Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề đặt ra

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”.
Ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg, ban hành “Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới” bao gồm 19 tiêu chí và được chia thành 5 nhóm. Bộ tiêu chí đưa ra chỉ tiêu chung cho cả nước và các chỉ tiêu cụ thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi vùng. Bộ tiêu chí là căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời là cơ sở để kiểm tra, đánh giá công nhận xã, huyện, tỉnh đạt nông thôn mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (1-2011) đã chỉ rõ: “Xây dựng nông thôn mới: Quy hoạch phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo cho một triệu lao động nông thôn mỗi năm.
Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển”.(1)
Nông thôn mới có thể được khái quát gọn trong 5 nội dung cơ bản sau: “Đó là làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ”.
Nông thôn mới trước hết phải là nông thôn, không phải là thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố và khác với nông thôn truyền thống hiện nay.
Tại Thông tư số 54/ 2009/TT, ngày 21-8-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định: “Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chánh cơ sở là Ủy ban Nhân dân xã”.
Trong Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới, Chính phủ quyết định 6 giải pháp chủ yếu để thực hiện 11 nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra nhằm mục tiêu đến năm 2015: 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 9.121 xã hiện nay của cả nước.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn đầy tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân.
Sau hai năm thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới ở 11 xã điểm trên cả nước đã có những thành công bước đầu; hình hài nông thôn mới Việt Nam đã và đang được hình thành. “Hiện nay, các xã mới chỉ chú trọng đến phát triển hạ tầng mà ít chú trọng đến phát triển sản xuất, nhất là sản xuất hàng hóa… Sản xuất chủ yếu vẫn còn manh mún, nhiều xã vẫn chỉ có các mô hình nhỏ, lệ thuộc vào các nhóm hộ. Các xã vẫn chưa tạo ra được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các sản phẩm làm ra chưa thực sự tiêu biểu cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ…Vì thế, thu nhập bình quân của người dân tuy có tăng, nhưng vẫn còn ở mức thấp” (2).
Thực tế, quá trình xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm đã gặp một số khó khăn:
1- Hiện nay, cả nước còn hơn 2.000 xã nghèo nhất nước có tỷ lệ hộ nghèo dưới 50% . Khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và đô thị đang ngày càng rộng ra. Đất đai nông nghiệp ngày càng thu hẹp do phát triển đô thị, khu công nghiệp, sân golf…Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp cũng làm giảm diện tích sản xuất nông nghiệp…
2- Hạ tầng nông thôn quá lạc hậu, nhất là miền núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế.
3- Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp từ 70% hiện nay xuống còn 30% lao động của xã hội là bài toán khó…
Từ tình hình trên, cần tập trung ưu tiên trong thời gian sớm nhất thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu dưới đây:
1- Quá trình xây dựng nông thôn mới, phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm của cuộc vận động. Nếu coi nông dân là chủ thể của phát triển nông nghiệp, nông thôn mà không tập trung sức cải thiện đời sống cho nông dân - nhóm dân số đông nhất hiện nay ở nước ta -  thì việc xây dựng nông thôn mới không còn ý nghĩa nữa.
2- Quy hoạch lại nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, và phải đi trước một bước. Từ quy hoạch tổng thể, xây dựng quy hoạch chi tiết. Tránh gây xáo trộn không cần thiết, dẫn tới lãng phí, tốn kém. Nhất thiết không được triển khai khi quy hoạch chưa được phê duyệt.
3- Nông dân nước ta ít có điều kiện tiếp cận khoa học và công nghệ mới, không đủ lực (vốn và trình độ học vấn) để ứng dụng khoa học và công nghệ.
Khoa học và công nghệ là động lực của sự phát triển. Cần hỗ trợ nông dân về khoa học và công nghệ, đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn. Hình thành đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, thu hút và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ hiện có bao gồm: đãi ngộ vật chất; môi trường làm việc thuận lợi; cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp; được tôn vinh xứng đáng. Về lâu dài, chăm lo công tác đổi mới đào tạo nhân lực đáp ứng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn mới mang tầm cỡ quốc gia.
Khuyến nông đang là một giải pháp hữu hiệu cần được tiếp tục khai thác tốt hơn.
4- Đồng thời với chính sách đầu tư và cơ chế đầu tư được đổi mới, tranh thủ tìm mọi cách tăng đầu tư xã hội cho xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế, chính sách và những giải pháp xã hội hóa đủ mạnh và khả thi để huy động các thành phần kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp và toàn xã hội đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.
Cải tiến chính sách tín dụng bảo đảm mọi nông dân có khó khăn về vốn có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay để đầu tư cho sản xuất
5- Tập trung triển khai tốt chương trình đào tạo cho cư dân nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, của Thủ tướng Chính phủ. Việc đào tạo nghề phải gắn kết với yêu cầu của doanh nghiệp, hoặc phục vụ các dự án lớn ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là một tiêu chí khó thực hiện nhất và chỉ thực hiện được bằng cách phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Người nông dân hiện nay cần được đào tạo về tất cả những nghề trực tiếp phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách xây dựng nông thôn mới rộng khắp trong cả nước và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nông thôn làm nòng cốt cho chương trình.
6- Thực hiện bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, nhất là những cây trồng, vật nuôi là sản phẩm hàng hóa có quy mô lớn, vừa bảo đảm ổn định bền vững thu nhập cho nông dân, cho doanh nghiệp, vừa tạo thế cho những sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có vị thế quốc gia.
7- Hình thức tổ chức sản xuất gồm có: Kinh tế hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp, công ty cổ phần (cổ đông là hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã…) Nhà nước khuyến khích, hướng cho nông dân tự lựa chọn, tuyệt đối không áp đặt, và có chính sách hỗ trợ, bảo hiểm cho các loại hình mới hoạt động có hiệu quả.
8- Phát huy triệt để vai trò trung tâm của mô hình “Liên kết bốn nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đây là một trong những phương thức tốt nhất cho phép người nông dân tận dụng được nhiều lợi thế để phát triển sản xuất; nhà khoa học có điều kiện thực hiện năng lực chuyên môn; nhà doanh nghiệp có cơ hội tìm được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; Nhà nước thể hiện được vai trò của mình với vị thế là người “nhạc trưởng”.
9- Xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động lớn đòi hỏi phải có sự nỗ lực tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hưởng ứng các nội dung phát động của Thủ tướng Chính phủ “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại kết quả thiết thực.
10- Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Những kết quả đạt được ở các xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã. Tổ chức cơ sở Đảng phải trong sạch, vững mạnh, đảng viên luôn tiên phong quán triệt các chủ trương, chính sách, tạo sự đồng thuận trong Đảng cho tới toàn xã hội; gương mẫu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, đầu tàu trong các mô hình sản xuất để nhân dân làm theo.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có nội dung toàn diện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của 70% dân số của cả nước đang sống ở nông thôn và được triển khai trong thời gian dài.
Xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trên phạm vi cả nước là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng và Nhà nước, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự  nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bởi lẽ, trong xu thế phát triển hiện nay, không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu và đời sống nông dân còn thấp như hiện nay.
Nguyễn Xuyến
-----------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng - NXB CTQG - H - 2011 - tr 123

(2) Tạp chí Cộng sản, số 57, tháng 9-2011, tr 13.