Hà Tĩnh xuất phát từ tỉnh nông nghiệp, thuần nông, sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Trong nông nghiệp nghề vườn tuy có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng chúng ta chưa phát triển tương xứng, còn bộc lộ sự thấp kém so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thực trạng chung của nghề vườn tỉnh ta là: Nông dân hào hứng muốn phát triển, có nhiều trăn trở suy tư muốn bứt phá vươn lên để thoát nghèo, cấp uỷ Đảng và chính quyền có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển VAC. Tuy vậy chúng ta còn thiếu những cơ sở đề xác định đúng thực trạng kinh tế - kỹ thuật VAC nên vấn đề quy hoạch, kế hoạch, định hướng và đầu tư cho phát triển VAC còn rất bị động, lúng túng, chắp vá thiếu tính bền vững.
Nhận thức được tính cấp thiết của công tác điều tra đánh giá thực trạng nghề vườn Hà Tĩnh để có các luận cứ khoa học cho việc đề xuất với tỉnh trong việc quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển VAC. Hội Làm vườn tỉnh được sự cho phép của Sở Khoa học công nghệ, sự phối hợp giúp đỡ của 1 số Sở, ban ngành đã tiến hành thực hiện đề tài: Đánh giá thực trạng kinh tế - kỹ thuật VAC tỉnh Hà Tĩnh và đề xuất giải pháp phát triển với mục tiêu chính là:
- Đánh giá đúng thực trạng kinh tế - kỹ thuật VAC của toàn tỉnh, của từng vùng sinh thái đặc trưng từ đó đưa ra các nhận định, các yêu cầu cụ thể để xây dựng giải pháp phát triển bền vững có hiệu quả.
- Điều tra, đánh giá các mô hình VAC tiêu biểu, các tiến bộ kỹ thuật thích ứng, có hiệu quả kinh tế cao, để xây dựng lộ trình nhân rộng. Đề xuất các giải pháp thiết yếu cho công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và hướng phát triển của VAC toàn tỉnh. Đề tài được thực hiện từ tháng 10 năm 2007 và kết thúc tháng 12 năm 2008 được Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
Một số kết quả trong phạm vi thực hiện đề tài:
1. Kết quả về đánh giá thực trạng kinh tế - kỹ thuật VAC: Đã đánh giá theo từng huyện, thị, thành trong toàn tỉnh, trong mỗi huyện do đặc thù vùng sinh thái có các điều tra kết luận riêng cho vùng. Từ kết quả điều tra đánh giá thực trạng từng huyện để có hướng đề xuất, hướng đi về phát triển VAC cho từng huyện, vùng cụ thể. Kế quả điều tra đã khẳng định Hà Tĩnh đang còn tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế vườn: Có 23.883 ha đất dành cho VAC, còn diện tích gồm ao hồ, mặt nước đất gò đồi trong số 63.615 ha đất chưa sử dụng có khả năng khai thác cho VAC.
2. Về thực trạng kinh tế VAC đã tổng hợp đánh giá chung toàn tỉnh kinh tế VAC đóng góp 36% trong tổng thu ngành nông nghiệp, tuỳ vào vùng dao động từ 20% đến 65%.
3. Về thực trạng kỹ thuật: Đã điều tra đánh giá các kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng, các kỹ thuật bản địa được tổng kết đúc rút thành quy trình để nhân rộng có hiệu quả. Từ kết quả đánh giá đi tới nhận xét: Trong nghề vườn hiện tại chỉ có thể phát huy hiệu quả khi có tác động các giải pháp kỹ thuật về giống cây, giống con, về kỹ thuật canh tác, nuôi dưỡng, về công tác tạo mẫu mã sản phẩm. Trong nông nghiệp Hà Tĩnh có một số giống cây, con đặc sản quý hiếm được xác định, kết hợp một số kinh nghiệm kỹ thuật do hộ dân tự nghiên cứu tìm tòi đã đạt kết quả tốt.
4. Từ thực trạng kinh tế kỹ thuật đã được điều tra đánh giá đề tài đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị với tỉnh để phát triển VAC tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể sau:
- Giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề vườn.
- Giải pháp về hỗ trợ kinh tế từ các chủ trương chính sách của Nhà nước để kích cầu phát triển VAC.
- Giải pháp về Khoa học công nghệ, xác định đây là giải pháp cơ bản, quan trọng nhất để phát triển VAC xây dựng cơ chế tuyển chọn, du nhập, ứng dụng KHCN vào nghề vườn.
- Giải pháp về công tác tổ chức để phát triển kinh tế VAC về tổ chức quản lý, điều hành, tư vấn dịch vụ và hợp tác.
- Giải pháp về tạo lập thị trường cho VAC: Bao gồm công tác KHCN tạo sản phẩm có phẩm chất, mẫu mã, có thương hiệu và mạng lưới, hệ thống thị trường cho VAC.
5. Cùng với việc đánh giá thực trạng đề xuất các giải pháp cho phát triển kinh tế - kỹ thuật VAC đề tài đã thực hiện một nội dung quan trọng nữa là: Điều tra, đánh giá, lựa chọn các mô hình VAC tiêu biểu, tìm ra nguyên nhân thành công, thất bại các loại mô hình phát hiện các nhân tố mới, các kỹ thuật tiến bộ có khả năng ứng dụng nhân rộng, tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế VAC.
Trong số hàng ngàn mô hình VAC được khảo sát đã tuyển chọn những mô hình tiêu biểu nhất: Có 53 mô hình VAC đây là những mô hình đạt tiêu chí: Cho thu nhập hiệu quả cao (từ 50-300 triệu đồng/năm/1 mô hình, trên 50 triệu đồng/1ha/năm).
Sử dụng lao động hợp lý, tiết kiệm, không gây ô nhiễm môi trường, có khả năng thích ứng và nhân rộng cho vùng, cho địa phương, tiêu biểu như mô hình vườn Cam chất lượng cao ở Cẩm Yên - Cẩm Xuyên; mô hình VAC tổng hợp tại vùng lúa Đức Thanh - Đức Thọ; mô hình VAC tổng hợp của hộ ông Hoàng Văn Trà xã Cổ Đạm – Nghi Xuân...
Từ thực trạng từ những phân tích đánh giá về phát triển VAC của tỉnh chúng tôi xin có các đề nghị:
- Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh nên có chủ trương đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế vườn, xác định được nghề vườn là một mũi chính trong chương trình thực hiện nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp nông thôn và nông dân.
- Tỉnh ta cần gấp rút xây dựng một quy hoạch cụ thể cho từng vùng, từng địa phương để thực hiện phát triển VAC theo hướng bền vững.
- Trong chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt trong nông nghiệp phát triển kinh tế vườn (VAC và VACR) cần được sự quan tâm chỉ đạo sát sao để đạt được kết quả tốt nhất tránh các bước đi trùng lặp, thiếu bền vững.
Nguyễn Trọng Cầm
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Hà Tĩnh