Vai trò của tổ chức cơ sở đảng đối với việc lãnh đạo ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà

Mục tiêu phát triển của Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được xác định rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai (khoá VIII) và được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: "Nâng cao năng lực và hiêụ quả hoạt động của khoa học và công nghệ. Phấn đấu đến năm 2010, năng lực KH&CN nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực quan trọng". Để đạt được mục tiêu đó, Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XVI đã xác định: "... Tăng cường chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao..."
Nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc ứng dụng KH&CN nhằm đẩy mạnh việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
5 năm qua cùng với việc nổ lực của các cấp, các ngành, của quân và dân tỉnh nhà, các tổ chức cơ sở Đảng đã thể hiện vai trò tiên phong lãnh đạo ứng dụng KH&CN khá rõ nét, có hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa bàn trong toàn tỉnh. Căn cứ vào định hướng, hướng dẫn chỉ đạo giúp đỡ của ngành KHCN cấp trên, các tổ chức đảng cơ sở đã đưa vào Nghị quyết của Đai hội Đảng bộ, chi bộ và các Nghị quyết chuyên đề về mục tiêu, phương hướng giải pháp ứng dụng KH&CN, dựa trên yêu cầu thực tế của địa phương mình. Cũng từ đó tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Nhờ chủ trương đúng đắn trên nên những thành tựu, kết quả ứng dụng KH&CN đã đạt được khá rõ nét, có hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều ngành, nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên ở bài viết này tôi xin nêu lên một số kết quả điển hình chủ yếu ở lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn. Hy vọng từ kết quả này chúng ta nhân rộng để việc ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng đơm hoa, kết trái.
Trước hết là các đảng bộ, chi bộ cơ sở vùng đồng bằng ven biển, vùng núi được sự hướng dẫn giúp đỡ của ngành KH&CN tỉnh, phối hợp với chính quyền huyện, thị, thành phố những năm qua đã ứng dụng khá thành công việc tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng hoang mạc hoá vùng ven biển khu vực từ Cửa Sót đến Cẩm Nhượng, xác định nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa. Xây dựng thành công 3 mô hình phát triển kinh tế bền vững bao gồm: mô hình cải tạo đất và trồng 10 ha lạc L14 theo hướng thâm canh, đạt năng suất bình quân 3,2 tấn/ha ở khu vực nội đồng và 2,4 tấn/ha ở khu vực đất cát ven biển được cải tạo (cao hơn đối chứng trên 20%); Mô hình sản xuất giống và trồng 30 ha giống keo lai và Neem chịu hạn đã phát triển xanh tốt, tạo vành đai chắn gió, chắn cát, cải tạo tiểu vi khí hậu cho vùng cát trắng hoang hoá; 22 hộ gia đình đã được hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư mô hình chăn nuôi bò cho thu nhập khá. Với kết quả bước đầu thu được, kết hợp các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo, thông tin truyền thông, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức kỹ thuật và thu nhập cho người dân vùng ven biển Hà Tĩnh.
Ở khu vực miền núi, Đảng bộ xã Sơn Quang huyện Hương Sơn, phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (thuộc Sở KH&CN Hà Tĩnh) xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông thôn bền vững, chuyển giao công nghệ xây dựng thành công 3 mô hình, bao gồm: vườn ươm sản xuất giống bưởi đường, quy mô 6000 cây/năm, và được nhân rộng đến các xã như Sơn Bằng, Sơn Lĩnh, Sơn Trung, Sơn Trường, Sơn Tây... góp phần phục tráng và bảo tồn giống bưởi đường truyền thống và trồng 10 ha bưởi đường; trồng 15 ha lạc cao sản bằng giống L14 và L23, đạt năng suất bình quân 3,5 tấn/ha. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và nhiều người dân được trang bị kỹ thuật về bảo tồn và phát triển bền vững cây bưởi đường cũng như kỹ thuật trồng Lạc góp phần nâng cao nhận thức mức sống cho người dân vùng núi. Ngoài ra ở vùng nông thôn miền núi còn được Sở KH&CN quan tâm đầu tư xây dựng một số mô hình như: phát triển vùng mây nguyên liệu tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Hương Sơn. Thạch Hà ..., mô hình nuôi ong lấy mật ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... nhiều đề tài, dự án khoa học được nhân rộng đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ở lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học: sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý môi trường ao nuôi tôm, sản xuất cây giống gió trầm; ứng dụng công nghệ Thái Lan vào sản xuất, nhân nhanh các loại hoa phong lan và địa lan tại Hà Tĩnh; ứng dụng Công nghệ trong chế biến hải sản, Công nghệ bảo vệ cây trồng, vật nuôi, ... cũng được các tổ chức đảng cơ sở quan tâm lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện theo định kỳ và đột xuất.
Thực hiện phương châm gắn giữa nghiên cứu với thực tiễn, tập trung đổi mới công nghệ, chuyển giao các tiến bộ KH&CN mới nhất, hiệu quả nhất, 5 năm qua toàn tỉnh đã triển khai 124 đề tài, dự án trong đó có 16 dự án cấp Nhà nước và cấp bộ, 108 đề tài, dự án cấp tỉnh về các lĩnh kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, điều tra cơ bản và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Trên đây là một số thành tích, kết quả đạt được mà trong đó vai trò lãnh đạo của cơ sở Đảng hết sức quan trọng, tuy nhiên còn khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra trong việc ứng dụng KH&CN để đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay đang triển khai và thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, dành một phần đất sản xuất nông nghiệp cho các dự án công nghiệp vì vậy vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng trong lãnh đạo ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống là rất lớn, có những việc gặp không ít khó khăn đòi hỏi ngân sách đầu tư lớn mới thực hiện được. Để từng bước khắc phục khó khăn thực hiện được mục tiêu, phương hướng đã đề ra, cần phải có nhiều yếu tố và giải pháp tổng hợp. Song yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định thắng lợi cho việc ứng dụng KH&CN là vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở một số địa phương cơ sở do nhận thức phiến diện nên coi nhẹ việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất đời sống hoặc có nơi đảng bộ, chi bộ cơ sở thiếu quan tâm đầy đủ, phó mặc cho dân tự làm, ...
Thực trạng hiện nay ở nhiều địa phương, rất lúng túng trong việc tìm giải pháp để phát triển kinh tế bền vừng, xây dựng xã, phường giàu mạnh, no ấm, để làm cho người dân thoát nghèo một cách cơ bản, xây dựng thành công mô hình nông thôn mới. Lâu nay vấn đề đang trăn trở là phải kêu gọi được các nhà đầu tư, để tạo đà cho ứng dụng các mô hình kinh tế mới, song việc đặt ra là kêu gọi ai? mục tiêu thế nào? Làm sao cho có hiệu quả, đây là bài toán chưa dễ gì giải được.
Trở lại vấn đề đang trăn trở là phải trên cơ sở những gì chúng ta đã có, đã làm được cần giữ gìn và phát huy, khắc phục những tồn tại thiếu sót, bổ sung những giải pháp phù hợp. nhiệm vụ của các cấp, các ngành, đặc biệt là các tổ chức cơ sở Đảng cần tăng cường vai trò lãnh đạo để thực hiện có hiệu quả cao nhất việc ứng dụng KH&CN vào địa phương mình, ngành mình. Một phương châm lâu nay ta đã nêu ra là phải dám làm, biết làm, mạnh dạn ứng dụng, bây giờ vẫn phải tiếp tục, chú trọng vào những lĩnh vực mới, khó khăn, chấp nhận thất bại nhất thời để sau đó được thành công.
Để làm được nhiệm vụ to lớn, quan trọng trên, một lần nữa đòi hỏi vai trò định hướng mục tiêu, giải pháp của tổ chức Đảng cơ sở, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, có như vậy sự nghiệp phát triển KH&CN mới thành công. Thiết nghĩ đó cũng là việc làm thiết thực đưa mục tiêu phát triển KH&CN của Nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, chào mừng thành công đại hội Đảng các cấp, đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Trịnh Thị Hải Châu - Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ