Vài năm gần đây, nghề nuôi tôm he chân trắng trên cát ở Hà Tĩnh đã tạo được những bước đột phá về năng suất và sản lượng. Với mô hình nuôi tôm trên cát theo công nghệ mới đã góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững.
Tôm he chân trắng đã được các nước Đông Nam Á nuôi với số lượng lớn từ những năm 2007. Đặc biệt Thái Lan, nước có nghề nuôi tôm công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới, trước đây nuôi tôm sú là chủ yếu, thì nay đã chuyển sang nuôi tôm he chân trắng.
Trên thực tế nguồn lợi tự nhiên về hải sản và nguồn lợi thuỷ sản ở Việt Nam không phải là vô tận và luôn có chiều hướng suy giảm do nhiều tác động khác nhau như đánh bắt quá mức, ô nhiễm môi trường… Vì vậy, phát triển nuôi trồng thuỷ sản là hướng đi tất yếu khi nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên có chiều hướng suy giảm. Tuy vậy, nghề nuôi tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản. Đó là các tác động về kinh tế, xã hội, môi trường. Nuôi tôm vẫn mang tính tự phát thiếu quy hoạch, chạy theo lợi ích trước mắt, làm cho nghề nuôi tôm mang tính nhỏ lẻ và manh mún, kém hiệu quả, rủi ro cao, chất lượng không ổn định dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm theo công nghệ mới, đặc biệt là nuôi tôm he chân trắng được tỉnh ta hết sức quan tâm và mở rộng đầu tư. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.200 ha diện tích nuôi tôm he chân trắng, chiếm 58% diện tích nuôi tôm, trong đó chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến. Nuôi tôm he chân trắng theo hình thức này hàng năm thường xảy ra dịch bệnh nên chưa có tính bền vững. Vài năm gần đây đã xuất hiện một số mô hình nuôi tôm he chân trắng trên cát như công ty Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị- Thạch Hà, tổ hợp nuôi tôm xã Xuân Đan- Nghi Xuân, Công ty cổ phần Đại Dương ở xã Xuân Phổ-Nghi Xuân… Đây là những mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới cho năng suất và sản lượng tương đối cao.
Hiện tại, tôm sú vẫn là đối tượng chủ lực, thu hút sự chú ý của người dân và chính quyền các cấp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ven biển. Để định hướng phát triển nghề nuôi tôm bền vững, Hà Tĩnh cần có những chuyển đổi hợp lý. Việc xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng vụ Thu Đông trên vùng đất cát tại xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 3 ha, thả mật độ: 120 con/m
2
, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha đã mở ra một hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Theo anh Hồ Quang Dũng - Công ty cổ phần Bảo Sơn –TP Hà Tĩnh, để mô hình nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả cao đòi hỏi tuân thủ quy trình nghiêm ngặt: Nguồn nước phải sạch, ở đây nguồn nước cấp được lấy cách xa bờ biển hơn 200m và ở độ sâu 6m, vì thế nguồn nước không bị ô nhiễm mà lại có độ mặn phù hợp; đáy ao nuôi cao hơn mương thoát nước, để khi xả nước trong ao sẽ cạn hết; Đáy và bờ ao được trải bạt; con giống lấy những nơi có uy tín và được kiểm nghiệm nghiêm ngặt; quá trình nuôi phải sử dụng chế phẩm vi sinh và nguồn điện đảm bảo.
Tôm he chân trắng có những đặc điểm ưu việt hơn so với các loài tôm nuôi khác, khả năng thích nghi tốt, kể cả ở những vùng đất cát ven biển có độ mặn cao. Đây cũng là loại tôm có ngưỡng oxy thấp hơn tôm sú và các loại tôm he khác, khả năng kháng bệnh cao, có thể sống thích nghi ở các ao có nhiều nguyên tố kim loại nặng mà trước đây nuôi tôm sú không thích hợp, thường thất bại do phát sinh dịch bệnh. Cùng với khả năng thích nghi cao, tôm he chân trắng còn có tốc độ sinh trưởng nhanh, nuôi 2 tháng đã đạt cỡ 100 -110 con/kg, thời gian nuôi ngắn, chỉ 2 - 2,5 tháng có thể thu hoạch và cho năng suất, sản lượng đạt từ 15-28 tấn/ha/vụ. Điều này cho phép nuôi tăng vụ, tức một năm nuôi 2 vụ ăn chắc ở những vùng trước đây chỉ nuôi được một vụ tôm sú.
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vụ Thu Đông sẽ tận dụng được các vùng đất cát ven biển, có nguồn nước biển sạch, xa khu dân cư, khu công nghiệp và các vùng sản xuất nông nghiệp, ít chịu ảnh hưởng của các chất thải từ các hoạt động nói trên, nên tạo môi trường tốt cho nuôi trồng thuỷ sản. Năng suất nuôi tôm trong ao lót bạt cao hơn nhiều lần so với các hình thức nuôi khác, có lợi thế phù hợp với hình thức nuôi công nghiệp khép kín. Kiểm soát được môi trường ao nuôi, ngăn chặn được sự lây lan nguồn bệnh theo chiều ngang. Đáy và bờ ao được trải bạt nên hạn chế được dịch bệnh, các chất thải trong quá trình nuôi cũng không bị thẩm thấu ra ngoài môi trường xung quanh, chi phí cải tạo ao không cao, dễ dàng tháo cạn khi cần thiết. Nuôi tôm thẻ chân trắng trong điều kiện đạt tiêu chuẩn nuôi công nghiệp, kiểm soát được tình trạng dư thừa thức ăn, thực hiện các biện pháp phòng trị bệnh và xử lý môi trường hiệu quả sẽ hạn chế được ô nhiễm, tránh dịch bệnh lây lan, hạn chế rủi ro, hiệu quả cao.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chuyển giao công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắngtrên cát vụ Thu Ðông, vừa tận dụng và khai thác hợp lý được diện tích đất cát bỏ hoang ven biển, đất sử dụng kém hiệu quả vừa kéo giãn được mùa vụ nuôi, mang lại kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân địa phương. Điều này phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong việc chuyển diện tích nuôi trồng thuỷ sản, phát triển thêm đối tượng, nhiều loại hình nuôi. Trong đó chú trọng phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm phát triển bền vững nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh.
Ông Nguyễn Huy Lâm–Giám đốc sở KH&CN cho biết: Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đã được các nước trên thế giới phát triển rất hiệu quả. Tuy nhiên ở Hà Tĩnh hình thức này hoàn toàn mới, vì thế khi đưa vào ứng dụng triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn từ con giống cho đến nguồn nước, thức ăn, công tác phòng chống dịch bệnh... Đến nay hình thức nuôi tôm theo công nghệ mới đã thành công bước đầu tại xã Xuân Phổ - Nghi Xuân do công ty cổ phần Bảo Sơn –TP Hà Tĩnh triển khai .
Khi được hỏi về định hướng nhân rộng mô hình này trong thời gian tới, ông Nguyễn Huy Lâm cho biết: Trong chiến lược phát triển chúng tôi có kế hoạch tham mưu cho UBND Tỉnh quy hoạch lại diện tích nuôi tôm trên cát, làm đến đâu phải đảm bảo an toàn đến đó, kết hợp với yếu tố KHCN để phát triển nghề nuôi tôm trên cát một cách bền vững, lâu dài nhằm đảm bảo an toàn môi trường và xã hội, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ổn định./.
PV