Vai trò của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa xã hội ở Hà Tĩnh.

Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch của Hà Tĩnh đã ngày càng được quan tâm đẩy mạnh và đạt được khá nhiều kết quả đáng khích lệ.
C ác nhiệm vụ khoa học và công nghệ đều tập trung hướng nghiên cứu làm rõ cả về lý luận và thực tiễn những vấn đề về phát triển văn hóa được ghi trong các Nghị quyết của Đảng, các Luật, Nghị định, Thông tư và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành. Kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu khoa học trở thành tài liệu quan trọng cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, dân tộc thiểu số, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc….
Trong 10 năm qua, khoa học và công nghệ đã góp phần đắc lực giải quyết các vấn đề đặt ra trên lĩnh vực văn hóa, nhất là đáp ứng thông tin đa dạng, nhanh chóng của nhân dân cũng như những nội dung cơ bản về xây dựng con người Hà Tĩnh, xây dựng môi trường vǎn hóa, phát triển sự nghiệp vǎn học - nghệ thuật… Một số đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã được nghiên cứu, nghiệm thu và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt như: “Xây dựng vốn tư liệu địa chí Hà Tĩnh”, “Bước đầu nghiên cứu thực trạng kinh tế và xã hội dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh và đề xuất giải pháp phát triển”, “Nghiên cứu văn hóa làng và làng văn hóa Hà Tĩnh”, “Xây dựng mô hình tổ chức truyền thông khoa học, công nghệ, môi trường cơ sở”, “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Hát ví Sông La”, “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Hò Thạch Khê”, “Nghiên cứu lễ hội dân gian Hà Tĩnh”, “Nghiên cứu văn học Hà Tĩnh thế kỷ XX”, “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá người Mã Liềng”, “Nghiên cứu ảnh hưởng của dòng họ trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội ở Hà Tĩnh”, “Nghiên cứu, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn Hà Tĩnh”, “Nghiên cứu các giá trị di sản chùa Hương Tích vào khai thác phát triển du lịch”, “Đại thi hào Nguyễn Du và không gian văn hóa Hồng Lam”, “Nghiên cứu giá trị văn hóa làng Trường Lưu, huyện Can Lộc trong việc xây dựng mô hình làng văn hóa – du lịch”, “Bảo tồn và phát huy Lễ hội đền Lê Khôi”, “Bảo tồn và phát huy Lễ hội đền Nguyễn Thị Bích Châu”, “Địa danh Hà Tĩnh”... Tất cả đề tài này đều được ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội, nhiều đề tài đã được xuất bản thành sách để nghiên cứu, học tập, ứng dụng.
Đặc biệt, hiệu ứng từ những đề tài này cùng với các chủ trương, chính sách đúng đắn của tỉnh, nền văn hóa – xã hội của tỉnh nhà ngày càng có những chuyển biến mạnh mẽ. Xác định con người là mục tiêu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như xây dựng đời sống văn hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh xuống cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, tổ chức và hưởng thụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; 5 đức tính xác định trong Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã được cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế địa phương, từng đơn vị và từng đối tượng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động và tổ chức rộng khắp, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ…. Đức tính cần cù, hiếu học, trọng nghĩa tình, đoàn kết, tương thân tương ái - những bản sắc ấy của con người Hà Tĩnh ngày càng được khẳng định và phát huy. Nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Nhận thức về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, truyền thống yêu nước, trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của người dân được nâng cao; ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của công dân đối với đất nước, xã hội, với cộng đồng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến về phong trào xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình công cộng và các hoạt động phúc lợi xã hội... Tất cả đã góp phần tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực văn hóa, môi trường văn hóa, chuẩn mực đạo đức của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: khoa học công nghệ chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy, chưa tạo sự gắn kết có hiệu quả giữa nghiên cứu với ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và với tổ chức hoạt động thực tiễn. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học về văn hóa chưa nhiều, kinh phí cho hoạt động này còn thấp, chưa có những đề tài thật sự nổi bật…
Trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch có rất nhiều những mục tiêu, sự kiện nổi bật, đòi hỏi sự đóng góp cụ thể tích cực của lĩnh vực khoa học và công nghệ. Cụ thể như: vấn đề phát triển kinh tế du lịch và phát triển du lịch bền vững; nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; những vấn đề văn hóa trong gia đình nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình, gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong các khu dân cư… chính vì vậy, hoạt động khoa học và công nghệ của Ngành sẽ định hướng vào những vấn đề trọng tâm, đó là:
Đ ẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, đưa khoa học và công nghệ ngày càng gắn bó hơn với hoạt động quản lý, thực tiễn, tăng cường hàm lượng tri thức trong các sản phẩm của ngành, để đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch hiệu quả và bền vững.
Tập trung chỉ đạo xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của khoa học và công nghệ đối với quá trình phát triển nhanh và bền vững của toàn ngành. Từ đó xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm và định hướng phát triển khoa học và công nghệ của ngành, lĩnh vực hoạt động của mình; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả các công trình nghiên cứu khoa học tại các đơn vị. Phải đề xuất được những nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính đột phá nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực tiễn quản lý và hoạt động, đảm bảo hàm lượng khoa học, và tính ứng dụng cao. Trong những nhiệm vụ khoa học đề xuất, cần ưu tiên những nhiệm vụ khoa học giải quyết vấn đề mang tính cấp bách quan trọng đối với từng lĩnh vực; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ mục tiêu phát triển tại từng đơn vị; kết hợp giữa lý luận với thực tiễn…

Phan Thư Hiền - Phó GĐ Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch Hà Tĩnh