Sử dụng phân bón hợp lý là cơ sở cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất, giúp nông dân làm giàu. Ở Việt Nam nói chung và cũng như Hà Tĩnh nói riêng, khi nền sản xuất nông nghiệp đã đi theo hướng thâm canh, tăng vụ thì nhu cầu sử dụng phân hóa học ngày càng tăng, tuy nhiên nếu sử dụng phân bón hóa học nhiều trong trồng trọt thì môi trường đất, nước, thực phẩm ngày càng bị ô nhiễm.
Phế thải nông nghiệp, cây phân xanh là nguồn hữu cơ rất lớn, có thể tận dụng để sản xuất phân bón, nhưng chưa được sử dụng hợp lý, thông thường lượng phế thải này bị đốt sau thu hoạch vừa lãng phí nguồn hữu cơ, vừa gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của các nhà khoa học lượng rơm, rạ thu được từ 1ha lúa là 5 đến 7 tấn/năm. Bình quân lượng rơm rạ thu được từ 1ha lúa có: 51,5 kg N; 25,4 kg P 2 O 5 ; 137,4 kg K 2 O và các nguyên tố vi lượng. Hiện nay, chỉ mới sử dụng khoảng 70% rơm phục vụ mục đích chăn nuôi, trồng nấm và mục đích khác, còn lại gần 100% rạ và 30% rơm chủ yếu đang bị đốt hoặc bỏ. Đốt rơm, rạ gây ra sự mất gần như hoàn toàn N, 25% lượng P, 20% lượng K, 50 -60% lượng S, các nguyên tố vi lượng dễ bị rửa trôi. Ngoài ra còn phát thải khí CO 2 gây ảnh hưởng môi trường. Việc lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng làm giảm C hữu cơ một cách đáng kể, nếu hàm lượng C ban đầu là 3,56%, sau 10 năm canh tác 2 vụ lúa/năm, hàm lượng C chỉ còn 3,03%, sau 50 năm là 1,59% và sau 100 năm là 0,71%, vì vậy đất đai ngày càng suy giảm độ phì nhiêu. Sau thu hoạch vụ Đông, rạ thường để lại tại đồng ruộng trong quá trình phân hủy tạo ra khí H 2 S gây ngộ độc cho cây trồng, đây cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh vàng lá và nghẽn rễ sinh lý trên cây lúa.
Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê tại Hà Tĩnh, năm 2013 diện tích cây lâu năm: 24.165 ha; cây hàng năm: 155.915 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 98.674 ha. Phần lớn rạ sau thu hoạch chủ yếu để lại ruộng, rơm mới chỉ sử dụng khoảng 70%. Tổng lượng phế phụ phẩm trồng trọt tạo ra hàng năm xấp xỉ 630.000 tấn, trong đó mới có khoảng 60 -70% được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, chất độn chuồng, tủ gốc... Số còn lại đang bị đốt hoặc bỏ gây lãng phí nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hình thức liên doanh liên kết sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại qui mô lớn phát triển. Hiện toàn tỉnh có 5.311 trang trại và gia trại nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, chưa kể hình thức nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Chỉ tính riêng đàn lợn của tỉnh là 415.000 con, chưa kể trâu bò, hươu, gia cầm. Như vậy lượng phân thải ra hàng năm xấp xỉ 1 triệu tấn. Khoảng 70% được sử dụng làm Biogas, thức ăn cho cá, làm phân bón tuy nhiên đa phần chưa sử dụng chế phẩm sinh học giúp phân giải nhanh, hạn chế mùi hôi, hạn chế tổn thất đạm trong quá trình ủ và khử bỏ các loại vi sinh vật có hại, 30% còn lại đang để lãng phí.
Một câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta là làm thế nào vừa tăng năng suất cây trồng, vừa đảm bảo cân bằng sinh thái, nhằm tìm ra được giải pháp hữu ích và tận dụng được các phế thải, phụ phẩm nông nghiệp, cây xanh... để tái đầu tư trở lại cho cây trồng. Hiện nay, nhiều nước tiên tiến đã xem việc ứng dụng công nghệ sinh học là chìa khoá để giải quyết vấn đề này.
Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nông sản sạch nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng. Một trong những biện pháp hữu hiệu để sản xuất nông nghiệp sạch là ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các hoá chất bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học có tác động xấu đến môi trường.
Năm 2009 được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ đã đầu tư hệ thống phòng LAP với trang thiết bị sản xuất chế phẩm qui mô 10 tấn/năm và tiếp nhận hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm Hatimic xử lý phế phẩm nông nghiệp, các loại cây xanh làm phân bón hữu cơ vi sinh.
Chế phẩm Hatimic là tập hợp các vi sinh vật hữu ích phân giải nhanh các chất hữu cơ làm phân bón, hạn chế mùi hôi từ đống ủ. Chế phẩm được sản xuất theo công nghệ là sản phẩm thuộc Chương trình Công nghệ sinh học KC04.
Kết quả thử nghiệm tại Hà Tĩnh từ năm 2009 - 2011 cho thấy thời gian ủ phân từ 25 - 30 ngày giảm 30 ngày so với phương pháp truyền thống, chất lượng phân ủ đảm bảo yêu cầu. Hạn chế được mùi hôi thối từ đống ủ. Kết quả thử nghiệm được Hội đồng khoa học Công nghệ cấp tỉnh và cấp Nhà nước thẩm định nghiệm thu.
Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ chế phẩm Hatimic đã được sử dụng để bón cho lúa, lạc, các loại rau màu cho kết quả tốt, đặc biệt như mô hình trồng lạc thâm canh tại các xã Sơn Trung, Sơn Quang, Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Diệm huyện Hương Sơn; mô hình trồng rau an toàn tại xã Tượng Sơn, mô hình cải tạo đất cát hoang hóa ven biển thành đất trồng trọt tại thôn Đồng Bạn, xã Thạch Văn...Hiện nay Tổng Công ty Khoáng sản Thương mại đang ứng dụng chế phẩm Hatimic để sản xuất phân bón trồng rau củ quả trên cát.
Mặc dù đã đạt được một kết quả khả quan, lợi ích rõ ràng và nhu cầu sử dụng chế phẩm tại Hà Tĩnh là rất lớn, tuy nhiên trong quá trình ứng dụng chế phẩm vẫn còn một số khó khăn như sau:
- Hiểu biết về khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế.
- Sử dụng phân ủ hữu cơ vi sinh có tác dụng chậm hơn và tốn công hơn so với bón phân vô cơ, do vậy người dân còn e ngại, chưa tích cực ứng dụng.
- Đây là một ứng dụng công nghệ mới đối với các hộ nông dân đòi hỏi công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phải thực hiện một cách tích cực, đồng bộ, trong khi công tác này còn hạn chế;
- Chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ.
Nếu hàng năm Hà Tĩnh, tái sử dụng được từ 50 - 70% lượng phế phụ phẩm nông nghiệp còn lãng phí ( khoảng với 17 -25% lượng phế thải nông nghiệp/năm ) thì sẽ cung cấp thêm được từ 200.000 - 270.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, lượng phân này tương đương với 100.000 - 140.000 tấn phân vô cơ các loại. Giúp tiết kiệm từ 135 - 190 tỷ đồng tiền mua phân bón/năm.
Từ thực tiễn trên có thể khẳng định ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ các loại phế thải nông và các loại cây phân xanh góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất, nâng cao năng suất chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới là một yêu cầu cấp thiết đối với phát triển nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh./.
Dương Thị Ngân, Trần Thị Thúy Anh - Trung tâm ƯDTB KHCN Hà Tĩnh