Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã: Tìm mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp

“Hợp tác xã” trong “Đường kách mệnh” là tác phẩm lý luận điển hình, mẫu mực về hợp tác xã (HTX), là biểu hiện sinh động của sự gặp gỡ giữa văn minh phương Đông nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng và phương Tây, từ đó tạo ra Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút lý luận và kinh nghiệm hợp tác xã của thế giới, điển hình là Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật. Quan niệm của Hồ Chí Minh về HTX lúc đó rất đúng với nhận thức của quốc tế, trước hết là Liên minh HTX quốc tế, Tổ chức Lao động thế giới và các nước hiện nay về HTX, về bản chất, giá trị và nguyên tắc, cách thức tổ chức HTX.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày các quan niệm về HTX một cách hệ thống, với ngôn ngữ dung dị, dễ hiểu, và đặc biệt rất ngắn gọn, ai đọc cũng có thể hiểu được. Giải thích về bản chất hợp tác xã, Người viết:
Hạt nhân, trung tâm của HTX là xã viên; xã viên hợp tác với nhau để có lợi ích thiết thực và vẫn duy trì tính độc lập của mình; xã viên là chủ đích thực của hợp tác xã, là mục tiêu mà HTX phải phục vụ; HTX là phương tiện để phục vụ xã viên, phải đảm bảo đem lại lợi ích cho xã viên- thực là “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ“.
Để trả lời câu hỏi “tại sao người ta cần phải tham gia hợp tác xã”, Bác Hồ đã đưa ra một ví dụ cụ thể chứng minh, theo đó: người sản xuất, nhất là nông dân được chia sẻ lợi ích phát sinh cả trong quá trình trao đổi, tiêu thụ sản phẩm, tạo tiết kiệm cho xã hội thông qua giảm chi phí trung gian, tạo lợi ích cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua giá rẻ. Bác viết: Nhà buôn kiếm được lời là vì người làm ra đồ và người dùng đồ, người mua và người bán cách xa nhau, phải nhờ nhà buôn đứng giữa, nó đã ǎn lời khi mua, lại ǎn lời khi bán. Thí dụ: Ngoài Bắc là xứ trồng chè, trong Nam là hay uống chè. Nhưng dân Bắc không đem vào Nam bán, dân Nam không ra tới Bắc mua.
Mấy nhà có chè đem bán cho A. hàng chè trong tổng; A đem bán lại cho B, buôn chè trong phủ, ǎn lời một lần. B lại đem bán cho phố C ở tỉnh, ǎn lời hai lần. C bán cho công ty Đ Hà Nội, ǎn lời ba lần. Công ty Đ bán cho công ty E Sài Gòn, ǎn lời bốn lần.Công ty E lại bán cho nhà buôn F các tỉnh, ǎn lời nǎm lần, Nhà buôn F bán sỉ cho phố G các phủ, ǎn lời sáu lần, G bán lẻ cho H, ǎn lời bảy lần. H bán lẻ cho người uống, ǎn lời tám lần.
Thế là người làm ra chè thua thiệt, người uống chè cũng thua thiệt. Nếu có HTX thì tránh khỏi những điều ấy.
Hợp tác xã là thể chế HTX viên đơn lẻ thành số đông, từ đó tạo thành sức mạnh mà nhu cầu và lợi ích chung, trước hết là lợi ích kinh tế là sợi dây gắn kết xã viên; xã viên tham gia HTX càng động lợi ích đem lại cho xã viên càng lớn, tạo mục đích kép: từng xã viên khá hơn và cộng đồng đoàn kết hơn„.
“... Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. ấy là hợp tác. Lại thí dụ 10 người muốn ǎn cơm, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ǎn riêng; ǎn rồi ai nấy dọn dẹp riêng của người nấy, thế thì mất biết bao nhiêu củi, nước, công phu và thì giờ. Hợp tác xã là "góp gạo thổi cơm chung" cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ..."
Bác nhấn mạnh, HTX phải mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên, người không tham gia HTX không được hưởng lợi, có như vậy mới tạo sự hấp dẫn của HTX đối với nhân dân. Mặt khác, Bác đề cao tính bình đẳng của xã viên HTX khi đã là xã viên hợp tác xã: “Hợp tác xã chỉ có hội viên mới được hưởng lợi, chì có hội viên mới có quyền, nhưng những việc kỹ thuật như tính toán, xem hàng hoá, cầm máy, vv., thì có phép mướn người ngoài.
Đã vào hội thì bất kỳ góp nhiều góp ít, vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau.
Hợp tác xã phải tôn trọng nguyên tắc tự giác, tự nguyện và tính hiệu quả; tránh việc cạnh tranh không cần thiết giữa các HTX trên cùng địa bàn và chú trọng sự liên kết giữa các hợp tác xã. Là nhà tổ chức thiên tài cách mạng Việt nam, Bác Hồ đã rất chú ý cách thức tổ chức hợp tác xã, đặc biệt là sự hợp tác- liên kết của các hợp tác xã. Bác chỉ rõ: “Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có HTX này thì không lập được HTX kia. Chẳng qua theo hoàn cảnh nơi nào lập được HTX nào, và có khi hai HTX - mua và bán - lập chung cũng được.
Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các HTX ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai HTX tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một HTX mua và một HTX bán.”
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII đã bước đầu đề ra mô hình HTX tiêu dùng theo chuẩn mực quốc tế (Xã viên vừa là đồng sở hữu vừa đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX). Cụ thể: ở nông thôn, trên cơ sở tăng cường vai trò đơn vị kinh tế tự chủ của hộ xã viên, các HTX hướng hoạt động vào những khâu và lĩnh vực mà hộ xã· viên không có điều kiện tự làm hoặc làm kém hiệu quả hơn kinh doanh tập thể. Trong nông nghiệp, trên cơ sở phát huy tính tự chủ của hộ gia đình, chú trọng phát triển các hình thức hợp tác và HTX cung cấp dịch vụ, vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho kinh tế hộ gia đình và trang trại“. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được thể chế hoá trong Luật Hợp tác xã năm 1996 và Luật Hợp tác xã năm 2003.
Ngày nay, ở một số nước như: Đan Mạch, Hà Lan, Na uy- là những nước có khu vực HTX mạnh và có phong trào HTX từ lâu và khá sớm trên thế giới, nhưng vẫn chưa có Luật về hợp tác xã. Ngay ở nước ta, mặc dù khung pháp luật chưa đầy đủ, tổ hợp tác mà bản chất là HTX, trong những năm gần đây, vẫn phát triển rất mạnh mẽ.
Thực tế này cho thấy, khi tư tưởng về HTX thấm sâu vào xã hội, nhân dân và các tổ chức, khi đó nó trở thành sức mạnh vật chất đẩy phong trào HTX lên, ngay cả khi chưa có đầy đủ khung pháp luật về hợp tác xã.
Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX có nghĩa là nghiên cứu, học tập tinh hoa thế giới vào sự nghiệp phát triển đất nước, là tiếp tục hoàn thiện và thực hiện một cách thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội, sớm sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn./.

Theo: vovnews.vn