Trường đại học Hà Tĩnh chú trọng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Trường Đại học Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 318/QĐ – TTg ngày 19 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, là trường công lập, đa cấp, đa ngành trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại trường có 25 đơn vị trực thuộc gồm: 07 khoa; 02 bộ môn trực thuộc; 11 phòng, ban; 05 trung tâm.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (NCKH) được nhà trường hết sức quan tâm, thực hiện đúng định hướng và đạt được những kết quả nhất định.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kế hoạch hằng năm của tỉnh Hà Tĩnh và Kế hoạch của nhà trường về NCKH từng năm học, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế phối hợp và hướng dẫn các đơn vị và cá nhân xây dựng kế hoạch NCKH trình Hiệu trưởng xét duyệt để triển khai thực hiện, đưa công tác NCKH trở thành nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết chặt chẽ với công tác đào tạo.
Năm học 2011-2012, hoạt động NCKH của Trường Đại học Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đã thực hiện được: 7 đề tài cấp trường; 57 đề tài cấp khoa; 3 sáng kiến kinh nghiệm, có 51 bài báo đăng Thông báo khoa học; gần 20 bài báo đăng ở các Tạp chí khoa học trong và ngoài nước; tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa với 31 báo cáo; 01 Hội thảo cấp Trường với 37 bài viết thu hút được rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia; tổ chức thành công 01 Hội nghị sinh viên NCKH cấp trường với 8 công trình được chọn báo cáo tại Hội nghị SV nghiên cứu khoa học lần thứ 2 -2012 và 03 công trình được chọn dự thi giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012”; 02 công trình dự thi “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” lần thứ 3 của tỉnh Hà Tĩnh... Hoạt động NCKH của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh đã được phát huy tốt và đi vào nề nếp. Hàng năm, bên cạnh việc cử các đoàn sinh viên đi tham gia các kỳ thi Olimpic Toán, Lí, Hoá, các cuộc thi thể thao… nhà trường đã tạo điều kiện cho các sinh viên có công trình nghiên cứu đạt kết quả tốt đi dự Hội nghị Sinh viên NCKH toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mà trường đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong lĩnh vực hoạt động nghiên cứu Khoa học đã, đang được nhà trường khắc phục, chỉnh đốn.
Mặc dù chưa có nhiều công trình nghiên cứu ở cấp Bộ, cấp Tỉnh, nhưng kết quả đã nêu trên cũng khẳng định vai trò tổ chức và quản lý, chỉ đạo, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm cao của giảng viên, sinh viên nhà trường. Tuy nhiên, NCKH của nhà trường trong những năm học qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như: Đội ngũ làm công tác nghiên cứu chủ chốt, có học hàm, học vị cao trong các ngành chuyên môn còn thiếu; năng lực và trình độ nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ của giảng viên còn hạn chế. Việc tham gia viết báo khoa học và báo cáo tại Hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước thường chỉ tập trung vào một bộ phận giảng viên. Kinh phí còn nhiều khó khăn; trang thiết bị cho hoạt động NCKH còn thiếu và chưa đồng bộ; việc sử dụng trang thiết bị trong nghiên cứu của giảng viên hạn chế. Hiệu quả hoạt động NCKH chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng luận cứ khoa học làm cơ sở lí luận cho các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; tính ứng dụng vào thực tiễn của các đề tài chưa cao. Số lượng đề tài được nghiệm thu ở các cấp khá lớn, nhưng đa phần nhỏ lẻ, chưa giải quyết được những vấn đề khoa học lớn đang đặt ra. Giảng viên phải dạy vượt giờ quá lớn so với định mức, thời gian đầu tư cho NCKH không nhiều; chưa có cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho NCKH; chưa kết nối được với các doanh nghiệp trong việc NCKH nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến khoa học, công nghệ mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn cần tháo gỡ.
Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động NCKH, nâng cao chất lượng đề tài NCKH, kết nối với các doanh nghiệp, để các đề tài nghiên cứu gắn với ứng dụng; mở rộng phạm vi hợp tác NCKH với các trường Đại học của các nước thuộc tiểu vùng Sông Mê Kông, đặc biệt là các trường Đại học đã ký kết Biên bản ghi nhớ và Thoả thuận hợp tác; tăng cường tìm kiếm các dự án, đề tài trọng điểm cấp Bộ, cấp nhà nước, đề tài phi chính phủ... nhằm nâng cao chất lượng NCKH và phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên. NCKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được nhà trường đặt ra, tin rằng, trong thời gian tới sẽ được sự quan tâm giúp đỡ hơn nữa từ UBND Tỉnh, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học - Công nghệ và các sở ban ngành liên quan, để Trường vượt qua khó khăn hướng đến phát triển tiềm năng khoa học nhằm đưa Trường Đại học Hà Tĩnh còn non trẻ sớm trở thành trung tâm NCKH xứng tầm với các trường Đại học trong nước và khu vực./.
Trường Đại học Hà Tĩnh