Ứng dụng khoa và học công nghệ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong ngành y tế là hoạt động hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh dịch, nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những năm gần đây, Ngành Y tế Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ y học tiên tiến, luôn đi đầu về số lượng và chất lượng các đề tài so với các ngành khác trong toàn tỉnh. Nhiều nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, góp phần tăng cường chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Toàn ngành y tế hiện có hơn 4.000 cán bộ Khoa học kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên mà lực lượng nòng cốt có 895 cán bộ trình độ Đại học trở lên, trong đó Tiến sỹ, chuyên khoa II: 34; Thạc sỹ, chuyên khoa I: 254; bác sỹ: 520; Dược sỹ đại học: 87; Cử nhân đại học Điều dưỡng, Y tế công cộng, Kỹ thuật Y học: 52. Đội ngũ này có đủ năng lực, trình độ để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật trong khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hàng năm, Hội đồng khoa học của ngành đều xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ và triển khai trong toàn thể cán bộ, viên chức toàn ngành. Xác định rõ trọng tâm hoạt động KHCN của ngành là nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ y học trong các lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ, phát triển thể chất, tinh thần, giảm tỉ lệ mắc bệnh, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và công nghệ thích hợp ở từng tuyến từ tỉnh xuống cơ sở để phục vụ cộng đồng trong cấp cứu, chẩn đoán, điều trị và dự phòng, khống chế và ngăn ngừa các bệnh dịch nguy hiểm; Nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phòng ngừa một cách có hiệu quả ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ mới để xây dựng các mô hình thu gom, xử lý chất thải y tế do các hoạt động y tế phục vụ cộng đồng. Các đơn vị tiêu biểu có nhiều đề tài đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học của Ngành gồm Phòng Nghiệp vụ y; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh; Bệnh viện Y học cổ truyền, Điều dưỡng- PHCN; Bệnh viện đa khoa Thành phố Hà Tĩnh và các huyện Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà...

Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm ngành y tế có trên 80 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được nghiệm thu, trong đó có nhiều đề tài được ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Nội dung nghiên cứu các đề tài đa dạng, từ các vấn đề phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, đến xác định mô hình bệnh tật tại các cơ sở khám chữa bệnh, công tác quản lý ở các đơn vị trong ngành…, qua đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động y tế. Số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm sau cao hơn năm trước, chất lượng được nâng lên, nếu như năm 2009 toàn ngành có 40 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 01 đề tài cấp tỉnh thì đến năm 2012 toàn ngành đã có 120 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 4 đề tài cấp tỉnh, 116 đề tài cấp cơ sở. Từ 2009- 2012, ngành đã tổ chức 4 hội nghị Khoa học thuộc các lĩnh vực Dự phòng, Điều trị và Điều dưỡng, in 4 tập kỷ  yếu với hơn 1500 cuốn.

- Các đề tài cấp tỉnh đã được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả trong tỉnh nổi bật như:

+ Nghiên cứu dịch tể học, đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị bệnh xơ hóa cơ Delta .

+ Nghiên cứu dịch tể học và các yếu tố nguy cơ bệnh Đái tháo đường .

+ Nghiên cứu dịch tể học, đặc điểm lâm sàng và các yếu tố liên quan đến bệnh loãng xương.

Trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn tỉnh, Ngành Y tế đều tham gia với số lượng nhiều và đạt giải cao, điển hình là sáng kiến cải tiến Ghế ngồi để chọc dò và dẫn lưu dịch màng phổi của Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ; Ghế vệ sinh di động dùng cho bệnh nhân liệt 2 chi dưới của Bệnh viện Đa khoa thành phố đạt giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc năm 2009…

- Trong lĩnh vực y học cổ truyền và dược phẩm: Công tác nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm mới có giá trị và chất lượng cao, có tác dụng ưu việt được bán rộng rãi khắp toàn quốc, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của ngành dược. Tiêu biểu có các sản phẩm như: Rhomatic, Hoàn xích hương, Mộc hoa trắng, Chè vằng hòa tan của Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh

- Những thành tựu tiên tiến của y học đã được áp dụng trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân như: phẫu thuật nội soi; tán sỏi bằng phương pháp nội soi ngược dòng; phương pháp phaco trong phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo; thay máu ở trẻ sơ sinh để điều trị bất đồng nhóm máu mẹ - con; dẫn lưu não thất; thay khớp háng; kỹ thuật nút mạch gan, tử cung để cầm máu; siêu âm can thiệp; nội soi can thiệp (cầm máu dạ dày, tá tràng, sinh thiết sùi, loét…)  được triển khai có hiệu quả; các máy xét nghiệm tự động 8 thông số, 16 thông số về  huyết học và sinh hóa phục vụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả; Sử dụng bơm tiêm điện, máy truyền dịch thay thế cho phương pháp truyền thống với một số thuốc cấp cứu đặc biệt.

- Trong lĩnh vực Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng đã áp dụng một số phương pháp mới như xung điện kết hợp hồng ngoại trong điều trị U xơ tuyến tiền liệt, bó Parafin giảm đau trong điều trị co rút cơ, kéo giãn thoát vị đĩa đệm…

- Trong  lĩnh vực YHCT áp dụng phương pháp dùng dây chuyền công nghệ sắc thuốc tự động, đóng gói sẵn cho bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú hết sức thuận tiện và đảm bảo chất lượng, ít tốn kém, giảm công sức cho cán bộ viên chức phục vụ.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một trong những giải pháp được đẩy mạnh. Hiện nay, đã có nhiều bệnh viện triển khai phần mềm tin học hỗ trợ cho công tác quản lý hoạt động bệnh viện, quản lý bệnh nhân khám bệnh, điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý cận lâm sàng, quản lý dược - vật tư, quản lý bảo hiểm y tế, quản lý tài chính bệnh viện, góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm bớt thủ tục cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

- Trong lĩnh vực y tế dự phòng: Áp dụng công nghệ trong bảo quản, sử dụng vắc xin có hiệu quả, giảm tai biến. Áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện sớm các dịch bệnh nguy hiểm như cúm AH1N1, cúm AH5N1, tiêu chảy cấp nguy hiểm....

Việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị đã giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến huyện và tuyến tỉnh, giảm chi phí, góp phần giảm tải cho tuyến trên, thực hiện công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Mặc dù còn nhiều khó khăn song có thể nhận thấy, bằng việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng công tác khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; công tác phòng chống dịch bệnh phát huy hiệu quả, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, một số dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, cúm A (H1N1, H5N1) được phát hiện sớm, khống chế và đẩy lùi; toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra; công tác dân số - KHHGĐ có nhiều tiến bộ, góp phần đạt mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Trong thời gian tới, Hội đồng Khoa học Kỹ thuật ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong  ngành đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chẩn đoán, cấp cứu, điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo chức năng và nhiệm vụ của đơn vị. Tạo mọi điều kiện để cán bộ KHKT được cập nhật công nghệ mới, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật nhằm nâng caao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Võ Viết Quang - Sở Y Tế Hà Tĩnh