Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây ăn quả an toàn thực phẩm

ĐẶT VẤN ĐỀ

Rau quả là sản phẩm chính của sản xuất VAC và thường được sử dụng ở dạng tươi sống. Do vậy, chúng rất nhạy cảm với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp & PTNT đã công bố kế hoạch hành động quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010. Nâng cao công nghệ cao (NCCNC) và thực hành nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice (GAP)) là một trong những lựa chọn để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm của rau quả.

I. Khái niệm nông nghiệp công nghệ cao:

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất bao gồm cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, thu hoạch, phơi sấy, chế biến..., sử dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm, dự báo thị trường, dự báo sâu bệnh, dùng các vật liệu mới để sản xuất cây giống, các kỹ thuật công nghệ sinh học trong lai tạo giống và nhân giống cũng như bảo quản nguồn gen... Mục đích cuối cùng của nông nghiệp công nghệ cao là tạo ra nông sản thực phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhà nước quan tâm đến ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay đã có một số mô hình như Trung tâm phát triển Nông lâm nghiệp cây công nghiệp cao Hải Phòng, khu NNCNC thành phố Hồ Chí Minh, NNCNC Hà Nội... Đáng tiếc phần lớn các cơ sở này đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở trang thiết bị và sản xuất.

II. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số nền kinh tế:

a. Kinh tế Mỹ: Công nghiệp đã phát triển, sản xuất nông nghiệp với quy mô trang trại vốn đầu tư cao. NNCNC phát triển từ 6 cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp:

1. Cách mạng cơ khí trong cơ giới hóa nông nghiệp;

2. Cách mạng xanh với đưa ngô lai vào sản xuất

3. Sản xuất và phổ biến phân đạm nhờ chuyển các công binh xưởng sản xuất đạn dược trong thế chiến thứ hai thành các nhà máy phân đạm;

4. Sản xuất và chế biến thuốc BVTV (trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh cây...)

5. Công nghệ sinh học với các giống lai, các cây chuyển gen...

6. Phát triển công nghệ thông tin trong nông nghiệp đưa NNCNC lên một tầm cao mới - Nông nghiệp chính xác với các máy kéo được điều khiển bằng vệ tinh định vị toàn cầu, dự báo giá qua internet, siêu máy tính dự báo thay đổi thời tiết, các nhà máy chế biến thực phẩm tự động hóa cao, thiết lập trình định mức phân bón, thuốc BVTV, mật độ cây trồng, đánh giá mùa màng và dự báo sâu bệnh.

Kết quả:

- Tạo được bước nhảy vọt trong tăng trưởng năng suất lao động. Ví dụ: Sản xuất 1 giạ ngô (36,4 lít) năm 1930 mất 30 phút, năm 2002 chỉ còn 1 phút.

- Người tiêu dùng được hưởng lợi to vì nay họ chỉ chi ngót 10% thu nhập để mua thực phẩm.

b. Kinh tế Autralia và Brazil:

- Quy mô trang trại lớn. Cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ sinh học phát triển.

c. Kinh tế Trung Quốc:

- Đất rộng, người đông, kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và theo định hướng nhà nước. Chương trình 863 trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 xác định 4 ưu tiên phát triển sinh học & nông nghiệp: Công nghệ thiết kế sinh học, công nghệ điều khiển gen, công nghệ thông tin sinh học và công nghệ nông nghiệp tiến bộ hay NNCNC.

- Thành lập các điểm, mô hình Doanh nghiệp NNCNC. Ví dụ: tập đoàn Doanh nghiệp NNCNC Yoan Long Bing (Các giống ngô lai, lúa lai, bông lai, các giống rau chất lượng cao); Công ty NNCNC Sichuan Nongda (Các giống lúa lai...)

d. Kinh tế Đài Loan:

Có vốn đầu tư lớn phát triển nông nghiệp xuất khẩu để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau đó đầu tư lại cho nông nghiệp để phát triển NNCNC. Tạo nên hiện tượng Đài Loan kỳ diệu "Taiwan Miracle" với phát triển GDP trên đầu người từ 170 USD năm 1962 (bằng Congo và Zaire) lên 15.482 USD năm 2006. Hiện nay nông nghiệp chỉ chiếm 2% GDP (năm 1952: 35%) với 8% lao động. Số hộ 822.395 trong đó chỉ có 20% hộ thuần nông. Quy mô hộ nhỏ, bình quân 1,1ha/hộ. Hạn điền 5ha. Cơ giới hóa cao, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin trong nông nghiệp phát triển. Quản lý trang trại đạt tiêu chuẩn GAP Châu Âu, Mỹ và Nhật.

III. Cơ cấu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao:

Ví dụ: Sản xuất đào, mận với sản lượng bình quân 18 - 20 tấn/ha (A George và R.Nisen, 2003)

1. Đầu tư cơ bản:

Các hạng mục đầu tư: Máy kéo, máy làm đất trồng cây, làm đường, máy băm thân cây, rơm rạ, máy tải vật liệu phủ gốc, phủ đất, máy bơm thuốc BVTV, máy bơm hút nước và dàn tưới + công cụ tưới; rơ moóc chuyên chở và thu quả, máy và công cụ làm đường, nhà lạnh, kho chứa phân bón, nông dược... nhà để máy công cụ...

2. Cơ cấu đầu tư (chi phí) sản xuất (%). (xem bảng dưới)

Hạng mục chi phí sản xuất

Tỷ lệ (%)

A. TRƯỚC THU HOẠCH

Vận hành các loại máy làm đất, máy phun thuốc BVTV

0,79

Phân bón, thuốc BVTV, trừ cỏ và tủ gốc

9,89

Chi phí đốn tỉa cây

23,10

Cộng A

33,78

B. THU HOẠCH VÀ TIÊU THU SẢN PHẨM

Công hái quả và đóng gói

38,35

Chuyên chở quả

13,52

Phí dịch vụ và bán quả

11,84

Các chi phí khác

2,51

Cộng B

66,22

Tổng cộng (A+B)

100

Ví dụ: Công ty Nhất Tâm Lan (I Shin Orchid) (Đài Loan).

Đầu tư cơ bản: Nhà lưới mái che liên hoàn.

Sử dụng quanh năm diện tích 3,3ha x 230 USD/m 2 = 7.590.000USD

Tiêu thụ: 60% xuất khẩu (Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan); 40% nội địa.

Giá bình quân 1,5 USD/chậu.

Sản lượng xuất khẩu: 800.000 chậu.

Sản lượng nội địa: 500.000 chậu

Thu nhập: 3 triệu đô la Mỹ/ha

Công nhân kỹ thuật: 150 người trong đó nuôi cấy mô 35 công nhân kỹ thuật

Ví dụ: Ứng dụng NNCNC Đài Loan trong sản xuất cây giống cam quýt sạch bệnh tại Viện BVTV, Viện Nghiên cứu cây ăn quả (CAWQ) phía Nam.

- Tạo cây đầu dòng sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng.

- Kiểm tra sạch bệnh bằng kỹ thuật PCR và ELISA (phản ứng chuổi polime và hấp thụ miễn dịch liên kết men) có độ nhạy hàng ngàn lần so với các kỷ thuật kiểm tra truyền thống.

- Sản xuất cây giống sạch bệnh trong hệ thống nhà lưới ba cấp: chống côn trùng bảo vệ cây đầu dòng, cây sản xuất mắt ghép, cây gốc ghép và cây giống sạch bệnh.

- Sử dụng hỗn hợp nuôi cây từ cát vàng + mùn hữu cơ và NPK để thay thế đất.

So sánh giá bán một cây giống cam quýt được sản xuất theo phương pháp NNCNC:

* Viện BVTV: 0,78 đô la Mỹ;

* Viện cây ăn quả Miền Nam: 1,3 đô la Mỹ

* Trung tâm cây ăn quả có múi KASERSAT Thái Lan: 2,00 đô la Mỹ;

* Công ty giống CAWQ Birwood Queensland Australia: 7,20 đô la Mỹ.

Nhận xét:

Từ các ví dụ nêu trên cho thấy:

- Một là: NNCNC yêu cầu một diện tích nông nghiệp tập trung từ 5ha (mô hình Đài Loan) đến vài chục, vài trăm thậm chí vài ngàn hecta (các mô hình Mỹ, Úc, Brazil...)

- Hai là: NNCNC trong sản xuất cây ăn quả vẫn cần sử dụng nhiều lao động trong đốn tỉa cây, hái quả vì các khâu này chưa thể thay thế bằng máy móc. Trong khi đó công lao động tại các nước đã công nghiệp hóa lại đắt (30 - 50 USD/ngày công) nên chiếm một tỷ lệ khá cao trong chi phí sản xuất (61%)

- Ba là: NNCNC là sản xuất hàng hóa rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm nên các chi phí sau thu hoạch và tiêu thụ cao gấp đôi chi phí trước thu hoạch.

- Bốn là: Kỷ thuật đốn tỉa cây, tỉa quả được coi trọng như một khâu kỷ thuật tay nghề cao và bắt buộc trong sản xuất. Đáng tiếc là ở ta vẫn chú trọng đến kỷ năng và chi phí đầu tư cho khâu này.

Những nhận xét nêu trên cho thấy ứng dụng NNCNC có tính khả thi với sản xuất cây ăn quả nước ta. Thậm chí chúng ta còn một lợi thế cạnh tranh như:

- Nguồn lao động đồi dào và rẻ, có tỷ lệ người biết chử cao;

- Đa dạng chủng loại CAQ: nhiết đới (phía Nam), á nhiệt đới (phía Bắc) và cận ôn đới (vùng núi cao) với nhiều quả đặc sản địa phương.

- Có nhiều chính sách và phong trào khuyến khích đầu tư phát triển trang trại cây ăn quả và phong trào nông nghiệp (chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,, dồn điền đổi thửa, hỗ trợ tín dung...)

- Hội nhập tạo cơ hội hợp tác quốc tế trong phát triển NNCNC.

IV. Kiến nghị:

- Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ (cán bộ, công nhân kỷ thuật...) cho phát triển NNCNC; tạo đột phá trong chọn tạo, nhập nội các giống cây lai và giống chất lượng cao; áp dụng quản lý sản xuất theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Trước mắt: mô phỏng các điều kiện nước ngoài và thực tiễn trong nước để xây dựng một số mô hình NNCNC tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hoặc trang trại lớn và chú trọng liên kết bốn nhà trong xây dựng mô hình.

- Ưu tiên lựa chọn ứng dụng NNCNC nước ngoài từ các nền kinh tế có cây trồng, điều kiện sinh thái nông nghiệp và quy mô vườn hộ, trang trại tương tự Việt Nam (ví dụ nền kinh tế Đài Loan,...)./.

Theo: TẠP CHÍ THÔNG TIN KHUYẾN NÔNG VIỆT NAM