Việc lập ra các TTHTCÐ cấp làng, xã sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo số liệu điều tra gần đây của Tổng cục Thống kê thì trong số 25,4 triệu người lao động ở nông thôn chỉ mới có 5% được đào tạo. Trong ba năm (1993 - 1996) các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm tỉnh và huyện mới bồi dưỡng được 200 nghìn người lao động có kỹ thuật. Tính đến tháng 8-2008, toàn quốc có 9010/11000 xã (phường, thị trấn) có TTHTCÐ, đạt tỷ lệ 81,93%.
Hà Tĩnh, n
ăm 2008, Sở giáo dục đào tạo Hà Tĩnh thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh "Hệ thống TTHTCÐ, thực trạng và giải pháp" đã xây dựng thí điểm 3 mô hình TTHTCÐ tại 3 huyện Thạch Hà (xã Thạch Bằng), Kỳ Anh (xã Kỳ Tiến), và Hương Sơn (xã Sơn Châu), tổ chức nói chuyện về xã hội học tập cho cán bộ chủ chốt các huyện, công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể từ Sở, phòng GD&ĐT với các cơ sở; đề xuất một số giải pháp để củng cố, phát triển hệ thống TTHTCĐ Hà Tĩnh. Nhưng đến nay 262/262 số xã, phường, thị trấn của tỉnh có TTHTCÐ. Các trung tâm này bước đầu đã giúp nông dân "cần câu" xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh. Các TTHTCÐ đã hoạt động rất hiệu quả. Trước hết đây là nơi học tập lý tưởng, là công cụ có hiệu quả trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân, tiến tới hình thành một xã hội học tập, nhất là những người có nhiều thiệt thòi như: phụ nữ, trẻ em gái, người nghèo, vùng sâu, vùng xa... Tiếp đến vai trò của TTHTCÐ trong việc giúp các ban, ngành, đoàn thể thực hiện các chương trình hoạt động tại cộng đồng cũng được đánh giá cao. TTHTCÐ mặc dù mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng đã tỏ ra có tác dụng lớn trong việc duy trì vốn văn hóa địa phương, giúp thay đổi đời sống tinh thần ở các làng, xã. Vai trò của TTHTCÐ đối với việc giúp người dân tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống cũng đã bước đầu được khẳng định. TTHTCÐ trong tỉnh không chỉ có vai trò giúp mọi người dân được học tập thường xuyên mà còn trang bị kiến thức nhiều mặt, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng.
Tuy là mô hình mới và hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm, nhưng
TTHTCÐ đã mang lại kết quả khả quan, biểu hiện trên nhiều mặt, nội dung chuyên đề học tập ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực; số người tham gia ngày càng đông, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Năm 2008 toàn tỉnh mở được 3.216 lượt chuyên đề, thu hút gần 450.000 lượt người tham dự. Trong đó: nhóm chuyển giao khoa học kỷ thuật 902 lượt chuyên đề gần 150.000 lượt học viên tham dự; nhóm thông tin thời sự, chính sách, pháp luật 1164 lượt chuyên đề với hơn 170.000 người tham dự; nhóm nâng cao chất lượng cuộc sống (văn hóa, TDTT, sức khỏe, môi trường, ...) 744 lượt chuyên đề với hơn 90.000 học viên tham gia, ...
Đến nay 100% số xã của Hà Tĩnh đã có TTHTCĐ, đạt những kết quả trên do có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo xây dựng xã hội học tập ở địa phương mình, nhiều huyện đã bố trí cơ sở vật chất, nhân sự và hỗ trợ kinh phí cho TTHTCĐ hoạt động
Hoạt động của TTHTCĐ phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức, đơn vị và cá nhân trên địa bàn. Phải có sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể để TTHTCĐ tổ chức các lớp chuyên đề nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và ổn định an ninh quốc phòng của tỉnh nhà./.
Hà Đăng