V. Xây dựng mô hình khả thi về tích tụ ruộng đất
Chủ trương "khoán sản phẩm trong nông nghiệp" mà theo cách gọi dân dã là ... "khoán 10" 20 năm qua đã trở thành động lực tạo nên một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Rõ ràng là khi đã thực sự được làm chủ trên mảnh đất của mình, người nông dân đã đi theo con đường duy nhất đúng là thâm canh trên cơ sở phát huy độ phì nhiêu thực tế(
ĐPNTT) của một đám đất cụ thể để thu được năng suất cao tính bằng tiền chứ không còn câu nệ về những con số tấn, tạ.
Thế nhưng nước ta đã vào WTO, đã được nhiều nước công nhận có kinh tế thị trường, nói nôm na đã có quyền mang nông sản đến bán ở cái “chợ khổng lồ” của xã hội loài người,
nơi người ta chỉ mua những cái họ cần chứ không phải những cái ta có.
Từ đây, thuộc tính hàng hóa của nông sản làm ra phải mang một chất mới, phải có những điều kiện cần và đủ để cạnh tranh. Theo thiển ý của chúng tôi, cần nghiên cứu để xây dựng vài mô hình về tích tụ ruộng đất ngay từ bây giờ dựa trên mấy yếu tố chủ yếu sau đây :
Một là,
nông sản lưu thông trên thị trường phải là nông sản chiến lược, rất nhiều nước cần nhưng không sản xuất được do khí hậu, thời tiết không phù hợp hoặc sản xuất được với giá thành cao hơn chúng ta.
Loại nông sản chiến lược ấy có thể chung cho cả nước, có thể đặc trưng cho từng vùng.
Hai là,
nông sản ấy phải có chất lượng cao về gía trị dinh dưỡng, không chứa độc tố như kim loại nặng và tàn dư thuốc bảo vệ thực vật. Gần đây, bổ sung vào khái niệm "chất lượng" còn có thương hiệu đặc trưng như tên vùng sản xuất với những hồ sơ xác nhận đã thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Phải thừa nhận chất lượng nông sản hiện nay ở nước ta còn kém nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển. Minh chứng sinh động về chất lượng không đạt tiêu chuẩn có thể tìm thấy ở những nơi sản xuất các giống lúa đặc sản do các đối tác nước ngoài đem vào gieo trồng ở nước ta, điển hình là nếp Nhật Bản, gạo Đài Loan, vừng hạt một vỏ tỷ lệ dầu và prôtêin cao.
Ba là,
tiềm năng kinh tế của từng hộ nông dân nước ta hiện nay còn qúa thấp, không đủ điều kiện để đầu tư vào thâm canh đúng với những biện pháp kỹ thuật tối thích nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nên thu nhập của người nông dân tăng trưởng còn rất chậm. Hơn thế, khi canh tác trên những diện tích nhỏ, manh mún khó có điều kiện để đồng nhất ĐPNTT, đồng nhất về hiệu lực phân bón, chất lượng giống ban đầu cũng như thời vụ gieo trồng và gặt hái.
Bốn là,
khác với công nghiệp, sản xuất nông nghiệp có không gian rộng hơn, lực lượng lao động nhiều hơn, ảnh hưởng của khí hậu thời tiết lớn hơn trong lúc hiểu biết về kỹ thuật của nông dân lại không đồng đều nên lợi nhuận thu được cũng rất khác nhau.
Năm là,
khi đã có chủ trương đúng và biện pháp kỹ thuật tối thích vẫn rất cần sự chỉ đạo cụ thể, sát sao, điều chưa thật phổ biến trong hoạt động thực tiễn.
Sáu là,
mức độ tiếp nhận thông tin về khoa học và thị trường chưa thật phổ biến kịp thời và rộng rãi trong nông dân đã hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh trên thị trương quốc tế cũng như trong nước.
Với những lý do kể trên, thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới phương thức quản lý đất đai, thay đổi quyền sử dụng đất nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ nông dân trong cơ cấu dân số, đồng thời cũng tăng nhanh hiệu quả của việc sử dụng đất. Tích tụ đất đai sẽ tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tăng cường khả năng hiệp tác trong lao động và trong sử dụng thiết bị, tạo sự đồng thuận trong các chủ trương kỹ thuật và trong chỉ đạo sản xuất. Nhờ tích tụ đất đai mà điều tra cơ bản cũng khoa học hơn, tránh phân vùng quy hoạch một cách tuỳ tiện, duy ý chí, chọn lựa cơ cấu cây trồng và vật nuôi chuẩn xác hơn, vận dụng khái niệm ĐPNTT nhuần nhuyễn hơn. Đấy cũng chính là môi trường thuận lợi để chọn lọc cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật giỏi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế càng ngày càng cao, nhằm tạo lập một nền sản xuất bền vững về nông nghiệp nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế của Hà Tĩnh nói chung. Tất nhiên phải rất thận trọng trong việc xác định bước đi, biện pháp thực hiện, tránh những thất bại không đáng có từ những quyết định không hợp quy luật và lòng người.
VI. Liên kết các “nhà” trong nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật về đất và phân bón
Để đạt được hai mục tiêu chủ yếu đã nêu ở phần mở đầu, chủ trương
“liên kết các nhà”
trong nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật về đất và phân bón có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới tuy không đúc kết thành câu chữ nhưng trong thực tiễn đã thực hiện từ lâu. Nhìn chung trong cả nước mấy năm gần đây những thành công của mối liên kết này cũng đã xuất hiện nhưng còn nhỏ nhoi về quy mô diện tích, về sản lượng và chậm chuyển hóa từ điểm ra diện, chưa nói tới những khiếu nại, tranh chấp vẫn thường xẩy ra ở nơi này, nơi khác mà người phải hứng chịu hậu quả không mong muốn đó không ai khác là nông dân vốn đang rất cần nâng cao thu nhập.
Nguyên nhân chưa thành công có thể khác nhau nhưng phổ biến vẫn là “tiến bộ kỹ thuật” không phải là tiến bộ kỹ thuật vì chưa qua khảo nghiệm nghiêm túc, chất lượng cây giống, con giống không đạt tiêu chuẩn cần có, nông sản chiến lược chưa xác định đúng, hiểu biết chưa đầy đủ về ĐPNTT, chưa quan tâm đến năng suất kinh tế tối đa, phân công trách nhiệm giữa các “nhà” không rõ ràng, chưa công bằng trong phân phối lợi nhuận, pháp luật chưa được vận dụng vào hoạt động liên kết v...v...
Về vấn đề này, với Hà Tĩnh chỉ đề nghị nên tập trung vào vấn đề liên kết song phương giữa những nhà khoa học trong tỉnh với các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu trung ương để có những nghiên cứu cơ bản sâu hơn nhằm phát hiện ra những quy luật đặc thù về tính chất đất và hiệu lực phân bón trên các loại đất ở Hà Tĩnh.
Hiện nay trong qúa trình triển khai
chỉ thị
115 về KH & CN, đang có những nhận định khác nhau về khái niệm
“nghiên cứu cơ bản”.
Mọi việc sẽ vô cùng đơn giản khi phân biệt được hai cụm từ
“khoa học cơ bản”
-
toán, lý, hóa, sinh, sử, địa v.v...
với
“nghiên cứu cơ bản”
với nội hàm của khái niệm này là
nghiên cứu cấu trúc và cơ chế
trong nghiên cứu ứng dụng. Thí dụ không nghiên cứu Fe trong đất lúa thì làm sao hiểu được cơ chế giải phóng lân trong đất nói chung và trong vụ Xuân khác vụ Mùa ở chỗ nào? Nếu không nghiên cứu cơ bản thì làm sao biết được các giống lúa mới năng suất cao rất cần lân và không thể gieo trồng trên những đất có dung tích hấp thu nhỏ hơn 5 mili đương lượng trên 100 gam đất; các giống ngô lai lại đòi hỏi một lượng kali lớn, đặc biệt kali ở dạng Sulphát... (Cũng nhờ nghiên cứu cơ bản mà trên mô hình Thạch Văn hiểu được tầm quan trọng của độ ẩm và dung tích hấp thu để có thể xây dựng một mô hình bền vững trên vùng cồn cát gần như thành phần hóa học chỉ là... thạch anh cũng như khả năng tích luỹ hữu cơ từ rễ cây keo lai).
Để thuận tiện trong liên kết về nội dung này, nên chăng ở Hà Tĩnh cần
xây dựng một phòng phân tích trung tâm
phục vụ nhiều hoạt động khoa học của các ngành khác nhau chứ không chỉ riêng cho đất và phân bón?
Trong việc này ngoại giao nhân dân có vị trí không nhỏ.
Trong liên kết, theo chúng tôi cần có thêm một “nhà” nữa là “nhà băng” - ngân hàng. Rõ ràng là khi ngân hàng tham gia vào việc giám sát qúa trình sản xuất sẽ thấy rõ quy mô đồng vốn cần đầu tư đồng thời cũng hạn chế được hiện tượng dùng tiền vay để mua sắm những tư liệu tiêu dùng chứ không phải vào sản xuất.
VII. Quy hoạch và tư vấn sử dụng đất bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững
Thực tiễn đã chứng minh sử dụng đất hợp lý, nâng cao và ổn định độ phì nhiêu của đất là một bộ phận hợp thành chiến lược phát triển nông nghiệp trong đó
quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt xét về mục tiêu phát triển bền vững.
Đây là một việc làm nghiêm túc bởi quy hoạch là sản phẩm của tinh thần trách nhiệm và trí tuệ.
Nói trách nhiệm tức là nói đến sự thận trọng cần có và phải có
của những người đề xuất chủ trương và tiếp theo là
vai trò của cán bộ tham mưu và chuyên gia phản biện
khi quyết định quy mô, địa bàn, loại hình kinh tế, công nghệ đem áp dụng, sự lựa chọn cây, con cùng bước đi của công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên một địa bàn cụ thể. Những bài học về ngẫu hứng, duy ý chí, bắt nguồn từ độc quyền tư duy, mang lại những thất bại đắng cay trong quy hoạch ở các nước đang phát triển cũng như ở nước ta không phaỉ là ít.
Nói trí tuệ, trước hết phải nói đến chất lượng điều tra cơ bản.
Đây là những vấn đề rất tổng hợp, yêu cầu phải được xem xét đồng bộ ngay từ đầu. Không ít trường hợp sai lầm trong quy hoạch do cách làm vội vàng, hời hợt khi điều tra cơ bản.
Đất không thể sinh sôi mà chỉ giảm dần do công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thế nhưng phân tích thật kỹ hiện trạng một số khu công nghiệp,
ta có thể thấy hàng loạt những thiếu sót đã không xẩy ra nếu khoa học đất có tiếng nói của mình trước khi trở thành nghị quyết
. Trong quy hoạch, hiện tượng dự án này chồng lên dự án kia trên cùng một địa bàn cũng chẳng hiếm thấy.
Cuộc sống đang đòi hỏi phải bổ sung nhiều điều khoản trong luật đất đai.
Khoa học đất với nhiệm vụ đứng hàng đầu là sử dụng đất hợp lý đạt hiệu quả kinh tế cao phù hợp quy luật và lòng người cần có tiếng nói của mình trong những quyết định quan trọng có liên quan tới đất.
Chính vì vậy, việc ra đời các tổ chức tư vấn sử dụng đất là vô cùng cần thiết. Về mặt tổ chức có thể trực thuộc UBND tỉnh hoặc Sở KH& CN với tư cách một cơ quan quản lý tất cả các ngành khoa học trong tỉnh hoặc một Sở có liên quan tới đất với trách nhiệm rõ ràng và quyền hạn có giá trị đích thực. Mở rộng hoạt động phản biện để đạt sự đồng thuận cao nhất.
VIII. Nâng cao hiểu biết về khoa học đất cho người nông dân
Thông thường khi nói đến "đầu vào - đầu ra" người ta thường chú ý đến các nhân tố có liên quan đến
tiền vốn và vật tư kỹ thuật
mà xem nhẹ giá trị chất lượng của lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật. Nói cụ thể hơn, người ta ít chú ý đến khả năng tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của những người trực tiếp sản xuất, một
"nhân tố nội lực"
cực kỳ quan trọng, góp phần quyết định cho sự thành công của một quá trình sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng .
Nếu phân tích hai ngành sản xuất chính của xã hội là công nghiệp và nông nghiệp ta thấy ngay sự khác nhau, thể hiện ở các mặt sau đây:
- Sản xuất nông nghiệp tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên, đặc biệt là khí hậu thời tiết. Con người hoàn toàn không thể lặp lại một quá trình sản xuất nông nghiệp thứ hai giống hệt quá trình sản xuất thứ nhất. Chính vì vậy việc tuân thủ các biện pháp kỹ thuật đòi hỏi người sản xuất phải được thực hiện một cách nghiêm túc.
- Sản xuất nông nghiệp diễn ra trên quy mô rộng lớn hơn nhiều so với sản xuất công nghiệp nên sự chỉ đạo cũng khó khăn hơn, đòi hỏi người sản xuất phải biết chủ động vận dụng một cách sáng tạo .
- Lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn đông đảo hơn nhiều so với công nghiệp. Vì vậy, sự chênh lệch về hiểu biết và vận dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng rõ nét hơn.
Công bằng mà nói trong sản xuất hiện nay cũng đã có những người lao động giỏi, am hiểu và vận dụng khoa học kỹ thuật khá tốt, có thu nhập cao giàu lên rất nhanh chóng song số ấy chưa nhiều. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của sự phân hoá giàu nghèo trong nông thôn là do thiếu vốn để đầu tư. Điều đó đúng nhưng chưa phải là nguyên nhân duy nhất. Không ít nông dân đã được vay vốn nhưng hiệu quả của sản xuất không cao do hạn chế sự hiểu biết về khoa học - kỹ thuật .
Hơn bao giờ hết, việc nâng cao hiểu biết về đất và phân bón cho người nông dân có tầm quan trọng đặc biệt bởi đấy là một nội dung của công nghiệp hóa nông nghiệp, biến người nông dân thành một “công nhân nông nghiệp” không những biết tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mà còn biết làm những thí nghiệm đồng ruộng để phát hiện những tiến bộ kỹ thuật mới. Tất nhiên ngôn ngữ thể hiện những tài liệu này có thể ở dạng câu hỏi và câu trả lời, có thể “nhân cách hóa” nội dung khoa học nhằm tăng sức hấp dẫn của công tác tập huấn./.
GS,TS Nguyễn Vy
Nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa