương
do Trường Quản lý KH&CN tổ chức, các học viên đều đã trao đổi rất sôi nổi khi bàn đến QLNNVCN, tất cả đều thừa nhận rằng cán bộ quản lý công nghệ ở các Sở gần như thừa vì không biết làm gì. Chia sẽ điều này, ông Đoàn Năng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Ở đây có hai nguyên nhân cơ bản là cán bộ QLCN chưa thật sự năng động và hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này chưa hoàn thiện, Vụ đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.
Tính đơn điệu trong QLNNVCN thể hiện ở chỗ là người sở hữu công nghệ (đối tượng quản lý) không bắt buộc khai báo với cơ quan nhà nước. Do đó nếu người có công nghệ khai báo thì cơ quan nhà nước quản lý, nếu không khai báo thì không thể quản lý! Điều đó dẫn tới việc QLNNVCN mỗi nơi làm một kiểu, nơi làm nhiều, nơi làm ít và có nơi không làm gì. Để kiểm chứng điều này chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhanh qua website sở KH&CN của một số tỉnh, thành phố và thấy rằng tất cả các Sở được khảo sát đều có phòng QLCN hoặc phòng có chức năng QLCN, nhưng thông tin về hoạt động QLCN thì rất ít. Các Sở lớn như Sở KH&CN Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng thì có thị trường công nghệ phong phú, thông tin về công nghệ nhiều nhưng các thông tin mang tính dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Hà Tĩnh là một tỉnh nhỏ, có điều kiện kinh tế - xã hội đang khó khăn, KH&CN chưa phát triển. Tuy nhiên mấy năm gần đây kinh tế - xã hội, KH&CN đã có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Hà Tĩnh đã thu hút được các dự án đầu tư rất lớn làm cho dòng chảy công nghệ cũng theo đó về, có thể trong đó có những công nghệ lạc hậu, công nghệ hạn chế hoặc cấm chuyển giao làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khoẻ con người, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh, cũng có thể có những công nghệ cần khuyến khích chuyển giao. Nhận thức được điều này lãnh đạo Sở KH&CN đã luôn đôn đốc, động viên cán bộ tìm mọi biện pháp triển khai việc QLNNVCN trên địa bàn một cách hiệu quả và đã giao cho Phòng Quản lý Công nghệ - Sở hữu trí tuệ (QLCN-SHTT) nhiệm vụ:
1. Quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, bao gồm: chuyển giao công nghệ và đánh giá, định giá, giám định công nghệ; Môi giới và tư vấn chuyển giao công nghệ; Thẩm định công nghệ các dự án đầu tư và thẩm định nội dung khoa học và công nghệ các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo thẩm quyền;
2. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và các hoạt động khác áp dụng vào sản xuất, kinh doanh;
3. Đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ đã ký thuộc thẩm quyền được phân cấp.
Đến nay các nhiệm vụ đó đều đã được thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều đó được giải thích với hai lý do chính:
- Thứ nhất là các hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư công nghệ trên địa bàn vẫn chưa rõ nét. Tức là công nghệ đang được chuyển giao nằm lẫn đâu đó trong thiết bị, người mua chưa tách bạch được là mua công nghệ hay mua thiết bị và những thiết bị chứa giá trị lớn về công nghệ thì chưa xuất hiện ở Hà Tĩnh, thị trường công nghệ chưa hình thành một cách rõ ràng, việc thẩm tra công nghệ các dự án lớn đều do Bộ KH&CN thực hiện. Đối tượng chịu sự quản lý chưa hiểu đúng QLNNVCN.
- Thứ hai là bản thân cán bộ QLNNVCN đang lúng túng chưa biết làm gì bởi về mặt quản lý các văn bản pháp quy chưa hoàn thiện: Luật chuyển giao công nghệ có từ năm 2006, đến 31/12/2008 mới có nghị định hướng dẫn (Nghị định 133) và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong chuyển giao công nghệ (Nghị định 49) lại mới có từ 21/5/2009, đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định 133. Còn về mặt đánh giá, định giá, môi giới, hỗ trợ, xác nhận,... là mang tính dịch vụ, do các tổ chức, cá nhân yêu cầu, nếu họ không yêu cầu thì cơ quan quản lý nhà nước không thể làm.
Hiện tại cán bộ làm công tác QLNNVCN đang thực hiện các công việc chính, như: Tham mưu cho lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành các văn bản cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển công nghệ; Góp ý xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan; Tham gia các hội đồng đánh giá, thẩm định khi được yêu cầu và một số công việc khác được giao.
Ngày 16/11/2009 Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một nguồn lực quan trọng để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân phát triển công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả trong QLNNVCN, với công cụ là các văn bản pháp quy hiện có, cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ, nhất là Luật chuyển giao công nghệ, Nghị định 133, Nghị định 49, Quyết định 33 đến các đối tượng quản lý để họ hiểu và tự nguyện đăng ký công nghệ, đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi cho QLNNVCN. Phải giải thích cho các đối tượng quản lý thấy rằng quản lý là để phát triển chứ không phải để kìm hãm sự phát triển; Thực hiện thống kê công nghệ thông qua việc kiểm tra công nghệ trên địa bàn để nắm bắt trình độ công nghệ, từ đó có hướng khuyến khích phát triển các công nghệ phù hợp với địa phương; Tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thấy được lợi ích công nghệ có thể mang lại. Từ đó tạo tiền đề cho phát triển thị trường công nghệ và các dịch vụ KH&CN, tuy nhiên thị trường công nghệ phải để tự nó phát triển và cần có thời gian để nó thích nghi; Tạo cơ chế kết hợp QLCN với quản lý khoa học để khuyến khích phát triển công nghệ trên cơ sở các đề tài nghiên cứu khoa học; Cán bộ làm công tác QLNNVCN phải chủ động học hỏi, tìm mô hình quản lý phù hợp để ứng dụng tại địa phương.
Nói đến công nghệ là nói đến một phạm vi rộng, mang tính trìu tượng cao vì thế làm dịch vụ công nghệ để phát triển thị trường công nghệ sẽ cần nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, cần phải có thời gian, chưa nên coi đó là trọng tâm vào lúc này. Tuy nhiên, QLNNVCN không phải là việc khó, hiện tại đang có những lúng túng nhất định là do hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, cán bộ QLNNVCN chưa có định hướng tốt để tham mưu cho lãnh đạo đưa ra các bước triển khai phù hợp với địa phương.
Để việc QLNNVCN đạt hiệu qủa cao thì ngoài nổ lực của bản thân cán bộ thực hiện còn phải có sự thống nhất của lãnh đạo các cấp bằng việc định hướng và xây dựng hệ thống văn bản pháp quy hoàn thiện hơn./.
Phan Công Trình
-
Phòng QLCN-SHTT, Sở KH&CN Hà Tĩnh