Ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh. Một hướng phát triển tối ưu và bền vững

Những năm gần đây, việc ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học (CNSH) vào hoạt động sản xuất ở Hà Tĩnh đã trở nên phổ biến đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo ra những thay đổi lớn trong diện mạo nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống cho người nông dân.
Đến nay, ứng dụng CNSH đã đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi mới với năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của thị trường vào sản xuất. Việc du nhập thành công tập đoàn giống có năng suất chất lượng cao như lúa (CV1, HT1, LT2, P290, P6, PC6, TB1...), lạc (L14, L18, L23, TB25, L17), ngô (ngô nếp VN6, C919, DK999, DK888, LVN14, VN2...), giống đậu đỗ (VN93-1, V123, T135...), giống khoai lang nhật, khoai sọ KS4, giống sắn, đã góp phần tăng năng suất, sản lượng lương thực và nâng cao đời sống cho người dân. Sản lượng lương thực bình quân đạt 47 vạn tấn/năm, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác năm 2010 đạt 44 triệu đồng/ha/năm.
Ngành Khoa học và Nông nghiệp tỉnh đã đầu tư chuyển giao thành công nhiều mô hình kinh tế tổng hợp thu nhập 40-50 triệu đồng/ha mà nhân tố tác động chính là công tác giống, kỹ thuật canh tác an toàn, hiệu quả.
Việc lựa chọn các giống rau có chất lượng tốt, phù hợp điều kiện địa phương về đất đai, khí hậu được kết hợp với kỹ thuật trồng rau tiên tiến: Sử dụng nhà lưới, phủ nylon, áp dụng phương pháp tưới phun thích hợp từng loại cây, sử dụng nước sạch, bón phân sạch, phân vi sinh cũng như thuốc bảo vệ thực vật an toàn và chế phẩm sinh học, từng bước xây dựng các vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn kỹ thuật mới VietGAP như mô hình sản xuất rau tại xã Thạch Liên, xã Thạch Môn, bước đầu đưa năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tăng lên 15 – 20%, đồng thời hình thành các vùng trồng rau an toàn trên toàn tỉnh. Du nhập các giống hoa có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ven đô Thành phố Hà Tĩnh đã tạo cho bà con nông dân vùng ven thành phố thay đổi tập quán sản xuất truyền thống theo hướng thuần nông nghiệp, mang lại lợi nhuận từ các mô hình chuyển đổi như hoa Lily, hoa loa kèn, hoa đồng tiền, hoa cúc... cho thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ tại xã Thạch Môn-Thành phố Hà Tĩnh, Thạch Lưu- Thạch Hà.
Bên cạnh việc ứng dụng CNSH để sản xuất các giống cây lương thực, rau, hoa, các loại cây ăn trái, cây lâu năm là một trong những thế mạnh của tỉnh như Cam bù, bưởi Phúc Trạch, chè, cao su cũng đã được nghiên cứu, áp dụng quy trình canh tác tổng hợp như kỹ thuật đốn trẻ hoá vườn chè, ứng dụng kỹ thuật ghép đỉnh sinh trưởng trong sản xuất cây ăn quả, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen...
Không dừng lại ở việc ứng dụng CNSH trong cây trồng, trên lĩnh vực chăn nuôi cũng hết sức đa dạng. Đã ứng dụng trong tổ hợp chế biến và chăn nuôi lợn siêu nạc, du nhập giống bò brahman và sử dụng tinh đông viên của giống Charolaise phát triển theo hướng sản xuất giống lai và nuôi thương phẩm, góp phần thúc đẩy nghề chăn nuôi phát triển cho địa phương. Việc kết hợp giống phẩm chất tốt với kỹ thuật chăn nuôi công nghệ cao đã giúp đàn gà, vịt tăng nhanh về trọng lượng, tăng tỷ lệ đẻ trứng lên 3%, tỷ lệ bệnh chết giảm 1,5 – 3%/lứa.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản: Chú trọng đa dạng hoá các đối tượng nuôi thuỷ sản, nuôi xen ghép thâm canh theo hướng sản xuất hàng hoá thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển. Đ ã tập trung nghiên cứu các quy trình nuôi thuỷ sản phù hợp với điều kiện thời tiết Hà Tĩnh và nuôi thử nghiệm các giống thuỷ sản mới, các hình thức nuôi mới mang lại hiệu qủa kinh tế cao như: nuôi cá bằng lồng trên biển (cá Dò, cá Mú, cá Vược, tôm hùm..) , nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi nghêu Bến tre, nuôi ốc Hương, nuôi cá Sấu thương phẩm. Nhiều mô hình tổng hợp có hiệu quả cao trong sản xuất hình thành ở các địa phương như: sinh sản giống, nuôi thương phẩm ba ba, ếch, mô hình nuôi cá-lúa-vịt.
Lĩnh vực công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật và vi sinh: Đã nghiên cứu ứng dụng thành công phương pháp nuôi cấy mô tế bào tạo ra nhiều, nhanh, bảo đảm chất lượng tốt các loại giống cây ăn quả đặc sản, các loại hoa và cây cảnh, cây lâm nghiệp, bảo quản và lưu giữ được các nguồn gen sinh học quý của địa phương. Áp dụng công nghệ sản xuất thuốc trừ sâu róm thông bằng chế phẩm sinh học Boverin. Sản xuất thức ăn gia cầm, gia súc, tôm cá, chế biến rau quả, sản xuất bia rượu, nước mắm lên men từ vi sinh vật thích hợp, bảo vệ cây rừng và động vật quý hiếm, phát triển đa dạng sinh học. Hình thành Trung tâm sản xuất giống Nấm  quy mô công nghiệp có công suất đạt 50 tấn giống/năm; sản xuất 1.000 tấn nấm các loại/năm, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nấm có giá trị và tạo nghề mới cho người dân. Trong những năm gần đây, Trung tâm Úng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Công ty Cổ phần vi sinh môi trường nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất và ứng dụng thành công các chế phẩm sinh học phân huỷ chất thải hữu cơ và xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, chế phẩm sản xuất phân ủ hữu cơ vi sinh, chế phẩm men tiêu hóa cho chăn nuôi và xử lý môi trường đáy ao nuôi trồng thuỷ sản...
Ứng dụng CNSH chính là chìa khóa cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, để ứng dụng CNSH vào nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, cần mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ; tăng cường đầu tư và hoàn thiện phòng thí nghiệm CNSH ; nhanh chóng làm chủ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNSH ; quy hoạch và đầu tư phát triển c ông nghiệp sinh học , có cơ chế chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển CNSH; có chính sách thu hút đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho các sản phẩm CNSH thiết yếu; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ CNSH; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi cơ hội để đào tạo đội ngũ cán bộ đầu đàn, các chuyên gia giỏi ; đẩy mạnh triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án rộng rãi đến nông dân, ứng dụng CNSH, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển mô hình sản xuất sạch, bền vững cho môi trường; Đẩy mạnh hơn nữa vấn đề liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp” trong quản lý, sản xuất, nghiên cứu khoa học và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. /.
Ths. Trần Thị Thuý Anh -Trung tâm ƯDTB KHCN Hà Tĩnh