Từ “khai dân trí” của phan châu trinh đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển Hà Tĩnh bền vững trong bối cảnh hội nhập

1. “Khai dân trí” – Một trong những tư tưởng nổi bật của chí sĩ yêu nước nhiệt thành Phan Châu Trinh
Khai dân trí của Phan Châu Trinh là: một mặt, chống lối học tầm chương trích cú cũng như khoa cử Nho giáo, nay mạnh truyền bá quốc ngữ, mở trường dạy học những kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa và qua văn thơ báo chí, tuyên truyền… phổ biến trong đại chúng tư tưởng tư sản dân chủ. Muốn khai thông dân trí, giành độc lập cho dân tộc, ông chủ trương cải cách bằng việc mở các trường học, đem thực tài mà giảng dạy, dùng các hình thức thơ ca, sách vở, báo chí diễn thuyết để mở mang trí khôn và thức tỉnh lòng người.
Về mặt nhân sinh , Phan Châu Trinh cho rằng hạnh phúc của con người là sự thắng được người khác, thống khổ nhất là thua người khác, do đó phải có tư tưởng cạnh tranh. Về mặt xã hội , ông nghiêm khắc chỉ trích chủ nghĩa gia đình và những phong tục cổ hủ. Ông cho rằng chủ nghĩa gia đình là cái động lực ngăn trở sự tiến hóa, bao nhiêu thói hư tật xấu là do trong gia đình mà ra, vì thế muốn chấn chỉnh xã hội thì trước hết phải phá bỏ mọi sự ràng buộc con người bởi những quyền uy của gia trưởng
Muốn cứu dân tộc, không còn con đường nào khác là phải đuổi kịp về mặt tri thức đối với các dân tộc khác, đưa dân tộc lên ngang tầm thời đại với các dân tộc khác. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể cùng sinh tồn và cạnh tranh với họ. Phan Châu Trinh đã thấy được rất xa là phát triển dân tộc quan trọng không kém độc lập dân tộc.
Phong trào Duy Tân chủ trương chấn hưng cổ học, tăng cường việc học thực nghiệm, nhất là đề cao chữ quốc ngữ.
Để mở mang dân trí, phải tiến hành học thực dụng cốt để phục vụ cuộc sống dân sinh chứ không phải là học thơ văn, phù phiếm của người xưa. Ông kêu gọi mọi người phát triển hội nghề nghiệp nhằm phát triển kinh tế. Còn học thuật, ông quan niệm cần phải đổi mới về nội dung, phương pháp, đặc biệt là chú trọng phát triển khoa học, kỹ thuật.
Phương châm của Phan Châu Trinh là học để lấy kiến thức, không phải học để thi. Vì vậy, Phan Châu Trinh chủ trương dạy những môn học ứng dụng, các khoa học địa lý, toán học… và cả những môn thể dục, vệ sinh nhằm giúp thân thể khỏe mạnh. Phan Châu Trinh cũng đã giải thích về thực nghiệp rất cụ thể và rõ ràng: Nông nghiệp và công nghiệp làm ra sản vật, sản vật càng nhiều càng tốt. Chức nghiệp cũng không hạn chế. Thương nghiệp tuy không làm ra phẩm vật, nhưng lại làm cho phẩm vật do công nghiệp, nông nghiệp làm ra được lưu thông, không ứ đọng. Do đó, nông, công, thương đều là thực nghiệp, làm giàu nước. Thực nghiệp càng phát triển nước càng giàu. Như vậy, thực nghiệp chính là những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Cũng theo cụ Phan, nhà trường nên kết hợp việc giảng dạy lý thuyết với các hoạt động kinh doanh, nông nghiệp, thủ công nghiệp và cả khai mỏ. Vừa dạy cho học trò những bài học thiết thực về học nghề, luôn gắn liền với việc học chữ với việc học nghề.
Có thể nói rằng, những vấn đề mà “Khai dân trí” nêu ra và cơ bản đã giải quyết có ý nghĩa thời sự đến tận ngày hôm nay. Trước hết, nó thể hiện ở mục đích của nền giáo dục là phải tạo nên những con người quốc dân mạnh mẽ, biết tự chủ, tự lập và tự cường. Thứ hai, nó thể hiện ở phương thức giáo dục, đó chính là khơi gợi khả năng tư duy của người dạy và người học, tạo sự chủ động tiếp thu khác hẳn với truyền thống giáo dục thụ động của chúng ta. Ngày nay, chúng ta không chỉ đơn thuần đánh giá trình độ dân trí qua phổ cập giáo dục hay thậm chí số lượng những người có học vị, học hàm… mà là ở chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, mục đích và mẫu người đào tạo của một nền giáo dục hiện đại là xây dựng những con người có nhân cách hài hòa và toàn diện, có khả năng tự chủ và làm việc độc lập, đồng thời cũng biết cộng tác với những người khác trong môi trường mới, có như vậy mới đáp ứng điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay.
2. Hà Tĩnh với việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Từ tư tưởng về phát triển giáo dục, “khai dân trí” thông qua con đường thực dạy, thực học, thực nghiệp của Phan Châu Trinh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa lớn đối với vấn đề dân trí, nhân lực, nhân tài, về vai trò của giáo dục đối với nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Giai đoạn hiện nay, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực đang trở thành một vấn đề cấp bách, nhất là yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh và trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Liên tục trong nhiều năm gần đây, giáo dục & đào tạo Hà Tĩnh đạt thành tích cao và phát triển vững chắc, tạo tiền đề quan trọng về học vấn phổ thông, nhân cách, lý tưởng sống, niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thập niên vừa qua (từ năm 2001 đến năm 2010), Hà Tĩnh đã đạt những thành tích đáng kể trong đào tạo nguồn nhân lực:
Toàn tỉnh có 64154 học sinh  trúng tuyển đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 31,40 % học sinh tốt nghiệp (cao hơn bình quân chung cả nước hơn 11 %), trong đó có 368 em là Học sinh giỏi Quốc gia (1 em tham dự và đạt Huy chương bạc Toán quốc tế, 2 giải Nhất,  43 giải Nhì, 150 giải Ba). Học sinh Hà Tĩnh theo học nhiều ngành nghề khác nhau trong thị trường lao động: từ Kinh tế, Thương mại, Dịch vụ đến Khoa học cơ bản, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Viễn thông, Tự động hoá.... .        Trong 10 năm qua đã có 19822 người theo học ở 25 mã ngành trung cấp chuyên nghiệp (Nông, Lâm nghiệp, Y tế, Văn hoá nghệ thuật, tài chính, sư phạm…), đào tạo nghề cho hơn 210.000 lao động là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp nghề xấp xỉ 30.000 người.
Nhận thức rõ vai trò của nhân lực lao động kỹ thuật, ngày 20 tháng 3 năm 2006, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/2006/QĐ-UBND bổ sung nhiệm vụ dạy Bổ túc văn hoá THPT kết hợp đào tạo nghề cho các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp. Sau 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã mở hàng trăm lớp với hơn 4700 học viên Bổ túc THPT đồng thời liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp pháp đào tạo nghề trình độ trung cấp cho các em, gồm các nghề: Cơ khí Hàn, Gò, Điện dân dụng, Điện Công nghiệp, May dân dụng, May Công nghiệp, Kỹ thuật lái máy công trình, Tin học, Kế toán…. Sau 3 năm học, các em có 2 văn bàng: Bằng tốt nghiệp Bổ túc THPT và Bằng Trung cấp nghề. Đến nay đã có 1300 em được đào tạo đã tốt nghiệp theo mô hình này. Hầu hết các em đều có việc làm, thu nhập ổn định.
Trường Đại học Hà Tĩnh thành lập năm 2007, đến nay đã và đang đào tạo hơn 40 mã ngành từ trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học đến sau đại học, với gần 6000 sinh viên, quy mô phát triển giai đoạn 2015-2020 là 15.000 đến 20.000 sinh viên. Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh được nâng cấp từ Trường Trung cấp Y tế Hà Tĩnh năm 2006, hiện đang có 1517 sinh viên, theo học từ trình độ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng các ngành Y, Dược, ... Các cơ sở đào tạo này đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên toàn quốc.
3. Những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Hà Tĩnh hiện nay
Xuất phát từ nhận thức: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Để làm được điều này, theo chúng tôi thì cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiến hành đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý giáo dục. T hực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội : "đào tạo cái mình có" sang "đào tạo cái mà xã hội cần" ; thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.
Thứ hai, kết hợp tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo cán bộ quản lý giáo dục. Chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định tới hiệu quả của đổi mới giáo dục và có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển cộng đồng; chất lượng quản lý quyết định tới chất lượng đào tạo trong các nhà trường.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách trong các khâu tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đãi ngộ, tạo điều kiện cho việc ổn định, thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, nên có chính sách cụ thể khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục theo hướng song phương, đa phương, đa dạng hóa, đẩy mạnh liên kết đào tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, thu hút và phát huy sự đóng góp của các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài với hướng tiên quyết là cần xác định rõ lại mục tiêu hợp tác quốc tế về giáo dục và coi đó như một tiêu chí, thước đo về chất lượng, thương hiệu của cơ sở đào tạo.
Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để tăng cường xây dựng trường, lớp, đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, gắn với thực tiễn, thực hành nhiều hơn.
4. KẾT LUẬN
Như vậy, tư tưởng về phát triển giáo dục, “khai dân trí” thông qua con đường thực dạy, thực học, thực nghiệp của Phan Châu Trinh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa lớn đối với vấn đề dân trí, nhân lực, nhân tài, về vai trò của giáo dục đối với nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
ThS. Trần Mai Ước

Trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh