Sau 5 năm áp dụng, đề tài đã đem lại những kết quả khả quan trên nhiều mặt:
Trước hết, đề tài đã góp phần giúp cho cấp uỷ và chính quyền các cấp cũng như cán bộ quản lý giáo dục địa phương, phụ huynh thấy được sự cần thiết và tính hiệu quả của việc quy hoạch hợp lý hệ thống trường học các cấp ở từng địa phương, đặc biệt là cấp xã và cấp huyện. Dựa trên cơ sở khoa học đã được khẳng định, căn cứ vào thực tế của địa phương, hầu hết cấp uỷ và chính quyền các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường học của địa phương qua "đề án quy hoạch hệ thống trường học giai đoạn 2005 - 2015".
Thông qua việc phân tích một cách khoa học và khách quan về thực trạng của hệ thống trường học toàn tỉnh lúc bấy giờ và dự báo đúng nhu cầu học tập, yêu cầu cũng như xu thế phát triển của các ngành học, bậc học trong giai đoạn tiếp theo, đề án của các địa phương đã nhất quán về quan điểm quy hoạch nên quá trình sắp xếp lại hệ thống trường học được thực hiện một cách thống nhất, đảm bảo quy trình và tiến độ. Đặc biệt hệ thống giải pháp của đề tài đưa ra đảm bảo tính khách quan, đúng quy luật, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển nên đã được phần lớn các địa phương, các tầng lớp nhân dân, phụ huynh, học sinh đồng tình.
Những khó khăn, vướng mắc trước đây về việc bố trí trường THCS theo hướng "liên phường - xã" đã được giải toả nên quá trình hình thành trường THCS "liên phường - xã" đã diễn ra theo đúng quy hoạch.
Hiện nay, Hà Tĩnh có 274 trường mầm non; 309 trường tiểu học; 196 trường THCS, trong đó có 66 trường "liên phường - xã"; 45 trường THPT. Hầu hết các trường học đều được sắp xếp lại theo đúng tinh thần đề xuất của đề tài. Nếu so với trước đây, mỗi xã có một trường THCS thì toàn tỉnh phải có 262 trường THCS. Nhờ việc bố trí trường THCS "liên phường - xã", số trường THCS giảm dần, quy mô mỗi trường tăng lên đã giải quyết được hàng loạt khó khăn. Và theo quy hoạch thì đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ còn lại 150 trường THCS, trong đó có 112 trường THCS "liên phường - xã" và chỉ còn 38 trường THCS "đơn phường - xã".
Việc quy hoạch, bố trí trường học một cách hợp lý đã tạo được ưu thế rất lớn về nhiều mặt:
+ Việc bố trí giáo viên thuận lợi hơn, đảm bảo được tính đồng bộ, nhất là tránh được hiện tượng dạy chéo môn, sinh hoạt chéo môn; đảm bảo được tính công bằng, hợp lý, đúng người, đúng việc trong phân công lao động ở các tập thể sư phạm.
+ Việc đầu tư ngân sách tập trung và hiệu quả hơn, giảm bớt được sự đóng góp của nhân dân, trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị trường học.
+ Công tác quản lý, chỉ đạo giáo dục thuận lợi, tập trung hơn.
+ Học sinh được học trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn; đội ngũ giáo viên được tăng về số lượng, chất lượng, môi trường giáo dục, giảng dạy được cải thiện.
Học sinh trong độ tuổi được thu hút đến trường. Tính công bằng trong giáo dục được đảm bảo.
Những ưu thế trên đây góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, qua so sánh hiệu quả kinh tế được tính từ việc giảm các đầu mối không cần thiết mà đề tài chỉ ra đã tiết kiệm cho Nhà nước và nhân dân mỗi năm hàng chục tỉ đồng. Đây là nguồn tài chính đáng kể để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết bị trường học. Biểu hiện rõ nhất về tác dụng của đề tài là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trong thời gian gần đây, tốc độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở các địa phương phát triển mạnh. Năm 2005 toàn tỉnh có 291 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó mầm non có 30 trường, tiểu học có 222 trường, THCS có 39 trường, THPT chưa có trường nào. Nhưng năm 2008 toàn tỉnh đã có 465 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó mầm non có 79 trường, tiểu học 298 trường, THCS 81 trường, THPT có 7 trường; so với 2005 tăng 175 trường. Bình quân mỗi năm xây dựng được gần 60 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Tình trạng các lớp học tạm tại nhà kho hoặc trụ sở xã (phường) đã chấm dứt. Phần lớn học sinh được học trong các phòng học khang trang, kiên cố.
Cùng với những ưu thế về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, việc quy hoạch hệ thống trường lớp hợp lý đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hiện tượng lưu ban, bỏ học được ngăn chặn. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được cũng cố vững chắc; phổ cập giáo dục bậc trung học được chuyển biến tích cực. Đến năm 2008 đã có 75 phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc Trung học, số học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ hằng năm tăng nhanh. Năm 2008 có gần 9000 học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ (tăng gấp 2 lần so với năm 2005). Thành tích về học sinh giỏi quốc gia tiếp tục được cũng cố. Hà Tĩnh là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn, là đơn vị liên tục đạt danh hiệu thi đua xuất sắc được UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT và Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng.
Kết quả của sự phát triển giáo dục Hà Tĩnh được tổng hợp từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có sự đóng góp rất đáng kể của đề tài khoa học công nghệ "Nghiên cứu sắp xếp hợp lý hệ thống các trường Phổ thông, Mầm non Hà Tĩnh" Hiệu quả của đề tài một lần nữa khẳng định vai trò vị trí quan trọng của khoa học - công nghệ đối với thực tiễn, góp phần cùng với ngành giáo dục - đào tạo giải được bài toán khó là phải thoả mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả Giáo dục - Đào tạo trong điều kiện nguồn nhân lực rất hạn hẹp. Trong điều kiện như vậy, những gì chúng ta đã làm được vì sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là rất đáng trân trọng.
Nguyễn Khắc Hào
TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh