Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản, mặc dù với những khó khăn khách quan của thời tiết và khủng hoảng kinh tế, năm qua, hoạt động NTTS tỉnh nhà cũng gặp khá nhiều thuận lợi. Đó là cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư để đưa NTTS trở thành nghề mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế. Công tác chuyển đổi, tích tụ ruộng đất diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương chính là nhân tố quan trọng để phát triển nhiều mô hình nuôi trồng theo hướng trang trại, gia trại. Nhiều công trình thuỷ lợi, hồ chứa đi vào hoạt động tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới trong việc hình thành và phát triển nghề NTTS cho các vùng, miền. Thêm một thuận lợi nữa là thị trường (cả nội địa lẫn xuất khẩu) ngày càng được mở rộng, đời sống của nhân dân từng bước nâng cao nên mức tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản ngày một nhiều hơn. Diện tích nuôi trồng cả năm 2008 đã đạt 7.700 ha (tăng 3% so với năm 2007), trong đó, diện tích nuôi mặn lợ ổn định ở mức 3.200 ha (2.700 ha nuôi tôm, 200 ha nuôi nhuyễn thể và 300 ha nuôi cua, cá và các hải sản khác), nuôi nước ngọt (cá mè, cá trắm, cá chép, cá lóc môi sề) đạt 4.500 ha, nuôi lồng bè (cá chẽm, cá mú, cá giò và một số đối tượng nuôi truyền thống khác) đạt 2.000 m 3 . Cùng với tăng trưởng về diện tích, sản lượng nuôi trồng năm 2008 đạt 13 ngàn tấn (tăng 7,6% so với năm 2007), trong đó: sản lượng NTTS nước ngọt đạt 7 ngàn tấn, sản lượng nuôi mặn lợ đạt 6 ngàn tấn.
Điều mừng hơn cả chính là trình độ canh tác của người dân được nâng lên rõ rệt, hình thức nuôi trồng từ quảng canh cải tiến đã nhanh chóng chuyển sang bán thâm canh và thâm canh. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi cá lồng bè trên sông mang lại hiệu quả khá. Để có được những chuyển biến về chiều sâu đó không thể phủ nhận vai trò của hoạt động KHCN và công tác khuyến ngư. Năm 2008, đã mở 71 tập huấn kỹ thuật, 2 hội thảo chuyên đề, 2 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình điển hình của các tỉnh bạn, và đã triển khai 21 mô hình khuyến ngư, đồng thời tập trung ứng dụng và chuyển giao nhiều công nghệ và đối tượng nuôi mới như: nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất cao, sinh sản giống cá lóc môi sề, nuôi cá chẽm bằng lồng trên sông, nuôi nghêu thâm canh, nuôi xen ghép luân canh trên vùng nuôi tôm sú thường bị dịch bệnh, nuôi cá tra thương phẩm…
Với mục tiêu từng bước đưa nghề NTTS tỉnh nhà phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nuôi trên thị trường nội địa và xuất khẩu, năm 2009 này, tỉnh ta phấn đấu đưa tổng diện tích nuôi trồng lên 8.100 ha (nuôi nước lợ 3.100 ha, nuôi nước ngọt 5.000 ha), tổng sản lượng ước đạt 14 ngàn tấn (nuôi mặn lợ 6.500 tấn, nuôi nước ngọt 7.500 tấn), với giá trị sản xuất đạt 425 tỷ đồng. Để hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng đó, Chi cục NTTS đã chỉ đạo tốt việc thực hiện các quy hoạch phát triển nuôi trồng được phê duyệt gắn với nâng cao hiệu quả các chương trình đang được đầu tư xây dựng; tham mưu để Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống đê biển, các công trình thuỷ lợi phục vụ nghề NTTS; tiếp tục duy trì, củng cố các thị trường truyền thống kết hợp với tìm kiếm các thị trường mới để tăng sản lượng xuất khẩu; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuỷ sản các cấp trong việc sản xuất giống, chẩn đoán và phòng trừ dịch bệnh, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất giống, đầu tư xây dựng các trại ương giống thuỷ sản để đảm bảo cung ứng kịp thời các loại giống có chất lượng cho bà con nông dân; tiếp tục tổ chức tốt việc huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án do trung ương hỗ trợ, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đồng thời huy động từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển NTTS theo hướng tập trung, thâm canh quy mô lớn.
Hải Xuân