Xây dựng khu kinh tế – quốc phòng để phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội, củng cố Quốc phòng – An ninh trên địa bàn miền núi là một phương thức quan trọng nhằm cụ thể hoá quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng của Đảng, đã khẳng định tính đúng đắn, phát huy tác dụng tích cực đối với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện nay.
Hiệu quả to lớn mà các khu kinh tế – quốc phòng đưa lại chính là đã tạo lập khu dân cư mới, giải quyết việc làm cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn có dự án, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hoá, y tế, tham gia tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân. Trong các mối quan hệ đó thì hoạt động kinh tế giữ vai trò trung tâm, song các hoạt động khác cũng là nội dung, mục đích chủ yếu của nhiệm vụ kinh tế – quốc phòng, gắn bó chặt chẽ và tác động lẫn nhau, làm cho mỗi bước phát triển kinh tế – xã hội là một bước tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn. Đặc điểm chi phối lớn nhất của khu kinh tế- quốc phòng đều ở vùng rừng núi, biên giới, nơi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, dân cư thưa thớt (có nơi suốt hàng chục cây số không có dân ở), dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, giao thông cách trở, đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện, tỉnh. Nhưng đây là địa bàn có ý nghĩa chiến lược về Quốc phòng – An ninh mà trong lúc các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, kích động, ly khai đẩy mạnh “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng Việt Nam.
Hà Tĩnh có diện tích đất tự nhiên là 6.054km
2
, trong đó đồi núi chiếm 80% có chiều dài biên giới giáp với nước bạn Lào 145km, dọc tuyến từ Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang có hàng ngàn ha đất còn hoang hóa chưa được khai thác sử dụng. Chỉ tính huyện Hương Sơn đã có 1.101km
2
đất tự nhiên thì rừng núi chiếm hơn 80% diện tích. Chất đất ở dọc tuyến biên giới rất thích hợp cho trồng các loại cây công nghiệp. Do còn bất cập nhiều vấn đề nên việc tận dụng khai thác tạo ra sản phẩm hàng hoá chưa được là bao. Chính vì vậy quan điểm “tấc đất- tấc vàng” chưa được chuyển hoá bằng hành động cụ thể. Hiện nay trên địa bàn Quân khu 4 có 4/6 tỉnh đã xây dựng được khu kinh tế – quốc phòng (Hà Tĩnh và Quảng Bình chưa hình thành được) với tổng diện tích 183.000ha. Các khu kinh tế – quốc phòng trên địa bàn quân khu có quy mô xây dựng không giống nhau về diện tích, nguồn vốn, chủng loại cây trồng… nhưng có đặc điểm chung là những khu vực xung yếu về Quốc phòng – An ninh; nằm trên vành đai biên giới phía tây. Tại các địa bàn này, khi chưa hình thành khu kinh tế – quốc phòng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, các hoạt động xâm nhập trái phép qua biên giới, cài cắm, móc nối, buôn bán ma tuý, di dịch cư tự do, lén lút truyền đạo trái pháp luật diễn ra thường xuyên, khó kiểm soát ngăn chặn.
Sau khi hình thành được các khu kinh tế – quốc phòng, các hành vi trên đã giảm mạnh đang có xu hướng bị ngăn chặn do có nhiều biện pháp hữu hiệu của các đơn vị bộ đội làm nòng cốt trong nhiệm vụ này phối hợp cùng với các lực lượng tại chổ khác.
Xét về các yếu tố tự nhiên và xã hội, tỉnh ta có đủ khả năng, hình thành được dự án khu kinh tế- quốc phòng tại địa bàn miền núi. Trên thực tế hiện nay phân bổ dân cư trên các vùng sinh thái: đô thị, đồng bằng, tuyến biển và trung du miền núi chênh lệch rất lớn. Nếu ở đô thị, đồng bằng mật độ dân số từ 2.000 – 2.800 người/1km
2
thì ở miền núi trung bình 114 người/1km
2
(cá biệt có nơi 15 người/1km
2
). Phương án mở rộng đô thị cũng chỉ là tăng chổ này, giảm chổ kia, kết cục làm cho diện tích đất đồng bằng bị thu hẹp lại, hộ gia đình trồng lúa phải tính cách chuyển đổi làm ăn theo ngành nghề khác. Hình thành được khu kinh tế – quốc phòng sẽ góp phần phân bổ lại dân dư, hình thành các cụm và khu dân cư mới. Đây là một trong giải pháp mang tính khả thi nhằm khắc phục tình trạng “phố phường chật hẹp người đông đúc”. Đây cũng là nguồn nhân lực tại chổ để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh mà còn củng cố quốc phòng, sẵn sàng tham gia bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang trong tình huống khi có chiến tranh xẩy ra.
Nơi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, giao thông cách trở, đi lại hết sức khó khăn chính đây cũng là nguyên nhân chưa thu hút dân cư đến lập nghiệp. Thiết lập được khu kinh tế – quốc phòng cho phép xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng: điện - đường- trường – trạm, những nhu cầu thiết yếu quan trọng nhất.
Nhà nước khuyến khích mọi công dân, mọi hộ gia đình làm giàu chính đáng đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình mới. Trên thực tế kinh tế trang trại cho phép mở mang phát triển cây trồng, vật nuôi, góp phần xoá đói giảm nghèo giải quyết việc làm, đồng thời tạo thế, tạo lực, hậu cần tại chỗ, Nếu người dân được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần lúc đó mới “an cư lạc nghiệp”. Đây cũng là cách thức thiết thực nhất ông cha ta thường nói “cho cần câu hơn cho xâu cá”.
Ngoài tổ chức sản xuất tạo nhiều sản phẩm hàng hoá, lực lượng tại chỗ khu kinh tế – quốc phòng còn tham gia giải quyết các vấn đề tôn giáo, dân tộc, ổn định và giữ vững an ninh chính trị trật tự – an toàn xã hội; tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, củng cố thế trận lòng dân, thế trận Quốc phòng – An ninh ở những địa bàn chiến lược. Hoạt động của khu kinh tế – quốc phòng có hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế – quốc phòng, cả về chính trị xã hội, là tiếp tục tạo lập thế trận khu vực phòng thủ, hình thành tiềm lực hậu cần tại chổ. Đặc biệt hiện nay cả nước đã và đang thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng. Đây là mô hình góp phần đẩy mạnh dự án đó, mang tính lưỡng dụng cao.
Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, địa bàn rừng núi là căn cứ khởi nghĩa, căn cứ hậu phương. Trong điều kiện ngày nay, cùng với “biển bạc”, cần phải khai thác “rừng vàng” một cách có hiệu quả để hai nhiệm vụ chiến lược luôn song hành với nhau. Xây dựng, phát triển dự án khu kinh tế – quốc phòng là hướng đi đúng mang lại lợi ích lâu dài cho quê hương, đất nước. Giữ vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ này, Bộ chỉ huy QS tỉnh tích cực làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp trên những giải pháp cụ thể, thích hợp mở hướng nghiên cứu mới cả về lý luận và thực tiễn, coi đây là một đóng góp tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra./.
Thượng tá: Trần Hậu Tam - Trưởng ban KHCN-MT- Bộ CHQS Hà Tĩnh