Nhận thấy tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản vùng Rào Mỹ Dương, thuộc xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân (thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt của tỉnh). Năm 2008, chị Nguyễn Thị Long, Thị trấn Nghi Xuân- Hà Tĩnh đã nhận đấu thầu 5ha đất hoang hoá để đầu tư phát triển trang trại nuôi cá nước ngọt kết hợp chăn nuôi.
Xác định yếu tố công trình nuôi là rất quan trọng nên ngay từ đầu chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các ao nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như: diện tích 0,5ha/ao, độ sâu 1,2 mét, có hệ thống cống, kênh cấp nước và lán trại bảo vệ đầy đủ. Công trình hoàn thành đầu năm 2009, và chị cho thả nuôi các loài cá truyền thống như cá mè, cá trôi, trắm, chép, rô phi. Với một số người thì đây là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế không cao, nhưng quan điểm, suy nghĩ của chị lại khác, vì các đối tượng này phù hợp với mô hình trang trại tổng hợp, có tính thích ứng với môi trường rộng, thả ghép được với nhau và cơ bản chúng đều dùng thức ăn tự nhiên, tận dụng tối đa nguồn thức ăn thừa từ chăn nuôi và an toàn cho môi trường. Chị đã đến Đức Thọ để thuê những nhân công có kinh nghiệm về nuôi trồng thuỷ sản về làm việc cho trang trại.
Qua 2 năm sản xuất, các loài cá nuôi của chị đã phát triển tốt, không bị dịch bệnh, mỗi năm cho thu hoạch 15-20 tấn cá thương phẩm, giá bán bình quân 20 ngàn đồng/kg; doanh thu đạt 300 - 400 triệu đồng/năm. Chị cho biết: nuôi cá kết hợp với nuôi vịt, lợn, cá tận dụng thức ăn tự nhiên là chủ yếu nên việc bổ sung thức ăn không đáng kể. Chi phí chủ yếu là tiền mua giống, tiền công bảo vệ, chi phí chỉ hết 50% . Như vậy trang trại của chị đã có lãi từ nuôi cá là 150 - 200 triệu đồng/năm, đồng thời đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập thường xuyên cho 4 lao động ở vùng nông thôn - có thể nói đây là điểm sáng trong nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt ở huyện Nghi Xuân. Mô hình của chị là động lực cho nhiều cá nhân, tổ chức tiếp tục đầu tư, khai thác mở rộng nuôi trồng thuỷ sản vùng Rào Mỹ Dương theo hướng tập trung.
Lương Sỹ Công - Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản