Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, di sản vô giá Bác Hồ để lại cho Đảng và nhân dân ta, bao gồm những nội dung chủ yếu về mục đích kinh tế, về vị trí, vai trò của nông nghiệp, về nền kinh tế nhiều thành phần... Đó là những quan điểm của Người về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Bản chất đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được thể hiện tập trung ở mục tiêu của nó là nâng cao đời sống nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm sao cho dân ăn no, mặc ấm, được học hành, chữa bệnh, giải trí...
Ngày 24-4-1956, trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ 9 (mở rộng) của BCHTU Đảng Lao động Việt Nam, Người căn dặn: "Phải luôn luôn nhớ rằng: điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân..."(1) Đó là mục đích kinh tế, là nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ, đồng thời là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa cách mạng của đường lối, chính sách và biện pháp kinh tế. Người nhấn mạnh: "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được." (2)
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ..."(3)
Rõ ràng, Người lấy mục đích nâng cao đời sống cho nhân dân làm trung tâm chi phối mọi hoạt động kinh tế của Đảng và Chính phủ.
Trong tư duy của Người, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta, cũng như đối với việc nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong Thư gủi điền chủ nông gia Việt Nam, ngày 19-4-1946, Người đã viết: "Việt Nam là nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh" (4)
Vào những năm đất nước bước vào giai đoạn chuẩn bị cho nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch dài hạn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, Người khẳng định: "Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung, phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính: (5)
Trong Bài nói với cán bộ ở Trung ương về tham gia cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, Người nói: "Có gì sung sướng bằng được góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển nông nghiệp, nền tảng để phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa". (6) Với tư tưởng coi trọng nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta, Người đã thể hiện phẩm chất một nhà lãnh đạo am hiểu sâu sắc thực tiễn của đất nước mình.
"Lấy nông nghiệp làm chính" và "phải bắt đầu từ nông nghiệp" đã trở thành quy luật trong nhiệm vụ kinh tế-xã hội giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đối với những nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta.
Trong "Chính sách kinh tế mới", Lê-nin chủ trương "phải bắt đầu từ kinh tế nông dân", "phải chấn hưng nông nghiệp". Lê-nin đã coi nông nghiệp như mũi đột phá đầu tiên để mở mang sản xuất, tạo ra những tiền đề cần thiết cho phát triển kinh tế của đất nước.
Đến Đại hội Đảng lần thứ V mới xác định: "Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu". Đại hội Đảng lần thứ VI và VII đã cụ thể hóa tư tưởng đó thành chủ trương: Tập trung sức phát triển nông nghiệp, thực hiện ba chương trình kinh tế lớn (lương thực - thực phẩm - hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu). Đại hội Đảng lần thứ VIII, tư tưởng cơ bản trên được thể hiện thành chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chương trình số 1 trong số 11 chương trình và lĩnh vực phát triển trọng điểm của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nông nghiệp trong mối quan hệ hữu cơ với các ngành kinh tế khác và xem nó như một bộ phận cấu thành trong chỉnh thể nền kinh tế quốc dân. Theo Người, công nghiệp và nông nghiệp giúp đỡ lẫn nhau và cùng phát triển như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và chóng đi đến mục tiêu.
Quan điểm "Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân" được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trong chính sách nền kinh tế nhiều thành phần. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 11-1945, trong bài "Toàn dân kháng chiến" đăng trên báo Cứu quốc, số 83, ngày 5-11-1945, Người kêu gọi: "Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giao thông để tích cực tăng gia sinh sản, lưu thông buôn bán". (7)
Từ năm 1945 đến 1954, Người chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần nhằm phát triển kinh tế, phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1953, trong sách "Thường thức chính trị", ký bút danh Đ.X, Người cho rằng, nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại nhiều thành phần như sau: Kinh tế quốc doanh; kinh tế địa chủ phong kiến; kinh tế hợp tác xã, hội đoàn đổi công; kinh tế cá nhân; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia. Người còn chỉ rõ: "Kinh tế tư bản quốc gia là Nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh và do Nhà nước lãnh đạo..."(8) Phát triển các thành phần kinh tế vừa để đáp ứng lợi ích của giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đẩy mạnh sản xuất, vừa nhằm đoàn kết tất cả các lực lượng trong một mặt trận dân tộc thống nhất phục vụ cho cuộc kháng chiến.
Trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng đính sự tồn tại tất yếu của nền kinh tế nhiều thành phần: "Đối với người làm nghề thủ công, và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện. Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước" (9).
Đã có thời gian dài, do nóng vội, duy ý chí, chúng ta đã xóa đi các thành phần kinh tế "phi xã hội chủ nghĩa" và tưởng rằng, làm như thế sẽ sớm có chủ nghĩa xã hội, mà không hiểu rằng, làm như vậy sẽ triệt tiêu những mặt tích cực của các thành phần kinh tế. Đất nước trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng.
Sự hình thành, tồn tại và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - theo Lê-nin - là một tất yếu lịch sử. Và không thể dùng ý chí chủ quan hay sức mạnh hành chánh mà xóa bỏ những thành phần kinh tế đó.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần, Đại hội VI của Đảng với đường lối đổi mới toàn diện, đã chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tạo cho lực lượng sản xuất phát triển. Nghị quyết Đại hội VII của Đảng còn chỉ rõ: "Chúng ta chủ trương thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa".(10) Đại hội VII còn xác định 5 thành phần kinh tế ở nước ta là: Kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước, trong đó, thành phần kinh tế quốc doanh "thực hiện vai trò chủ đạo và chức năng của một công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước"(11) Đại hội VIII của Đảng một lần nữa khẳng định: "Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần". (12).
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần, sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Nguyễn Xuyến
______
(1). Hồ Chí Minh-Toàn tập-NXB CTQG-H-1996-T 8 - tr 157.
(2). Hồ Chí Minh:Về kinh tế và quản lý kinh tế-NXB Thông tin lý luận-H- 1990- tr 31- 32.
(3), (4), (7). Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1995- T 4 - tr 152-215-86.
(5). Hồ Chí Minh: Về liên minh công nông- NXB ST- H - 1977 - tr 205.
(6). Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1996 - T 11 - tr 612.
(8). Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1996 - T 7 - tr 221.
(9). Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG- H - 1996 - T 9 - tr 589.
(10), (11), Văn kiện Đại hội VII của Đảng -NXB ST - H - 1991- tr 115-116.

(12), Văn kiện Đại hội VIII của Đảng-NXB CTQG -H - 1996- tr 91.