Để thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KT - XH, Hà Tĩnh phải lấy chiến lược đào tạo nguồn nhân lực làm khâu đột phá. CNH vừa đòi hỏi, vừa tạo thời cơ để đẩy vấn đề xây dựng nguồn nhân lực Hà Tĩnh lên một tầm cao mới. Về mặt chiến lược, nếu Việt Nam lấy yếu tố lao động đông và nhân công rẻ làm một lợi thế thu hút đầu tư, thì Hà Tĩnh phải tạo được lợi thế cạnh tranh từ yếu tố nguồn nhân lực so với các địa phương khác khi bước vào hội nhập. Theo chúng tôi, những tư tưởng cơ bản chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay là:
Huy động sức mạnh toàn xã hội vào việc xây dựng nguồn nhân lực; Có chính sách giải phóng và phát huy tiềm năng của người lao động; Lấy kết quả và hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá quan trọng nhất; Phát triển nguồn nhân lực bám sát thị trường lao động; Quản lý tốt phát triển nguồn nhân lực; Tạo động lực kích thích mọi người chăm học, chăm làm, động viên tính tích cực xã hội của người lao động, làm cho họ năng động, cầu tiến, sáng tạo; Xây dựng và thực thi chính sách trọng dụng người tài.
1.
Phải đặt giáo dục phổ thông vào vị trí hàng đầu trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực.
Lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn các nước trên thế giới cho chúng ta thấy rằng giáo dục phổ thông là nền tảng căn bản nhất trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho CNH. Có thể trước mắt để có được một lượng rất lớn cán bộ, công nhân kỹ thuật cho những dự án đã và sắp được triển khai ở Hà Tĩnh, vấn đề đào tạo nghề trở thành một "điểm nóng". Song ngay cả trong trường hợp đó, vẫn phải đặt vấn đề giáo dục phổ thông vào vị trí hàng đầu trong chiến lực xây dựng nguồn nhân lực. Giới hạn trong phạm vi một địa phương như Hà Tĩnh, nhu cầu về cán bộ, công nhân kỹ thuật cho các dự án, các khu kinh tế dù lớn đến mấy vẫn có thể được đáp ứng bằng nguồn lao động di cư như Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác chứ không chỉ bằng nguồn tại chỗ tự đào tạo của mình. Nhưng nếu không coi trọng đúng mức giáo dục phổ thông, đặt nó lên vị trí hàng đầu trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực thì con đường tiến lên trong tương lai của con em Hà Tĩnh sẽ bị bế tắc.
Muốn giáo dục phổ thông tạo được lợi thế cạnh tranh cho con em Hà Tĩnh trên thị trường lao động, trước hết chúng ta phải quay về với truyền thống cha ông "thực học để đào tạo người thực tài", "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", kiên quyết loại bỏ "bệnh thành tích" và "chủ nghĩa hình thức" trong giáo dục.
Quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội được bắt đầu từ trường phổ thông trên hai mặt: Một là, nhà trường trang bị được cho các em kiến thức cơ sở vững chắc để các em có thể bước vào một nghề nghiệp nào đó hoặc tiếp tục học ở những bậc học cao hơn; Hai là, nhà trường giúp các em hình hành một định hướng phát triển đúng đắn trong tương lai. Người Hà Tĩnh có "lòng tự hào về đất học". Nhưng trong thực tế, chỉ "Phần ngọn" không quá 10% học sinh Hà Tĩnh có thể vào Đại học. "Phần gốc" - hơn 90% số học sinh còn lại chỉ có thể lập nghiệp qua con đường học nghề và phần lớn trong số đó sẽ hành nghề ngay tại quê hương, thành nguồn nhân lực chủ yếu bổ sung hàng năm cho CNH là lực lượng trực tiếp làm giàu cho mảnh đất Hà Tĩnh. Giáo dục phổ thông Hà Tĩnh, do vậy, cần giành sự quan tâm đặc biệt đến "phần gốc" này. Cần lưu ý rằng nhiều khi "lòng tự hào về đất học" dễ dẫn không chỉ các em, mà trước hết là phụ huynh học sinh đến một quan niệm sai lầm, cho rằng chỉ có con đường vào đại học mới là thành đạt. Khi mà "tính hướng nghiệp" không được hình thành một cách đúng đắn trong phần lớn học sinh phổ thông, sẽ đẩy các em vào tình thế lúng túng, bị động lúc bước vào đời, và do vậy để làm các em "ảo tưởng", "đánh mất mình" lúc chọn nghề. Giáo dục phổ thông cần giúp cho các em tránh được nhận thức sai lầm rằng chỉ có con đường vào Đại học mới là thành đạt. Đồng thời, và rất quan trọng là giúp các em "tự phát hiện ra mình" để có định hướng lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn.
"Quỹ khuyến học" là một hình thức rất quan trọng trong phương châm xã hội hoá giáo dục, tạo ra một xã hội học tập. Có "Quỹ khuyến học" gắn với các địa phương xã, huyện, có "quỹ khuyến học" của từng dòng họ gia đình. Không chỉ về mặt vật chất, "quỹ khuyến học" còn thu hút, lôi cuốn, nâng cao trách nhiệm, tinh thần tình cảm của các lớp cha anh đi trước, truyền sức mạnh ý chí, tinh thần, tình cảm này cho các thế hệ trẻ tiếp theo, noi gương cha anh, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, của gia đình là một kết quả rất quan trọng của "quỹ khuyến học" đối với lớp trẻ. Cần tạo mọi cách mở rộng, phát triển quỹ khuyến học, tăng thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho sự nghiệp giáo dục.
2. Phấn đấu tạo một bước tiến mới trong đào tạo nghề.
Xét một cách tổng quát, đào tạo nghề Hà Tĩnh phải từng bước hướng tới xoá bỏ những mặt bất cập chung của đào tạo nghề cả nước như:
Không có cơ sở để xác định mục tiêu đào tạo và thiết kế nội dung chương trình đào tạo hợp lý dẫn đến việc thiết kế mục tiêu và chương trình đào tạo tuỳ tiện; Không có cơ sở khoa học để xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo; Không có cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo, dẫn đến tình trạng chất lượng bị thả nổi; Không có cơ sở pháp lý và khoa học để kiểm định chất lượng đào tạo; Đào tạo không gắn với nhu cầu thị trường lao động; Thiếu đội ngũ giáo viên và quản lý đủ tiêu chuẩn; Phương pháp đào tạo bất cập; Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo nghề thiếu, lạc hậu
.
Hà Tĩnh tương lai sẽ trở thành trung tâm gang thép lớn nhất nước. Do vậy nhu cầu lao động cho khai mỏ, luyện, cán thép, cơ khí, điện và các ngành công nghiệp phụ trợ là rất lớn. Nhu cầu về các hoạt động dịch vụ cho sản xuất kinh doanh cũng như cho sinh hoạt của con người với những khu tập trung, hiện đại này như Ngân hàng, bưu điện, giao thông vận tải, nhà ở, nhà hàng khách sạn…cũng sẽ tăng nhanh. Đó là những ngành nghề với Hà Tĩnh hiện nay được coi là "nóng" cần có sự tập trung ưu tiên trong đào tạo.
Tuy không phải là "điểm nóng" nhưng lại rất cơ bản là
đào tạo nghề cho yêu cầu của quá trình biến đổi nền kinh tế truyền thống, mà trước hết là nông nghiệp
. Điều đó đòi hỏi trong công tác đào tạo phải giành sự quan tâm đúng mức nhu cầu lao động được đào tạo nghề cho kinh tế truyền thống. Cần đào tạo nghề cho nông dân, những người trồng rừng, trồng lúa, trồng rau, hoa, cây ăn quả…những người nuôi lợn, nuôi vịt, nuôi cá, nuôi lươn…để họ có thể trở thành những chủ hộ, chủ trang trại có khả năng tiếp nhận được những kỷ thuật, công nghệ thích hợp vào sản xuất, biết tổ chức sản xuất và quản lý một cách có hiệu quả cơ sở của mình, biết đưa sản phẩm hàng hoá của mình ra cạnh tranh trên thị trường. Phải đào tạo cho
cư dân các vùng du lịch biết làm du lịch
. Chúng tôi nghĩ rằng nếu từ nay đến 2015, Hà Tĩnh đào tạo được khoảng 1.000 chủ hộ nông dân, trong đó khoảng 20% trở thành những chủ trang trại giỏi, rồi từ đó nhân rộng ra thì trong tương lai không xa, nông nghiệp tỉnh ta sẽ có một bước tiến đáng kể trên con đường CNH.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ tổ chức quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tư nhân, các chủ trang trại, chủ hộ là nhân tố có tính quyết định thành công của CNH, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Ở các nước phát triển
"mức độ sẵn có cán bộ hành chính chất lượng cao
" và
"Mức độ sẵn có cán bộ quản lý chất lượng cao
" là những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo đội ngũ này không phải là mảng lớn nhất, nhưng là mảng quan trọng nhất trong đào tạo nghề cho CNH. Cần đưa Trường Chính trị tỉnh vào mạng lưới đào tạo nghề, mạnh dạn đổi mới công tác tổ chức đào tạo ở trường này để Trường Chính trị trở thành một trung tâm đào tạo nghề lớn của cả tỉnh, mà trọng tâm là đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước và quản lý kinh tế. Trong tiến trình cải cách hành chính nói chung, cần giành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức từ cơ sở đến huyện, tỉnh, làm cho hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở Hà Tĩnh không chỉ tạo được thuận lợi tốt nhất cho các thành phần, các lực lượng kinh tế tại chỗ phát triển, mà còn có sức hấp dẫn các lực lượng kinh tế bên ngoài đến đầu tư. Với một tỉnh nghèo, sức mạnh tài chính cho phát triển có hạn, lựa chọn đầu tư vào con người và bộ máy, làm cho quản lý nhà nước trở thành một lợi thế cạnh tranh là một sự lựa chọn rất hiệu quả.
Đa dạng hoá đào tạo đang trở thành xu thế tất yếu, nó gắn bó chặt chẽ với phương châm xã hội hoá giáo dục, tạo ra một xã hội học tập. Đa dạng hoá giáo dục, đào tạo là con đường cơ bản thực hiện mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực cho CNH. Khu vực kinh tế hiện đại mở ra ở Hà Tĩnh không biết bao nhiêu ngành nghề mới. Cơ cấu khu vực kinh tế truyền thống cũng có biến đổi mạnh làm nẩy sinh nhiều nghề mới. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Hà Tĩnh phải đào tạo mọi ngành nghề, mọi cấp bậc cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của mình. Không tính bậc Đại học, ngay đào tạo nghề ở các bậc Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng vậy, chỉ nên lựa chọn một số nghề cả trong khu vực truyền thống lẫn khu vực hiện đại, tập trung xây dựng một số cơ sở mạnh, làm nổi bật thương hiệu "đào tạo nghề Hà Tĩnh". Với những ngành nghề khác giải quyết bằng cách gửi học sinh đi học nghề. Cơ sở đào tạo của Bộ nào, Tỉnh nào giỏi về đào tạo nghề gì ta gửi học sinh đến học nghề đó. Hoàn toàn không nên phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề theo cách nghề nào chưa có trường, lớp đào tạo ta mở trường, lớp cho nghề đó. Điều đó không chỉ tiết kiệm chi phí xã hội, mà còn bảo đảm cho
học sinh học nghề của Hà Tĩnh dù học ở đâu, cũng được học ở trường tốt nhất.
Đa dạng hoá hình thức tổ chức đào tạo là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi loại đối tuợng có nhu cầu có thể được đào tạo. Ngoài những hình thức tổ chức đào tạo phổ biến hiện nay như: Chính quy tập trung; Tại chức; Chuyên tu, cần đặc biệt quan tâm đến các hình thức "
truyền nghề", "đào tạo gắn với chuyền giao công nghệ", "đào tạo theo chương trình, dự án
". "Truyền nghề" giữa các nghệ nhân, các thợ lành nghề cho con cháu kế tiếp trong các làng nghề truyền thống là một hình thức đào tạo mang tính "dân gian", nhưng rất hiệu quả. Nhiều địa phương đã tìm cách chuyển hình thức đào tạo mang tính "dân gian" này thành đào tạo chính thức bằng cách tuyển chọn những thanh niên trẻ, yêu nghề, có năng khiếu, tổ chức thành lớp, mời các nghệ nhân đến giảng dạy, truyền nghề. Hình thức "truyền nghề" còn được áp dụng khá phổ biến trong các nhà máy, xí nghiệp, thậm chí cả trong các cơ quan công sở. Đó là sự hướng dẫn, kèm cặp của các thợ chính, thợ bậc cao, những cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật lâu năm, nhiều kinh nghiệm cho thợ mới, thợ học viêc, cán bộ, nhân viên mới vào nghề … Điều này góp phần khắc phục nhược điểm rất lớn và phổ biến trong công tác đào tạo ở nước ta là "nặng tính lý thuyết" mà "yếu tính thực tiễn" và "kém khả năng thực hành". Do vậy hình thức "truyền nghề" là một sự bổ sung rất quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực cho CNH.
Trong quá trình CNH hình thức "
đào tạo gắn với chuyển giao công nghệ', "Đào tạo theo chương trình, dự án"
rất thích hợp và rất hiệu quả, nhất là trong nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản. Muốn thành công trong việc chuyển giao công nghệ, kĩ thuật mới vào nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật cần đến tận từng thửa ruộng, mảnh vườn, từng chuồng trại trực tiếp hướng dẫn, đào tạo bà con nông dân theo kiểu "cầm tay chỉ việc "và theo dõi cho đến khi nông dân thực sự "học được, làm được" mới thôi.
Cần đa dạng hoá lực
lượng xã hội tham gia đào tạo nghề. Trước hết doanh nghiệp có một vai trò rất quan trọng trong dạy nghề. Là người trực tiếp sử dụng lao động, hơn ai hết, doanh nghiệp hiểu rõ phải đào tạo như thế nào mới có chất lượng và có sẵn phương tiện, điều kiện để làm việc này. Cần tiến tới một cơ chế định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề. Về mặt nguyên tắc các doanh nghiệp phải coi đào tạo nghề cũng là việc của mình. Do vậy nếu doanh nghiệp sử dụng lao động do xã hội đào tạo nghề thì phải đóng góp một phần chi phí đào tạo cho xã hội, còn nếu doanh nghiệp tự đào tạo lấy thì sẽ được xã hội hỗ trợ một phần kinh phí. Đối với Hà Tĩnh, ở những dự án lớn có trình độ kỷ thuật, công nghệ hiện đại, các nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm, nên khuyến khích họ tự tổ chức đào tạo nghề. Dù doanh nghiệp có tự tổ chức đào tạo nghề hay không, muốn đào tạo nghề Hà Tĩnh có chất lượng, hiệu quả phải tạo ra được sự gắn bó chặt chẽ giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, ở nhiều tỉnh thành đi đầu trong CNH, "Cái bắt tay" giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo diễn ra hết sức phong phú, đa dạng cho ta những bài học sinh động về vấn đề này.
Nếu chỉ xét thuần tuý về mặt lượng, hệ thống đào tạo nghề hiện nay không thể bảo đảm yêu cầu đào tạo nghề cho CNH ở Hà Tĩnh. Thực tế đó đặt hệ thống đào tạo nghề Hà Tĩnh trước một yêu cầu phát triển vượt bậc. Phải kết hợp nhiều hướng giải quyết mới đáp ứng được yêu cầu này. Những hướng giải quyết ấy là: Thứ nhất, tỉnh phải lựa chọn một số lĩnh vực, tăng cường đầu tư để mở rộng, hiện đại hoá, nâng cấp các cơ sở mới một cách phù hợp; Thứ hai, giao trách nhiệm đào tạo cho những doanh nghiệp lớn, hiện đại; Thứ ba, gửi học sinh đi đào tạo ở các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề của các ngành, các tỉnh bạn về những nghề mà họ có kinh nghiệm, uy tín; Thứ tư, đẩy nhanh tiến trình xã hội hoá hoạt động dạy nghề, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hoạt động dạy nghề; Thứ năm, cần nghiên cứu chuyển đối một số cơ sở đào tạo công lập sang các hình thức ngoài công lập, khuyến khích thành lập các cơ sở dạy nghề tư thục.
Dù đào tạo nghề được tổ chức theo hình thức nào, và do tổ chức nào đảm nhiệm, vấn đề sống còn vẫn phải là chất lượng. Ngay từ đầu phải quản lý tốt mặt chất lượng và khẳng định được
"thương hiệu đào tạo nghề Hà Tĩnh
". Muốn vậy việc chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy giáo, chương trình, phương pháp ... chúng ta phải nhất quán phương châm "mềm đầu vào" là mở rộng cánh cửa, tạo điều kiện cho nhiều người có nhu cầu được tham gia đào tạo "cứng đầu ra" là sàng lọc, loại bỏ những học sinh yếu, kém. Do vậy sẽ tạo động lực, thúc đẩy người học phải cố gắng vươn lên, một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Phương châm này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, mà còn có tác dụng rèn luyện kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, phong cách lao động cho người học, nhờ vậy mà nâng cao uy tín, tạo thương hiệu cho đào tạo nghề Hà Tĩnh.
Dù ít hay nhiều, đào tạo nghề cho người Hà Tĩnh cũng gặp một khó khăn đặc thù so với nhiều vùng, miền khác "máu làm thợ trong con người Hà Tĩnh không cao". Cũng dễ hiểu điều này, miền quê nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt từ bao đời đã hun đúc cho con người Hà Tĩnh ý chí mạnh mẽ vươn lên, ra đi lập thân, lập nghiệp, thi thố với đời người để khẳng định mình "Ý chí vươn lên" đã trở thành sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người xứ Nghệ. Có lẽ người Hà Tĩnh thích "làm thầy hơn làm thợ", "thích làm chủ hơn làm thuê" và rất "dễ mếch lòng khi bị ai sai khiến". Và chính điều đó là một hạn chế "dân Nghệ Tĩnh" bước vào kinh tế thị trường trong "nghề thợ". Có ba cung bậc khác nhau trong "nghề thợ". Thứ nhất, "làm thợ vì miếng cơm manh áo": Thứ hai, "làm thợ vì tiền"; Thứ ba "làm thợ vì tiền vừa vì vinh quang của nghề nghiệp". Muốn "thành đạt trong nghề thợ", người thợ phải tiến lên được cung bậc thứ ba này. Đào tạo nghề ở Hà Tĩnh bên cạnh việc trang bị các kiến thức chuyên môn, kỷ năng nghề nghiệp, còn rất cần giúp thế hệ trẻ thay đổi dần tâm lý bất lợi này.
3. Cần có chính sách thu hút người tài.
Một "dân tộc lớn" không phải do dân đông, nước rộng, mà do có nhiều người tài. Ở nước ta, những vùng phát triển như Thành Phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... đều là nơi hội tụ nhân tài khắp nước. Ngay ở Hà Tĩnh, việc các nhà doanh nghiệp đưa dự án đến đầu tư, tạo cho tỉnh ta một bước phát triển vượt bậc là một thành công trong chính sách thu hút nhân tài. Một cái khó hiện nay, Hà Tĩnh đang là một tỉnh nghèo lấy đâu ra sức mạnh vật chất mà thu hút nhân tài. Song chính ngay khi đang còn nghèo mà muốn phát triển thì mới cần có "chính sách thu hút nhân tài".
Chính sách thu hút nhân tài ở đâu cũng được xây dựng trên cơ sở của chính sách trọng dụng người tài đang làm việc tại chổ. Ở đâu người tài được trọng dụng, thì "hữu xạ tự nhiên hương" và "đất lành chim đậu", nó sẽ tạo thành sức hút mạnh nhất, quan trọng nhất lôi kéo người tài bốn phương về làm việc. Trong thiết kế chính sách thu hút nhân tài cần có cái nhìn thoả đáng về một số vấn đề như: Thứ nhất, thực sự mạnh dạn, cởi mở trong việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài đang làm việc tại chổ; Thứ hai, nhân tài mà chúng ta cần thu hút là người tài của cả bốn phương, chứ không riêng gì con em Hà Tĩnh; Thứ ba, thu hút người tài là thu hút "
cái tài, cái trí tuệ - phần hồn của họ
", chứ không nhất thiết họ phải chuyển về sống và làm việc ở Hà Tĩnh; Thứ tư, chính sách thu hút nhân tài là một loại "
chính sách tổng hợp
", trong đó có lợi ích kinh tế, có tình cảm tinh thần, có môi trường làm việc, có thái độ ứng xử... mà cốt lõi bên trong, xuyên suốt và nhất quán phải là "tăng cường lực hút, hạn chế lực đẩy". Chỉ trên cách tiếp cận như vậy chúng ta mới mở rộng được cách nghỉ, cách làm từ đó có chính sách phù hợp.
PGS - TS Kiều Thế Việt
Học viện Chính trị- Hành chính khu vực I